Đánh giá cán bộ là việc liên quan tất cả các khâu trong công tác cán bộ, nhất là bổ nhiệm, đề bạt. Việc đánh giá không đúng sẽ dẫn đến bố trí không đúng người, đúng việc, không phát huy được năng lực của cán bộ mà còn làm giảm chất lượng của tổ chức bộ máy, khi đưa người không đủ điều kiện vào làm công tác lãnh đạo, quản lý.
Để khắc phục yếu kém này, trước hết cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng, cụ thể là khẩn trương rà soát, loại bỏ các quy chế, quy định, cơ chế không còn phù hợp, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trọng tâm là đánh giá cán bộ. Theo đó, chúng tôi đề nghị một nội dung là cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy với việc đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá, nhận xét cán bộ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Trước hết là việc lấy phiếu tín nhiệm, cần tuân thủ đúng nguyên tắc, quy trình và các bước tiến hành. Càng có nhiều người trực tiếp tham gia đánh giá, thì việc đánh giá cán bộ càng khách quan. Do vậy, trước khi cấp ủy đánh giá cán bộ, nhất là khi bổ nhiệm, đề bạt, cần lấy ý kiến tập thể cơ quan cán bộ đó công tác, ý kiến cấp ủy nơi cán bộ đó cư trú. Khi có quá nửa số cán bộ trong cơ quan đồng ý mới lấy ý kiến đến cán bộ chủ chốt, đến cấp ủy, lãnh đạo cơ quan. Đối với cán bộ không đạt quá bán thì dứt khoát không đưa vào vòng tiếp theo. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đánh giá từ các “kênh”, cấp ủy là người chịu trách nhiệm và đưa ra thông tin chính thức đánh giá về cán bộ đó. Ở đây rất cần sự công tâm, khách quan của những người được giao làm việc này. Thiên vị, cá nhân, sẽ dẫn đến cung cấp thông tin sai lệch và khi ấy cấp ủy không thể đánh giá đúng cán bộ. Đối với trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu, được giao quyền là người quyết định cuối cùng, cao nhất, nhưng cần có chế tài rõ ràng, khi đánh giá cán bộ không đúng, thì người đứng đầu phải có trách nhiệm cụ thể, chứ không chỉ rút kinh nghiệm chung chung. Điều này cần quy định rõ trong quy định, quy chế, chế tài thực hiện công tác cán bộ nói chung, đánh giá cán bộ nói riêng. Khi có các quy chế, chế tài đầy đủ, thì người làm công tác này phải có tâm, có tầm mới đánh giá đúng cán bộ.
NGUYỄN BÙI SƠN
(Khu dân phố số 1, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội)
Về công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên
Đọc và nghiên cứu Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, thấy sự chuẩn bị rất công phu, từng nội dung trong Dự thảo Báo cáo Chính trị đều thể hiện rõ quan điểm, đường hướng phát triển, có trọng tâm trọng điểm rõ ràng. Tôi hoàn toàn tán thành và nhất trí cao với nội dung về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ở mục XV. Dự thảo nêu “Bước đầu kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí”, đề nghị bỏ từ “ngăn chặn” thành câu: “Bước đầu kiềm chế tình trạng tham nhũng, lãng phí”, vì thực tế chưa ngăn chặn được, cho nên đánh giá “Bước đầu kiềm chế” là chính xác.
Cũng ở mục XV, Dự thảo nêu “Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được sự quan tâm thường xuyên”, đề nghị nên thay cụm từ “một số nơi” bằng cụm từ “một số tổ chức đảng”, thành câu: “Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên một số tổ chức đảng chưa được sự quan tâm thường xuyên”. Cụm từ “một số tổ chức đảng” thể hiện xác định rõ chủ thể làm câu chặt chẽ, sát thực tiễn hơn.
Dự thảo nêu “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,... chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”, đề nghị bỏ cụm từ “đẩy lùi”, câu mới là: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp,... chưa được ngăn chặn”. Bởi chưa ngăn chặn sẽ thể hiện quyết tâm chính trị trước vấn nạn này, đáp ứng nguyện vọng của quảng đại quần chúng nhân dân.
Briu Quân
(Xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam)