Không chỉ được biết đến là một trong những mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực, nhiều năm qua, ngành dệt may còn cần mẫn triển khai các giải pháp đưa sản phẩm chinh phục thị trường nội địa. Tận dụng sức ảnh hưởng tích cực của Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (CVĐ), trong 10 năm qua, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã tập trung thiết kế và đưa ra những mẫu mã phù hợp với người Việt mà trọng tâm là số đo, tầm vóc cũng như thị hiếu của người Việt. Trong đó, các DN đã liên kết, phối hợp với nhau để mỗi đơn vị sản xuất một chủng loại mặt hàng, tránh tình trạng sản xuất tràn lan gây khó khăn về quy mô tiêu thụ. 10 năm qua, tăng trưởng của Vinatex ở thị trường nội địa luôn đạt khoảng 10%.
![]() |
Các doanh nghiệp luôn nỗ lực đưa hàng Việt Nam tới tay người tiêu dùng |
"Những năm qua, hệ thống phân phối trong nước với hàng loạt siêu thị thương mại phát triển nhanh chóng, trong bối cảnh tăng trưởng GDP ở mức cao, thu nhập của nhân dân đã khá lên làm tăng sức cầu. Đây là cơ hội để DN dệt may chiếm lĩnh thị trường" - ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Vinatex đánh giá.
Là DN phân phối nước ngoài nhưng BigC luôn nỗ lực đưa hàng Việt Nam tới tay người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là góp phần kết nối nông sản các vùng miền, đưa sản phẩm nông sản Việt ra nước ngoài. Chuỗi siêu thị này đã nỗ lực tham gia CVĐ bằng hàng loạt các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản tạo được tiếng vang. Đến nay, tỷ lệ hàng hóa thực phẩm Việt đã chiếm tỷ lệ trên 97% tại BigC.
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng giám đốc BigC Việt Nam chia sẻ, BigC luôn đồng hành với các DN vừa và nhỏ, hỗ trợ họ trong việc tiếp cận với nguồn vốn, phát triển sản phẩm cùng các chính sách marketing, sau đó mang sản phẩm vào bán tại siêu thị của mình. BigC cũng thu mua hàng hóa của các hộ nông dân và các HTX với mức chiết khấu cao. Hoạt động này không chỉ góp phần giúp tìm được đầu ra ổn định cho nông sản mà còn giúp siêu thị có được nguồn hàng hóa dồi dào, chất lượng.
Tự hào là chuỗi siêu thị thuần Việt tăng trưởng tốt, tỷ lệ hàng Việt Nam cao, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) khẳng định, Saigon Co.op đã tạo nên nhiều sân chơi khác nhau cho hàng Việt bằng việc đa dạng hóa các mô hình kinh doanh, tạo ra những phân khúc riêng cho hàng Việt để mỗi DN cung ứng có thế mạnh tự chọn cho mình một sân chơi phù hợp. Qua 10 năm thực hiện CVĐ đã giúp Saigon Co.op gần gũi hơn với các nhà cung ứng và sản xuất Việt Nam, hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn để phục vụ đông đảo khách hàng tại thị trường trong nước, đưa hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường nước ngoài.
Cũng theo ông Đức, việc đồng hành và hợp tác với các nhà cung cấp hàng Việt trong khuôn khổ CVĐ thông qua hoạt động bình ổn thị trường; bình ổn giá; đưa hàng Việt về nông thôn là những điều tâm huyết của Saigon Co.op đã thực hiện trên 10 năm qua, góp phần làm cho người Việt có cái nhìn khác hơn về hàng Việt.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các siêu thị là 80-90%, ở hệ thống chợ truyền thống khoảng 60%. Kết quả này có được, phần lớn nhờ sự nỗ lực của các DN trong việc bền bỉ đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam. |