“Bộ Công Thương rất quyết liệt trong chỉ đạo nhập khẩu xăng dầu”
Xăng dầu là một trong những mặt hàng “nóng” và thời gian qua, đây là mặt hàng rất được dư luận quan tâm.
Ông Trần Ngọc Năm chia sẻ tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước quý I/2022, sau dịp Tết Nguyên đán, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng nguồn cung xăng dầu bị gián đoạn do sự cố từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Mặc dù trước đây, việc các thương nhân đầu mối nhập khẩu 100% xăng dầu là điều bình thường bởi doanh nghiệp không phải hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà máy trong nước, song kế hoạch nhập mua phải có thời gian.
Trong khi đó, Nhà máy Lọc đầu Nghi Sơn có kế hoạch dừng cung cấp xăng dầu khá đột ngột. Cho nên các đầu mối phải chuẩn bị gấp việc nhập khẩu xăng dầu để khắc phục lượng thiếu hụt đó.
Xăng dầu là một trong những mặt hàng rất được dư luận quan tâm |
“Chưa kể, xăng dầu là mặt hàng đặc thù, không phải cứ thiếu là mua được ngay. Kể cả mua về thì cũng phải mất thời gian chở hàng về đến cảng. Khi hàng về đến cảng thì làm thủ tục thông quan và bơm hàng về kho chứa cũng không thể “ngày một ngày hai” là xong” – ông Năm chỉ rõ.
Khi thị trường vẫn còn khó khăn thì xung đột Nga và Ukraina diễn ra, tiếp tục gây áp lực lên nguồn cung xăng dầu trong nước. Ông Năm nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đó, chúng tôi nhận thấy những dự báo mà Bộ Công Thương đề ra trước đó, cũng như biện pháp mà Bộ Công Thương chỉ đạo doanh nghiệp trong việc nhanh chóng tìm nguồn cung nhập khẩu xăng dầu là quyết liệt và kịp thời”.
Riêng đối với hoạt động nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công Thương đã rất quyết liệt và sâu sát khi liên tục tổ chức họp với các thương nhân đầu mối cũng như chỉ đạo các thương nhân trong việc tìm nguồn hàng. Các doanh nghiệp cũng khẳng định rằng nguồn cung xăng dầu trên thị trường không thể thiếu. Bởi các thương nhân đầu mối đều phải chuẩn bị nguồn cung cho mình chứ không bao giờ đợi đến khi thiếu hàng mới đi tìm nguồn nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông Năm cũng khẳng định rằng, không phải tất cả các doanh nghiệp đều làm tốt. Vì đâu đó vẫn có những doanh nghiệp tư nhân khi thấy giá lên thì tính toán và có thể dừng bán hàng trong một thời gian nhất định. Tuy nhiên, không thể đánh đồng các doanh nghiệp này với hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex và rất nhiều các doanh nghiệp đầu mối khác vẫn hoạt động bình thường để phục vụ cho người tiêu dùng. Do đó, truyền thông, báo chí phải đưa những thông tin thế nào cho phù hợp, tránh trường hợp gây ra những khó khăn ảo về thị trường hoặc gây hoang mang cho người sử dụng.
Đơn cử, hệ thống của Petrolimex có 2.700 cửa hàng xăng dầu, bình thường cung cấp ra thị trường sản lượng khoảng 16 nghìn m3. Nhưng thường vào thời điểm trước khi tăng giá, sản lượng bán ra có thể lên đến 31-32 nghìn m3. Vì lo lắng vấn đề tăng giá nên nhiều người mang can, phi, thậm chí bể chứa nước đến để mua xăng dầu về tích trữ.
Khi giá lên, nhà nhà tích trữ. Nhưng khi giá xuống, doanh nghiệp đầu mối sẽ tồn kho cao và gặp khó khăn. Tuy nhiên, Petrolimex xác định đây là rủi ro trong kinh doanh, trong điều kiện địa chính trị có những yếu tố phức tạp và việc đánh giá về thị trường gặp khó khăn.
“Về tinh thần, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc tìm kiếm các nguồn cung bổ sung. Hiện nay, tình hình đang dịu bớt so với thời điểm trước đây, khả năng đảm bảo nguồn sẽ tốt hơn. Còn về nguồn hàng, chúng tôi đảm bảo sẽ không thiếu xăng dầu trong mọi tình huống” – ông Trần Ngọc Năm khẳng định.
Trong thời gian tới, để tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam kiến nghị Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh chi phí Premium cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin truyền thông để làm sao công tác tuyên truyền thời gian tới chính xác, phản ánh thật chất vấn đề, không gây tâm lý hoang mang cho người dân, góp phần cho việc điều hành giá xăng dầu được thuận lợi.