Trong dự thảo Văn kiện lần này có quan tâm đặc biệt đến các nhiệm vụ giải pháp để gắn kết giáo dục- đào tạo, KHCN với phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH. Theo bà, tại sao dự thảo lần này lại chú trọng vấn đề này?
Bà Đặng Huỳnh Mai: Khi chúng ta muốn có một xã hội CNH, HĐH hoặc cơ bản là CNH, HĐH thì chúng ta vẫn phải có những con người đáp ứng yêu cầu CHN, HĐH. Cho nên việc dự thảo văn kiện đưa ra gắn kết giáo dục- đào tạo, KHCN với phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đó là một nhiệm vụ cần thiết. Như vậy, ở đây có hai việc cần làm là đầu tư của Bộ GD-ĐT và đầu tư của Bộ KHCN, nhất là đầu tư về những trang thiết bị làm sao đồng bộ giữa con người với hiệu suất sử dụng sao cho phù hợp.
NGND. TS Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT |
Ví dụ, nước ta là nước nông nghiệp, muốn công nghiệp hóa thì phải đẩy mạnh công nghiệp trên nền tảng là nông nghiệp. Chúng ta phải đào tạo ra được những con người có khả năng ứng dụng trong lĩnh vực đó. Khi nhiều người như vậy thì sẽ cải tiến được nội dung, chất lượng, hiệu quả của nông nghiệp. Rõ ràng phát triển công nghiệp thì nông nghiệp cũng phát triển theo. Khi đó đời sống nông dân được đi lên, đầu tư cho nguồn nhân lực lại càng được tập trung. Chính vì thế gắn kết giáo dục- đào tạo, KHCN với phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ then chốt trong phát triển đất nước thời gian tới.
Việc đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục chính là chúng ta tập trung cho nguồn nhân lực này. Thực ra, không phải tất cả mọi người đều là nguồn nhân lực cao, cũng phải có thứ bậc ưu tiên cho những người giỏi, người tài năng, ưu tiên một đối tượng nữa như Bác Hồ nói là đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau. Cho nên yếu tố con người quyết định là như thế, bởi khi có nhiều con người có năng lực, có đạo đức, có tư duy phát triển tốt thì sẽ phát triển tốt.
Theo bà nên có những giải pháp như thế nào để thực hiện hiệu quả việc gắn kết này?
Bà Đặng Huỳnh Mai: Theo tôi, nên có lĩnh vực tập trung, ví dụ tập trung vào nguồn nhân lực, đưa lên làm chủ đề cho giáo dục và KHCN để hai nội dung này trùng khớp với nhau.
Nguồn nhân lực này ở đâu? Đối với các trường Đại học, Cao đẳng, chúng ta tập trung về nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, về đổi mới người thầy, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Trong thời gian qua chúng ta vẫn nói lấy đội ngũ nhà giáo để chấn hưng giáo dục, thì bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục làm như thế.
Thứ hai là tập trung vào một số khoa cần công nghệ cao. Về lĩnh vực KHCN cũng tập trung vào nội dung đó. Cả giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ đều tập trung thì chúng ta mới chọn được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ví dụ, bây giờ chúng ta chọn một số lực lượng, thi nghiêm túc, các em được đầu tư, được đào tạo. Lực lượng này ra trường không phải thi công chức chẳng hạn, các em được ưu tiên tuyển chọn và coi như là lực lượng cốt cán. Số còn lại không cần phải thi, các em được ghi danh và học, nhưng trong quá trình học đó có sự đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo để doanh nghiệp không phải đào tạo lại toàn bộ, mà chỉ đạo tạo theo như cầu của doanh nghiệp. Đó là việc cần ưu tiên trong mục tiêu giáo dục đào tạo cũng như trong KHCN.
Phải làm sao cho cả xã hội đừng quay cuồng vào thi cử
Thưa bà, như bà vừa nói thì cần chú trọng đến nguồn nhân lực cao, trong khi đó ngành giáo dục lại có chủ trường xóa trường chuyên lớp chọn. Như vậy e rằng sẽ không còn môi trường cạnh tranh, khó chọn được những người tài cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?
Bà Đặng Huỳnh Mai: Thực ra, nếu nói trong giáo dục có rất nhiều phương pháp. Đối với học sinh phổ thông, điều quan trọng nhất là niềm tin đối với đứa trẻ. Tôi cũng từng đứng trên bục giảng, có những em chỉ cần 3 tháng là có sự tiến bộ rõ rệt. Đừng bao giờ nhìn các em có những điểm kém mà nghĩ rằng cả cuộc đời nó kém. Đó mới là giáo dục thực sự.
Đối với mỗi đứa trẻ, mỗi học sinh giỏi có một phương pháp giáo dục riêng. Nếu nhóm các em học sinh giỏi vào với nhau thì hiện nay cũng có cái khó, nhưng nếu không có phương pháp riêng cho các em giỏi thì các em không phát triển được. Tuy nhiên, các em giỏi có thể phân về các lớp khác để các em có thể “kéo” các em yếu lên, trong nên trong giáo dục người ta cần sự năng động. Có thể buổi sáng các em học sinh giỏi tập trung, nhưng buổi chiều các em sẽ được phân về các lớp để kéo các em kém lên, nhiều nơi trên thế giới đã làm được phương pháp này nhưng nước ta chưa làm được.
Phải làm sao cho cả xã hội đừng quay cuồng vào thi cử |
Tôi nghĩ hướng của Bộ cũng hướng về giải pháp như thế nhưng chưa rõ về quan điểm nên mọi người còn băn khoăn, bởi vì nếu để các em giỏi vào lớp không giỏi thì có những hạn chế cho các em. Nói chung cách nào thì cũng có những hạn chế.
Không chỉ đang còn loay hoay trong việc đào tạo nguồn nhân lực, việc đổi mới giáo dục cũng đang có rất nhiều vấn đề đặt ra, đơn cử như kỳ thi TPTH vừa qua. Theo bà lý do tại sao?
Bà Đặng Huỳnh Mai: Tôi nghĩ có nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam nên mọi người cũng cố gắng, về phía Bộ GD-ĐT cũng cố gắng đổi mới kỳ thi nhưng sự đổi mới đó chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, chưa lường hết được khó khăn.
Nhưng tôi nghĩ nếu trong nhiệm kỳ tới, chúng ta tiếp tục đổi mới, trong đó có cách thi. Thi tốt nghiệp THPT, Bộ Chỉ đạo nhưng giao cho các địa phương tổ chức. Còn thi đầu vào nên thi nghiêm túc ở một số chỉ tiêu, ví dụ chỉ tiêu chọn người giỏi, đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau, chỉ tiêu để có người dân tộc giỏi… Cùng với đó phải đầu tư như thế nào để có sự phát triển đồng đều hơn.
Thực ra quá trình giáo dục và giảng dạy quan trọng hơn quá trình thi. Phải làm sao cho cả xã hội đừng có quay cuồng vào thi cử, làm sao cho mọi người tập trung cho con em mình rèn luyện về đạo đức, tu dưỡng về nhân cách và có phương pháp tự nghiên cứu, tự học, tự hoàn thiện. Tất nhiên, để làm được điều này phải có thời gian và sự quyết tâm của phụ huynh, học sinh, đội ngũ thầy giáo, đội ngũ quản lý Nhà nước về giáo dục…. Phải làm từng bước và có sự tập trung đồng bộ sẽ hoàn thiện hơn. Mỗi lần làm chúng ta mạnh dạn rút kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ tốt dần lên.
Chuyện đầu ra của giáo dục cũng là vấn đề đang khá bức xúc hiện nay, khi có tới hơn 200.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường không có việc làm. Đây không phải là vấn đề mới mà nó cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua. Chẳng nhẽ bài toán này không có lời giải, thưa bà?
Bà Đặng Huỳnh Mai: Chắc phải có thời gian. Thứ nhất là tâm lý vào đại học của số đông người Việt Nam.
Thứ hai là không thể đổ hết cho ngành Giáo dục được vì mọi người tâm lý sử dụng bằng Đại học, ai có con cũng muốn vào Đại học, từ đó tạo ra nhu cầu giả. Chính vì thế việc khắc phục tình trạng cử nhân thất nghiệp ở nước ta bị hạn chế. Ngành giáo dục cũng rất quyết tâm để thực hiện điều này, nhưng một mình không làm được.
Nếu bây giờ chúng ta không sử dụng bằng cấp nữa, khi tuyển dụng chỉ đưa bằng để biết người đó học ngành gì, còn lại phải qua thử nghiệm trên thực tế. Hiện nay, vẫn còn phổ biến tình trạng nhiều nơi tuyển dụng chưa đo năng lực mà dùng bằng cấp và số tuổi để đánh giá. Đó là hạn chế mà chỉ riêng ngành giáo dục không thể làm được.
Chắc chắn tình trạng này cũng phải từng bước khắc phục. Dự thảo đưa nhấn mạnh quyết tâm đổi mới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thì chắc chắn tình trạng vừa nêu phải có thay đổi. Khi xã hội sử dụng con người bằng năng lực thì đào tạo sẽ thực tế hơn.
Xin cảm ơn bà!