Tạo điều kiện cho sản xuất, giao thương tại vùng đặc biệt khó khăn |
Nhìn chung, sản xuất, canh tác nông, lâm, thủy hải sản của vùng đặc biệt khó khăn luôn ở trong tình trạng bấp bênh. Khi được giá thì người dân đua nhau nuôi trồng, tăng trưởng diện tích ồ ạt; nhưng khi đầu ra khó khăn, thừa ế, bị ép cấp ép giá, lại phá bỏ, chuyển sang đối tượng nuôi trồng khác. Bên cạnh đó, trong những năm qua đã xảy ra tình trạng kẻ xấu lợi dụng việc bà con thiếu thông tin để lừa dối, phá hoại sản xuất, lũng đoạn bán- mua, gây ra những thiệt hại rất lớn về kinh tế - xã hội.
Hiện tượng này lặp lại trong nhiều năm mà chưa có biện pháp nào giải quyết triệt để mặc dù Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, tại nội dung của mục III về “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, phần Đánh giá tình hình cũng như phần Phương hướng, nhiệm vụ của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Dự thảo) không đề cập đến thực trạng cũng như thiếu phần định hướng tìm biện pháp giải quyết căn bản những vấn đề đã tồn tại nhiều năm đối với tiêu thụ nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nói chung cũng như vùng đặc biệt khó khăn nói riêng. Một trong những bất cập lớn nhất trong việc sản xuất, nuôi trồng nông, lâm, thủy sản ở nước ta trong thời gian qua là khâu cung cấp và xử lý thông tin thị trường từ các cơ quan quản lý tới người dân. Cũng vì thiếu thông tin nên chính quyền, các ngành chức năng ở nhiều địa phương cũng lúng túng, không thể theo kịp diễn biến thực tế mỗi khi thị trường tiêu thụ có biến động.
Trong giai đoạn sắp tới, cùng với sự hội nhập quốc tế sâu rộng, những thách thức đặt ra trong việc phát triển bền vững ngành nông nghiệp của nước ta sẽ ngày càng gay gắt. Đến nay, Việt Nam đã ký kết tham gia 8 FTA song phương và đa phương ở các mức độ khác nhau, lộ trình giảm thuế đang được đẩy mạnh, tiến tới xóa bỏ thuế quan năm 2020. Cuối năm 2015 là thời điểm hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Tuy nhiên, ở bình diện chung, những con số thống kê cho thấy, doanh nghiệp và phần lớn người dân Việt Nam chưa có sự quan tâm đúng mức đến AEC. Chưa nói đến những người dân ở vùng đặc biệt khó khăn, có tới 76% doanh nghiệp không biết gì về AEC, 94% không hiểu rõ nội dung cam kết trong AEC, 63% không hiểu về những cơ hội và thách thức trong AEC (số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Và mới đây nhất, ngày 5/10/2015, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP) đã chính thức kết thúc đàm phán giữa 12 nước tham gia, trong đó có Việt Nam. Việc tham gia TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích tổng thể, to lớn cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng cũng đặt ra những thách thức trong việc giải quyết những tác động tiêu cực đối với một số lĩnh vực, trong đó có sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi.
Trong phần Phương hướng, nhiệm vụ của mục III về Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của Dự thảo, phần Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới có nêu: “Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện cả về nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững (...). Xác định vai trò hạt nhân của doanh nghiệp trong nông nghiệp, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp nhà nước; phát triển hợp tác xã kiểu mới; hình thành các vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ”.
Để thực hiện tốt những mục tiêu này, Dự thảo cần bổ sung phần đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực trạng tiêu thụ nông, lâm, thủy sản trong thời gian qua, đặc biệt là vùng đặc biệt khó khăn; đề ra những phương hướng, nhiệm vụ trong giai đoạn tới. Theo đó, bên cạnh những giải pháp về đầu tư công nghệ, cơ sở hạ tầng thương mại, xây dựng mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, hỗ trợ doanh nghiệp..., cần coi trọng vấn đề tuyên truyền, phổ cập thông tin kiến thức về hội nhập đối với vùng đặc biệt khó khăn.
Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã cảnh báo, người nông dân, đặc biệt là ở các vùng đặc biệt khó khăn rất dễ bị tổn thương, thiệt hại trước trong lộ trình hội nhập vì thiếu thông tin. Vì vậy, Dự thảo cần xác định nhiệm vụ tuyên truyền kiến thức, thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội cũng như an ninh quốc phòng, đặc biệt là những nội dung gắn với thị trường, giá cả, nội dung dự báo, định hướng sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng… các nội dung liên quan đến chất lượng hàng hóa, xuất - nhập khẩu, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, thông tin mang tính cảnh báo, chế độ kiểm dịch thực vật, động vật của những đối tác nhập khẩu của Việt Nam trên thế giới.
Phần Phát triển kinh tế vùng, liên vùng của Dự thảo có đề cập: “Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo; phát triển kinh tế rừng”. Thiết nghĩ, bổ sung thêm phần hỗ trợ kiến thức, thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế sẽ là một trong những giải pháp khả thi, rất cần thiết đối với khu vực này. |