Ông Đỗ Đức Lộc (phường Mai Dịch, Cầu Giấy, TP. Hà Nội): Bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản hợp lý, tránh những thiệt hại đáng tiếc như trận lũ lịch sử tại Quảng Ninh vừa qua.
Bước vào thế kỷ XXI, khủng hoảng tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Nhận rõ tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó BĐKH đối với sự nghiệp phát triển bền vững đất nước trong những năm sắp tới, Dự thảo Văn kiện đã trình bày nội dung này thành một vấn đề riêng, đầy đủ và chi tiết
Với những nội dung trên, tôi nhất trí và đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo về hình thức và nội dung văn bản.
Tuy nhiên, theo tôi, hiện nay, việc khai thác và bảo vệ tài nguyên vẫn còn nhiều bất cập. Tài nguyên chưa được quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và bền vững. Một số loại tài nguyên bị khai thác quá mức dẫn tới suy thoái, cạn kiệt… Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tình trạng ngập lụt ở một số thành phố lớn chậm được khắc phục; sạt lở ven biển, ven sông và xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp...
Trận lũ lịch sử tại Quảng Ninh hồi tháng 7/2015 vừa qua là một ví dụ điển hình. Có thể nói, đây là trận mưa lũ lịch sử, kéo dài, diễn ra trên diện rộng nên thiệt hại là rất lớn. Chứng kiến hình ảnh nhiều người dân Quảng Ninh tan tành cơ nghiệp trong phút chốc, thậm chí bị nhấn chìm, vùi lấp, mất mạng bởi cơn lũ nước, lũ bùn, lũ xỉ than, hay cảnh tượng những chiếc xe máy bất ngờ bị dòng nước hung bạo cuốn phăng không khỏi khiến người ta nhói lòng…
Thiên tai có nhiều lý do, trong đó, việc khai thác tài nguyên, phá rừng, nhất là rừng đầu nguồn đã làm giảm khả năng giữ nước. Đồng thời, nó còn làm tăng khả năng trượt lở đất.
Như vậy có thể thấy, tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia, nguồn lực quan trọng của đất nước, tài nguyên là hữu hạn, không thể tái tạo lại được. Do đó, bên cạnh yêu cầu sử dụng tiết kiệm, hợp lý, có hiệu quả và bền vững cần gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Qua đây, tôi đề nghị, Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII cần nhấn mạnh, bổ sung chi tiết hơn nữa việc khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên. Nhà nước cần ưu tiên kêu gọi các dự án đầu tư chế biến sâu, nhằm hạn chế tối đa, từng bước tiến tới chấm dứt xuất khẩu thô một số loại khoáng sản.
Dự thảo cũng cần bàn kỹ hơn về phương hướng, giải pháp phòng chống thiên tai, ứng phó với BĐKH, nhưng để đảm bảo tính thực tế với từng vùng, từng địa phương; trước tiên cần phát huy vai trò, làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành về xây dựng năng lực chủ động ứng phó với BĐKH; phải đưa việc ứng phó với BĐKH trở thành việc sinh hoạt sâu rộng, lâu dài cho cộng đồng cùng chung tay, góp sức.
Bà Nguyễn Thu Hiền (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội): Quan tâm hơn đến vấn đề chống úng ngập khi mưa lớn, triều cường xảy ra tại các đô thị.
Theo tôi, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng XII đề cập nội dung chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai là rất chặt chẽ, khoa học và phù hợp.
Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Chúng ta chưa tạo được thế chủ động để ứng phó với BĐKH đang ngày càng gia tăng, đe dọa đến nhiều ngành, nhiều vùng, nhiều thành phố, cộng đồng dân cư. Tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, kém hiệu quả nên suy thoái cạn kiệt. Môi trường bị ô nhiễm, nhiều nơi nghiêm trọng, chậm được cải thiện. Đa dạng sinh học suy thoái, đe dọa mất cân bằng sinh thái trên diện rộng. Những tồn tại, yếu kém này đang làm cho tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trở nên kém bền vững, đe dọa làm mất đi một số thành quả quan trọng đã đạt được trong thời gian qua.
Là người dân sống trên địa bàn thủ đô Hà Nội, người dân chúng tôi luôn phải chứng kiến cảnh sau những trận mưa lớn là phố phường ngập lụt. Mỗi trận ngập lụt như vậy, nếu Sở Xây dựng, Công ty Cấp thoát nước Hà Nội không vào cuộc khai thông thì cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Trước tác động của BĐKH, mưa lớn, triều cường xảy ra thường xuyên, nguy cơ ngập úng lại tăng cao, tôi đề nghị, Dự thảo cần bàn nhiều giải pháp hơn nữa hoặc đề cập việc thực hiện các dự án chống ngập cấp bách thuộc quy hoạch thoát nước và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng.
Trần Thanh Hà (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội): Cần quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.
Tôi đồng tình với những nội dung, giải pháp trong Dự thảo, đồng thời đề nghị bổ sung cụ thể hơn về vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo tôi, dự thảo còn bàn ít đến vấn đề đa dạng sinh học. Đây là một trong những nội dung quan trọng, bởi hiện nay, tình trạng đa dạng sinh học đang ngày suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, sức khoẻ của nhân dân. Chất lượng công tác dự báo và quy hoạch còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển …
Bởi vậy, tôi đề nghị Dự thảo cần bổ sung hơn nữa đến lĩnh vực bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học. Cụ thể, cần xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; phát huy nguồn kiến thức, kỹ năng của người dân bản địa tại các địa phương./.