TP.Hồ Chí Minh: Ngầm hóa lưới điện, hiện thực hóa đô thị thông minh
Đẩy mạnh ngầm hóa lưới điện - cải thiện diện mạo đô thị
Là trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất cả nước, TP. Hồ Chí Minh không ngừng nỗ lực hiện đại hóa hạ tầng và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Trong chiến lược phát triển đô thị bền vững, công tác ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông được thành phố triển khai quyết liệt từ năm 2010 đến 2025, góp phần thay đổi diện mạo đô thị và tăng cường độ tin cậy trong cung cấp điện, viễn thông.
TP. Hồ Chí Minh xác định ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông là giải pháp then chốt để hướng tới đô thị hiện đại. |
Trả lời phóng viên, ông Bùi Hải Thành - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết: Đầu những năm 2000, TP. Hồ Chí Minh đối mặt với tình trạng dây điện và cáp viễn thông chằng chịt tại các quận trung tâm như quận 1, 3 và 5, vừa gây mất mỹ quan, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Trước thực trạng đó, TP. Hồ Chí Minh xác định ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông là giải pháp then chốt để hướng tới đô thị hiện đại.
Từ năm 2003, các dự án thí điểm được triển khai nhưng còn hạn chế do thiếu sự đồng bộ. Bước sang giai đoạn 2010–2015, thành phố đã ngầm hóa khoảng 900 km lưới điện trung và hạ thế. Giai đoạn 2016–2020 đánh dấu bước tiến mới với việc mở rộng thi công sang các quận 5, 7, 10 và áp dụng công nghệ khoan ngầm định hướng (HDD), giúp hạn chế đào đường, giảm thời gian và chi phí thi công.
Sự phối hợp giữa ngành điện và doanh nghiệp viễn thông cũng ngày càng hiệu quả, đảm bảo công trình được thực hiện đồng bộ và khoa học. Tính đến cuối năm 2020, TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành ngầm hóa khoảng 1.500 km lưới điện trung thế, 2.200 km hạ thế và hơn 2.000 km cáp viễn thông. Các khu vực như phố đi bộ Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, Phú Mỹ Hưng đã có diện mạo mới - hiện đại, an toàn và văn minh.
Dự kiến đến hết năm 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ ngầm hóa được hơn 1.500 km lưới điện trung thế, 2.500 km lưới điện hạ thế và gần 4.000 km cáp viễn thông |
Giai đoạn 2021–2025, EVNHCMC tiếp tục mở rộng phạm vi sang các khu vực ven và TP. Thủ Đức, đồng thời cải tạo các tuyến cáp ngầm cũ để phù hợp với nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao. Các dự án trọng điểm như metro số 1, khu đô thị Sala hay đại lộ Mai Chí Thọ cũng tích hợp hạ tầng cáp ngầm phục vụ chiếu sáng thông minh, giám sát giao thông và kết nối 5G.
“Theo kế hoạch, đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh sẽ ngầm hóa thêm 1.500 km lưới điện trung thế, 2.500 km hạ thế và gần 4.000 km cáp viễn thông, với hơn 70% lưới điện trung tâm được đưa xuống lòng đất”, ông Bùi Hải Thành cho biết. Dù chi phí đầu tư lớn và công tác bảo trì đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng hiệu quả mang lại rất rõ rệt, đảm bảo an toàn, giảm sự cố và mở ra không gian cho hạ tầng đô thị thông minh.
Hiện thực hóa đô thị thông minh, hiện đại
Với nền tảng đạt được trong giai đoạn 2010-2025, TP. Hồ Chí Minh đang từng bước hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một đô thị thông minh, phát triển bền vững, khẳng định vị thế là đầu tàu kinh tế - công nghệ của cả nước và khu vực. Theo ghi nhận, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh hiện đang tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm theo Quyết định 162 của UBND thành phố, tập trung vào khu vực trung tâm và các đô thị mới - những khu vực chiến lược trong quy hoạch phát triển thành phố tương lai.
Ngầm hóa lưới điện dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) mang lại diện mạo mới cho đô thị. |
Một trong những điểm sáng thời gian qua là công tác ngầm hóa lưới điện trên địa bàn phường 5, quận Gò Vấp. Theo ông Vương Hoài Nam - Chủ tịch UBND phường 5, nhiều tuyến đường quan trọng như: Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Thái Sơn, Phan Văn Trị… và đặc biệt là dự án nâng cấp, mở rộng đường Dương Quảng Hàm đã hoàn tất ngầm hóa hệ thống điện và cáp viễn thông. “Trước đây, hệ thống dây điện chằng chịt không chỉ gây mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Sau khi ngầm hóa, bộ mặt đô thị thay đổi rõ rệt, được người dân đồng thuận và ủng hộ”, ông Vương Hoài Nam chia sẻ.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn tồn tại những khó khăn, nhất là tại các khu vực dân cư đông đúc. Việc thi công gần nhà dân đôi lúc vấp phải một số ý kiến trái chiều. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ngành điện và các tổ chức đoàn thể, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai kịp thời, góp phần nâng cao nhận thức và sự đồng thuận trong cộng đồng.
Công trình tại đường Dương Quảng Hàm là minh chứng cho cách làm hiệu quả. Việc tổ chức thi công đồng bộ, nhiều đội thi công thực hiện song song giúp rút ngắn tiến độ và hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân. Từ thực tiễn này, địa phương kiến nghị cần lồng ghép ngầm hóa lưới điện với các dự án giao thông để tối ưu nguồn lực và đạt hiệu quả đầu tư cao nhất.
Từ góc nhìn người dân, ông Nguyễn Trung Kiên - cư dân khu phố 13, phường 5 - bày tỏ sự hài lòng: "Trước đây, dây điện, cột điện gây cản trở và mất mỹ quan. Giờ đây đường phố thông thoáng, an toàn hơn. Vào dịp lễ như: Chiến thắng 30/4hay Quốc Khánh 2/9, bà con treo cờ, sinh hoạt cộng đồng thuận tiện và đẹp mắt hơn”. Ông Kiên cũng mong muốn ngành điện tiếp tục mở rộng công tác chỉnh trang ra các khu vực còn lại, để người dân toàn thành phố đều được hưởng lợi từ môi trường sống hiện đại, văn minh và an toàn.
Giai đoạn 2010-2025, công tác ngầm hóa lưới điện đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho TP. Hồ Chí Minh. Không gian đô thị trở nên thông thoáng, sạch đẹp, tạo ấn tượng tốt với du khách. Nguy cơ cháy nổ, sự cố điện do thời tiết được giảm thiểu, đảm bảo an toàn cho người dân. Hệ thống cáp ngầm giúp ổn định nguồn điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Đặc biệt, hạ tầng ngầm còn là nền tảng quan trọng để triển khai các ứng dụng công nghệ như giao thông thông minh, quản lý năng lượng và phát triển đô thị số. |