Về phương diện lý luận, vấn đề bao trùm nhất, đó là chỉ có con người là sinh vật bậc cao duy nhất trên hành tinh này có văn hóa. Con người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, đồng thời lại là sản phẩm của chính nền văn hóa do mình sáng tạo ra. Chính vì thế, khi nhắc tới văn hóa là nhắc tới con người, con người với nghĩa viết hoa của từ này, con người với chính nó, với những người khác, với toàn xã hội và với tất cả những gì xung quanh. Xét cấu trúc của văn hóa, gồm: Văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng, văn hóa tổ chức đời sống cá nhân; văn hóa nhận thức; văn hóa ứng xử với môi trường xã hội; văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên. Điều rõ ràng trong cấu trúc này, con người là trung tâm, con người là chủ thể, chủ động trong mọi cấu trúc, trong mọi hoạt động sống. Có thể nói, con người là nhân tố quyết định không chỉ trong văn hóa mà còn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Về tình hình thực tế hiện nay, vấn đề con người phải được đặt lên hàng đầu là hoàn toàn đúng đắn. Những thành tựu của sự nghiệp đổi mới được cả cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo và chính sách ngoại giao độc lập, đa dạng hóa, đa phương hóa đã làm cho vị thế của Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế; văn hóa Việt Nam ngày càng được quảng bá trên khắp thế giới là một nền văn hóa đặc sắc, có truyền thống lâu đời. Có một thời còn truyền tụng sự trân trọng đặc biệt của người nước ngoài đối với người Việt Nam là "nằm mơ thấy mình trở thành người Việt Nam". Tiếc rằng, hiện nay có một số người Việt Nam không giữ được những giá trị vô giá ấy và hình ảnh đẹp về người Việt Nam phần nào bị mai một trong mắt bạn bè. Ở trong nước, một số tật xấu của người Việt hình như đang bộc lộ một cách bất thường. Bất thường cả về số lượng, tính chất cũng như mức độ của sự xấu xa. Nếu nói tình làng, nghĩa xóm, tình bạn bè, anh em phai nhạt đã là đáng báo động, thì nay ngay trong làng với nhau cũng có thể giết nhau, giết vài mạng người chỉ vì một lý do "vớ vẩn" đến khó hiểu… Dẫu trong hoàn cảnh nào thì cũng không thể là điều có thể chấp nhận trong xã hội Việt Nam, trong tâm hồn người Việt vốn khoan dung, độ lượng, trong văn hóa Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình và trân trọng con người. Điều đáng báo động nhất là cái tốt, cái trung thực, cái thiện dường như đang bị lấn át bởi cái giả dối, cái ác. Giả dối đang hiện hữu phổ biến ở mọi cung bậc đến mức vô cảm, trơ trẽn, không còn biết xấu hổ! Đảng và toàn xã hội đã và đang tìm mọi biện pháp ngăn chặn điều đó nhưng nó vẫn đang tồn tại trong trạng thái đáng báo động. Chính vì thế, ngay trong Dự thảo Báo cáo chính trị, một văn kiện quan trọng của Đảng cũng đã chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi"! Trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) cũng nhận định: "Nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống gây bức xúc trong nhân dân. Tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp"! Trong hoàn cảnh ấy, đặt vấn đề xây dựng con người lên hàng đầu không chỉ đúng, trúng mà còn vô cùng cần thiết và cần được triển khai ngay.
Vấn đề là làm gì và làm như thế nào? Để xây dựng con người Việt Nam trong thời hiện đại. Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XII chỉ rõ: "Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam"; "Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế". Định hướng như vậy là hoàn toàn chuẩn xác. Phải xây dựng được hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam trong thời hiện đại mới có căn cứ để xây dựng con người. Nếu chỉ nói chung con người Việt Nam yêu nước, phát triển toàn diện… là khó có thể triển khai trong cuộc sống. Trong xã hội phong kiến xưa, khi nói về chuẩn mực con người tuy còn nhiều hạn chế có tính thời đại nhưng rất cụ thể, dễ thực hành, dễ đánh giá, dễ kiểm soát. Là nam nhi phải tuân thủ tam cương, ngũ thường. Là nữ phải tuân thủ tam tòng, tứ đức, phải tu luyện cho đủ công, dung, ngôn, hạnh… Trong gia đình phải kính trên, nhường dưới, phải giữ đạo hiếu kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tình vợ chồng cũng có những quy tắc đạo lý ngay trong tình trạng "đa thê", hủ lậu. Nhắc lại những chuẩn mực xưa không phải để sử dụng nó trong thời đại ngày nay, mà để nhấn mạnh phải có chuẩn mực, phải có hệ giá trị có thể định tính, định lượng rõ ràng, nhất quán, cụ thể cho từng đối tượng, từng loại người trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Có như vậy mới có cái chuẩn để mỗi người tự soi mình, tự điều chỉnh, đồng thời cũng có cơ sở để cơ quan, đoàn thể, tổ chức và cộng đồng xem xét, đánh giá, phê phán, chỉ trích hay tôn vinh, ca ngợi. Trẻ nhỏ phải làm gì? Người lớn phải làm gì? Trong gia đình thì thế nào? Ngoài xã hội ra sao? Từ lời ăn, tiếng nói, thái độ ứng xử đến hành vi ứng xử phải thế nào mới chuẩn? Đảng viên, cán bộ phải có chuẩn mực gì? Phải hành xử, ứng xử như thế nào với chính mình, với công việc theo vị trí, chức trách được giao, với người khác và với nhân dân?... Tất cả đều được cụ thể hóa, càng rõ càng dễ thực hiện. Có như vậy mới có cái để định tính đánh giá về tư tưởng, đạo đức, lối sống và cả tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội đối với mỗi con người cụ thể. Đánh giá cảm tính chung chung không những không có hiệu quả trong xây dựng con người văn hóa, mà còn làm cho người ta thụ động, thậm chí ngộ nhận trong tu dưỡng bản thân, hồ đồ trong đánh giá người khác!
Việc Hà Nội tích cực triển khai xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh là rất đáng khích lệ. Đành rằng, việc xây dựng chuẩn con người thanh lịch, văn minh là việc làm hết sức khó, nhưng hãy làm, không thể ngồi nhìn và "phán" như những kẻ thông thái bậc nhất đang sống giữa Thủ đô, mà tình cảm và trách nhiệm với cuộc sống hiện thực lại được thể hiện như "kẻ ngoài cuộc". Xây dựng con người không phải là việc của người khác, không phải là việc "dội" từ tổ chức hay cơ quan, mà phải là của chính mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi cơ quan, tổ chức cụ thể. Không chờ có công bố hệ giá trị rồi mới tu dưỡng, rèn luyện để là người tốt, người tử tế. Chuẩn mực con người văn hóa đã được cộng đồng mỗi quốc gia, dân tộc công nhận một cách tự nhiên và mỗi thành viên trong cộng đồng ấy điều chỉnh theo một cách tự nguyện. Cuộc sống thay đổi theo thời gian, các chuẩn mực cũng tự thay đổi phù hợp với nó. Tuy nhiên, những chuẩn mực cơ bản để làm người vẫn giữ nguyên giá trị của nó như: Người tốt phải là người có ích, người trung thực, người tử tế, người biết tôn trọng người khác, người có tình thương yêu người thân thiết của mình, thương yêu đồng loại…
Xây dựng con người là việc lớn, quyết định sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
TS Nguyễn Viết Chức (Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội)