Bộ Công Thương đồng hành với Hội Nông dân Việt Nam trong mục tiêu phát triển Tam nông
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Đề án 61) và Quyết định số 673/QĐ- TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc Hội nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020" được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
5 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh- cho biết, bám sát các chỉ đạo chung của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 673 và Đề án 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Công Thương đã tích cực chủ động phối hợp với Hội nông dân Việt Nam và các Bộ, ngành, Trung ương xây dựng và triển khai nhiều chương trình, Đề án hướng vào trọng tâm là thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa cho người nông dân.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị |
Theo đó, Bộ Công Thương tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cụ thể, tập trung phát triển hệ thống hạ tầng thương mại để phục vụ phát triển thương mại nông thôn. Xây dựng, tổ chức triển khai, nhân rộng các mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp để hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã liên kết trong các khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp để bảo vệ quyền lợi của người nông dân, giảm thiểu thiệt hại cho khâu sản xuất cũng như tiêu thụ hàng hóa của người nông dân; đổi mới nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, các mô hình kết nối tiêu thụ nông sản trên thị trường nội địa cũng như thị trường xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa cho bà con nông dân trên cả nước; lấy doanh nghiệp, HTX, người nông dân làm trọng tâm của công tác hội nhập, nhằm khai thác các lợi ích từ các cam kết hội nhập quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu đặc biệt là xuất khẩu nông sản hàng hóa sang các thị trường ngoài nước mà Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do.
Với các chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc chủ động thực hiện với 5 nội dung nêu trên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với các nguồn vốn đầu tư khác nhau, đến nay, hệ thống chợ nông thôn đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, xây dựng mới khang trang, hiện đại, đảm bảo các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm (năm 2020 đã có từ 6.400 so với con số 6.000 chợ năm 2011). Đồng thời, tích cực triển khai nhân rộng các mô hình chợ an toàn thực phẩm trên cả nước.
Về công tác xây dựng các mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp để hỗ trợ bà con nông dân trong việc xây dựng các mô hình liên kết gắn với tiêu thụ hàng hóa, Bộ Công Thương đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/QĐ-TTG 6/1/2010 về triển khai thực hiện Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020.
Từ đó, hàng loạt các mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp đã được xây dựng và hình thành trên địa bàn cả nước như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Trà Vinh, Bình Phước, Cao Bằng…. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương các địa phương đã phối hợp với Hội nông dân, Liên minh HTX, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, triển khai nhân rộng mô hình. Hiện nay, mỗi tỉnh đã lựa chọn xây dựng 2 mô hình thí điểm tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với ngân sách Trung ương hỗ trợ 500 triệu đồng/mô hình.
Ngày 17/7/2014, Bộ Công Thương cùng với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ký kết Chương trình về giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp giai đoạn 2014-2020 (Chương trình phối hợp số 17). Ban chỉ đạo Chương trình 17 đã xây dựng ban hành kế hoạch số 01 để tổ chức triển khai cụ thể nội dung chương trình này. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 7243/QĐ-BCT ngày 15/8/2014, nhằm tổ chức thực hiện Chương trình 17, cũng như các hoạt động cụ thể để đảm bảo sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp cho giai đoạn 2014 – 2020. Xây dựng và ban hành Thông tư số 29/2014/TT-BCT quy định cụ thể và hướng dẫn một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác giúp cho người nông dân và tránh những thiệt hại do hàng giả.
Điểm nhấn công tác xúc tiến thương mại
Về đổi mới nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, các mô hình kết nối tiêu thụ nông sản trên thị trường, Bộ Công Thương đã tập trung mở rộng kênh phân phối, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội địa với các doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho bà con. Đặc biệt, phổ biến, hướng dẫn cho các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào các chương trình đề án cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước.
Hiện, nông sản Việt Nam đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ, trong đó, một số mặt hàng chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, tôm, cá tra… Giai đoạn 2010-2019, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân của nhóm nông sản đạt 3,5%/năm. Tăng trưởng xuất khẩu tại nhiều thị trường đạt 2 con số như xuất khẩu sang Chile tăng 3,6 lần sau 5 năm, tăng bình quân 28,9%/năm; Ấn Độ tăng 15,6 lần sau 9 năm, Hàn Quốc tăng bình quân hơn 29%/năm, Trung Quốc tăng gần 30%/năm… Bộ Công Thương sẽ chủ động, tích cực phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động, chương trình, dự án nhằm thúc đẩy nông sản, tìm kiếm đầu ra tiêu thụ hàng hóa cho nông dân… |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tổ chức các mô hình kết nối tiêu thụ nông sản với bà con nông dân thông qua các hình thức hội chợ, triển lãm, kết nối cung cầu và bình ổn thị trường ở rất nhiều địa phương, các thành phố lớn. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các chương trình như: Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo; chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Thực tế, các chương trình này đang phát huy rất tốt vai trò để tạo điều kiện cho các địa phương chuyên môn hóa trong các sản phẩm đặc thù của địa phương mình.
Cùng với đó, công tác thực hiện Cuộc Vận động “Người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng đã được các cơ quan trong hệ thống chính trị thúc đẩy và quảng bá, tạo điều kiện cho phát triển mạnh mẽ hơn nữa thị trường trong nước, nâng cao nhận thức của người dân khu vực nông thôn đối với hàng hóa trong nước, hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp phân phối để đưa hàng hóa, trong đó có sản phẩm nông sản của nông dân đến khu vực vùng sâu, vùng xa, từ đó người tiêu dùng, bà con vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được hàng Việt chất lượng cao, giá cả phù hợp….
Đáng chú ý, trong công tác xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam tổ chức thực hiện hàng loạt các đề án về xúc tiến thương mại ở cấp quốc gia. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay đã thực hiện 13 đề án với khoảng 327 lượt HTX, doanh nghiệp trên cả nước tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại, các khóa đào tập huấn, xây dựng chiến lược kinh doanh và tiếp cận thị trường.
“Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết, các chương trình đào tạo, phổ biến pháp luật trong hoạt động xúc tiến thương, xây dựng thương hiệu quốc gia sẽ được Bộ Công Thương tăng cường, chú trọng hơn nữa trong việc phối hợp triển khai với Hội Nông dân Việt Nam cũng như với các địa phương” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Đồng hành trong mục tiêu phát triển Tam nông trong giai đoạn tới
Đồng tình với các báo cáo của Ban chỉ đạo đánh giá về các tồn tại, bất cập, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, Đề án 61 cần phải tiếp tục được nghiên cứu bổ sung. Theo đó, liên quan đến khâu tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thì vai trò của người nông dân cần được nâng cao hơn, đặc biệt là hiểu biết, tiếp cận và phát triển thị trường. Để làm được điều này, ngoài vai trò của chính quyền địa phương, của HTX tại địa phương thì Hội nông dân có vai trò rất quan trọng trong công tác tổ chức đào tạo cho người nông dân trong bối cảnh hội nhập và trong bối cảnh mới này.
Thứ hai, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp cùng với Hội nông dân và cơ quan địa phương để cùng xây dựng các hàng rào kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm nhằm bảo vệ thị trường nội địa trong nước cũng như nâng cao chất lượng hàng hóa. “Tiếp tục đào tạo và phổ biến cho người nông dân về các kiến thức pháp luật, đặc biệt trong vấn đề về đấu tranh chống hàng giả, sở hữu trí tuệ. Không chỉ thực thi các cam kết hội nhập có hiệu quả mà cần gắn với các mục tiêu xây dựng các thương hiệu nông sản gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc nhằm đảm bảo sản phẩm nông sản có đủ năng lực để cạnh tranh không chỉ ở thị trường ngoài nước mà ngay cả tại thị trường trong nước trong bối cảnh chúng ta đang phải thực thi các cam kết hội nhập về mở cửa thị trường” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng đề nghị, cần tăng cường hơn nữa vai trò của Hội nông dân Việt Nam trong việc gắn kết với các chương trình của các Bộ, ngành trong thực hiện các chính sách phát triển của Chính phủ. Bên cạnh đó, cần xác định rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong việc phối hợp với các Hội Nông dân Việt Nam để từ đó cụ thể hóa cách thực hiện trong các Đề án và các chương trình. Cần phải đẩy nhanh hơn nữa việc thu hút các nguồn lực đầu tư, đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp vào khu vực nông thôn, nông nghiệp.
Hội nông dân Việt Nam cần tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo cho người nông dân về các mô hình hợp tác mới, liên kết chuỗi, đặc biệt, tạo sự liên kết giữa các hội nông dân, giữa HTX ở khu vực nông thôn với các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trong chuỗi giá trị. Việc này là hết sức quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển trong thời gian tới.
Về phía Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của các đồng chí trong Ban chỉ đạo Đề án 61 để tiếp tục triển khai thực tốt trong thời gian tới, đảm bảo sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ, kịp thời và hiệu quả với Hội nông dân Việt Nam để Hội phát huy tốt vai trò của mình cũng như thực hiện tốt mục tiêu phát triển Tam nông.