Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương - chia sẻ thông tin:
Thưa ông, trước những diễn biến của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ lo lắng vì không đủ nguyên liệu sản xuất trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã có những động thái gì nhằm cứu nguy cho doanh nghiệp trong bối cảnh này?
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã có tác động mạnh mẽ đến các khía cạnh khác nhau của hoạt động sản xuất cũng như xuất nhập khẩu. Những diễn biến dịch như vừa qua cũng là biến cố đột ngột, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đã có một lượng tồn kho nhất định từ trước Tết nhưng chỉ đảm bảo duy trì được một thời gian.
![]() |
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương |
Bộ Công Thương đã làm việc với các Hiệp hội trong những lĩnh vực liên quan để rà soát đánh giá tương đối tổng thể, qua đó nắm bắt những khó khăn của các doanh nghiệp để triển khai các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ.
Ngay từ khi dịch phát sinh, Bộ Công Thương đã nắm bắt tình hình và lường trước được những vấn đề về đứt gãy nguồn cung đối với những mặt hàng có nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc. Qua đó, Lãnh đạo Bộ cũng đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ phải vào cuộc để tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế cho các ngành như dệt may, da giày. Đó là những ngành mà có nguồn nguyên liệu lớn từ Trung Quốc.
Bước đầu chúng tôi nhắm tới một số thị trường lân cận như Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan - là những thị trường có nguồn nguyên liệu khả thi để tiếp cận. Vừa qua, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã có các cuộc tiếp xúc nhằm tìm hiểu, tiếp cận thị trường Ấn Độ. Đây là thị trường có nguồn nguyên liệu tương đối phong phú, tuy nhiên để phù hợp với mặt hàng sản xuất của các doanh nghiệp thì lại cần có thời gian. Bởi lẽ các doanh nghiệp dệt may sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu của Trung Quốc và những nguyên liệu đó có đặc thù riêng. Để các nguồn nguyên liệu thay thế thực sự đi vào sản xuất phải có thời gian cho các doanh nghiệp tiếp cận trao đổi.
Dệt may là một trong những ngành đang có nguy cơ cao về thiếu hụt nguyên liệu, đặc biệt là vải. Liệu điều này sẽ tác động như thế nào đến xuất khẩu và các biện pháp đang được Bộ Công Thương thực hiện là gì, thưa ông?
Dệt may là ngành hàng xuất khẩu lớn hiện nay, chỉ đứng sau điện thoại và cũng là ngành sử dụng nhiều lao động, có đóng góp kinh tế lớn cho một số địa phương. Tình hình dịch bệnh như vừa qua cũng tạo nên tác động lớn với ngành dệt may khi các nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu về vải chúng ta đang nhập khẩu rất nhiều từ Trung Quốc.
Với diễn biến tình hình như vậy, thì chắc chắn hoạt động sản xuất và xuất khẩu của ngành dệt may sẽ bị ảnh hưởng sụt giảm. Điều chúng ta đang làm hiện nay là cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất những yếu tố các động đó thông qua việc khẩn trương tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế, trước hết là nguồn nguyên liệu vải.
![]() |
Dệt may là một trong những ngành có nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cao |
Với những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ thì hiện nay cũng đang cố gắng để đưa tỷ lệ vải sản xuất trong nước lên cao hơn nữa.
Mặc dù vậy, nguyên liệu vải nhập khẩu hiện vẫn đang chiếm tỷ lệ cao hơn và chúng ta vẫn đang tìm kiếm những nguồn nguyên liệu khác như từ Ấn Độ, Hàn Quốc hoặc từ một số nước từ châu Âu. Tuy nhiên, như tôi đã nói trước đó, các doanh nghiệp cần một quá trình để thích ứng và chuyển đổi trước khi họ thực sự đa dạng hóa được nguồn nguyên liệu hiện có.
Vậy, khả năng cung ứng hàng hóa như những nguyên liệu vải cho các doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới như thế nào? Và chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì từ những biến cố như vậy?
Vai trò lớn nhất của Bộ Công Thương là hỗ trợ thông qua những chính sách và hoạt động xúc tiến, đào tạo cung cấp thông tin. Với những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, Bộ Công Thương đã huy động các cơ quan tham mưu trong nước cũng như hệ thống Thương vụ ở ngoài nước để tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp trong khả năng sớm nhất có thể. Chúng tôi sẽ có buổi làm việc lần nữa với Hiệp hội Dệt may và các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để đánh giá sát hơn những tác động, nhu cầu của các doanh nghiệp cụ thể là thế nào. Ví dụ cùng nói về vải, nhưng những đặc điểm của các loại vải đó là gì, để khi các cơ quan của Bộ Công Thương, các Thương vụ ở nước ngoài kết nối chính xác hơn và tiết kiệm thời gian cho cả doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước.
Dịch Covid – 19 có thể nói là một biến cố lớn nhưng cũng là cơ hội để cho các ngành sản xuất và đặc biệt là các ngành có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, nhìn lại chính mình. Chúng ta thường nói đến hoạt động xuất khẩu bền vững nhưng không có nghĩa là chỉ bao gồm những yếu tố về mặt tăng trưởng con số mà còn đề cập đến việc duy trì được tốc độ tăng trưởng đó một cách lâu dài và cũng không phải là sự đánh đổi các yếu tố như tài nguyên.
Những thành tích đạt được là rất quan trọng, rất đang khích lệ, tuy nhiên, về lâu dài những điểm tựa đó chưa thực sự vững chắc. Để có những điểm tựa vững chắc thì buộc chúng ta phải điều chỉnh. Có thể phải dành nguồn lực nhiều hơn cho những đầu tư mang tính chất dài hơi để trong thời gian lâu hơn vẫn duy trì được sản xuất cũng như hoạt động tăng trưởng.
Đặc biệt, mối quan hệ giữa sản xuất và thị trường luôn là yếu tố chính tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu. Do vậy, việc thiết lập quan hệ vững chắc đối với thị trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu và chiếm lĩnh được những công đoạn có giá trị gia tăng cao... cũng chính là những bậc thang mà doanh nghiệp sẽ hướng đến một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn.