Thứ tư 14/05/2025 23:51

Bình Thuận: Tập huấn nâng cao năng lực thực thi pháp luật về thương mại điện tử

Tại hội nghị tập huấn, các học viên đã nghe báo cáo viên trình bày thực trạng thương mại điện tử tại Việt Nam, quản lý Nhà nước về thương mại điện tử...

Ngày 25/6, Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử thuộc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Bình Thuận tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức thực thi pháp luật về thương mại điện tử.

150 đại biểu tham gia Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức thực thi pháp luật về thương mại điện tử

Hiện nay, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến; sự đa dạng về mô hình hoạt động, đối tượng tham gia, quy trình hoạt động, chuỗi cung ứng với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác quản lý thu thuế…

Do đó, trong những năm qua các cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và pháp luật về thương mại điện tử nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và có sự chồng chéo nên khi áp dụng trong thực tiễn gặp nhiều vướng mắc; các quy định, cơ chế thanh tra đối với thương mại điện tử còn khá lỏng lẻo; số lượng cũng như năng lực đội ngũ thanh tra còn hạn chế; các hoạt động thanh tra, kiểm tra vẫn theo định kỳ và tần suất còn thấp; mức độ xử lý vi phạm còn tương đối nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử.

Bình Thuận đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thương mại. (Ảnh minh hoạ)

Tại tỉnh Bình Thuận, trong những năm gần đây đã chú trọng đến phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng và tận dụng lợi thế mà lĩnh vực này mang lại.

Cụ thể, đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, chính sách để thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử, tích cực nâng cao nhận thức và tầm quan trọng về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ đồng thời tháo gỡ khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp; khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các giải pháp hỗ trợ, tham gia các lớp hội thảo, tập huấn về các chuyên đề chuyển đổi số…

Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức thực thi pháp luật về thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, đảm bảo hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) báo cáo tại hội nghị

Tại hội nghị, các học viên đã nghe ông Nguyễn Hữu Tuấn - Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phổ biến kiến thức về thực trạng thương mại điện tử tại Việt Nam, quản lý Nhà nước về thương mại điện tử; chuyển đổi số, xu hướng, vai trò của chuyển đổi số trong thời đại công nghệ và hội nhập thế giới ngày nay. Đồng thời, thông tin thêm một số hành vi vi phạm phổ biến theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quy trình thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử; AI và ứng dụng trong thương mại điện tử và công việc.

Thông qua hội nghị tập huấn, các học viên có thêm những kiến thức mới về lĩnh vực thương mại điện tử để áp dụng vào thực tế công tác tại cơ sở, phòng, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực thương mại điện tử, từng bước xây dựng môi trường kinh doanh trên nền tảng trực tuyến phát triển nhanh, bền vững, đảm bảo tốt quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng là cơ hội để các học viên tham gia ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận cũng như chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn trong lĩnh vực thương mại điện tử; qua đó, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian sắp tới.

Nguyễn Phương - Chí Tâm
Bài viết cùng chủ đề: thương mại điện tử

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng yêu cầu xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal

Thương mại Việt Nam - Thái Lan: Động lực từ 'Ba kết nối'

Doanh nghiệp Trung Quốc đến TP. Hồ Chí Minh tìm cơ hội giao thương

Triển lãm Top Thai Brands: Khai thác tiềm năng thị trường Việt

Khai mạc Triển lãm quốc tế Vietbuild Đà Nẵng 2025

Xuất nhập khẩu: Bước nhảy vọt sau hơn hai thập kỷ

Tăng tiêu thụ sản phẩm địa phương qua thương mại điện tử

Hải quan khu vực II cảnh báo thủ đoạn buôn lậu mới

Thụy Điển muốn tăng gấp đôi doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam

Indonesia lên kế hoạch ngừng nhập khẩu gạo: Không đáng ngại

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng ổn định

Việt Nam đạt Top 5 thị trường xuất khẩu của Campuchia

Chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về thị trường cho trái vải

Nhập khẩu hồ tiêu tăng mạnh: Chuyên gia nói gì?

Tăng giá trị sản phẩm: Lấy khoa học công nghệ làm nền tảng

Tăng cảnh báo từ sớm, từ xa cho doanh nghiệp khi Ấn Độ siết phòng vệ

Nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu dùng trên nền tảng số

Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục: Khi hạt giống là chìa khóa

Vinachem sẽ ra mắt sàn thương mại điện tử VinachemMart

Loạt giải pháp giữ vị thế ngành sầu riêng Việt Nam