Rõ ràng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong thời kỳ CNH, HĐH. Nguồn nhân lực phải có chất lượng cao, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có trình độ nghiệp vụ đã qua đào tạo, biết vận dụng tri thức vào thực tiễn, có tay nghề và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng và sáng tạo trong công việc. Ngành GDĐT chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về việc đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu đã nêu của xã hội. Ngành cũng đã đạt được một số thành tích về cung cấp số lượng, nhưng những phẩm chất, chất lượng mà sự nghiệp CNH, HĐH đất nước đòi hỏi ở nguồn nhân lực, thì rõ ràng là còn quá nhiều việc phải làm. Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng để hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, là từ phía người học và cả từ phía người sử dụng nguồn nhân lực.
Gần đây, trên các phương tiện truyền thông đã đề cập đến một vấn đề khá nhạy cảm: "Hiếu học" hay "háo danh"? Nhân dân ta vốn có truyền thống hiếu học, người có điều kiện kinh tế thì muốn cho con du học, người có hoàn cảnh khó khăn hoặc rất nghèo cũng cố gắng cho con được đến trường, vắt hết sức mình để cố cho con vào đại học. Sẽ không có gì đáng nói nếu việc làm đó hợp với năng lực thực sự và sở trường của con, để chọn ngành học và định hướng được việc làm sau khi ra trường, chứ không phải chỉ theo trào lưu và chỉ nhằm đến một tấm bằng.
Hiện tại, nhiều người đi học, gia đình họ và một bộ phận không nhỏ trong xã hội, kể cả công chức nhà nước, hầu như chỉ chú ý đến "tấm bằng" mà không chú ý hoặc "cố tình lờ" đi trình độ thực của người sở hữu tấm bằng, đánh đồng giữa những người có tâm, tầm, tài với những người khác. Ở một số cơ quan, người tuyển dụng đã cố tình viện dẫn những tiêu chí có tính chất hình thức như: Bằng cấp, học vị, học hàm… dẫn đến việc chạy để có được tấm bằng với chất lượng không tương xứng. Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến sự phấn đấu vươn lên của các thế hệ học sinh, sinh viên cũng như một bộ phận khác trong xã hội.
Thêm vào đó, một số chính sách, cách giao việc, đánh giá công chức, viên chức ở không ít cơ quan nhà nước làm cho người ta cảm thấy có tính chất cào bằng, chưa tạo điều kiện để khuyến khích, khai thác nguồn nhân lực có năng lực, có trình độ nghiệp vụ đã qua đào tạo, có tiềm năng cống hiến tốt cho xã hội. Như vậy sẽ làm triệt tiêu sự cố gắng, hăng say lao động, làm việc với năng suất cao, hiệu quả cao. Hậu quả là nhiều người có tài năng, kể cả người trẻ được đào tạo tốt ở các nước phát triển không muốn vào làm việc ở các cơ quan nhà nước, hoặc không muốn về nước sau khi học xong.
Hiện tượng thất nghiệp, không có việc làm tương xứng với tấm bằng họ có, chất lượng nguồn nhân lực ở công sở chưa đáp ứng yêu cầu, một phần là hậu quả của những hiện tượng tiêu cực đã nêu?
Việc thay đổi quan niệm, thói quen trong xã hội quả thật không dễ, vì vậy Đảng cần đề ra các giải pháp ở tầm vĩ mô, với sự tham gia của toàn xã hội. Đảng cần lãnh đạo ngành GDĐT tái cơ cấu ngành nghề đào tạo, cơ cấu trình độ bậc học một cách hợp lý theo yêu cầu của nguồn nhân lực xã hội thì mới đáp ứng được yêu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giảm thất nghiệp sau khi được đào tạo, khắc phục tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ"... Mặt khác, ngành GDĐT có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực không chỉ giỏi chuyên môn mà cần có nhân cách, ý chí thì phải làm sao thu hút được nhiều cán bộ có đức có tài, từ người quản lý đến người trực tiếp đứng lớp. Những người làm việc ở các cơ quan GDĐT, phải là những tấm gương tốt cho thế hệ trẻ, cho người đi học; phải là nơi mà các hiện tượng tiêu cực không có đất để tồn tại. Ngành GDĐT phải sử dụng một cách có hiệu quả cao kinh phí mà Nhà nước đã chắt chiu để đầu tư, cũng như kinh phí từ các nguồn khác.
Với một Đảng giàu kinh nghiệm, đã được thử thách qua những giai đoạn lịch sử vô vàn khó khăn, tôi tin chắc Đảng ta sẽ lãnh đạo nhân dân ta vượt qua những thách thức hiện tại để đất nước ngày càng phát triển.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn khoa học - giáo dục - môi trường của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam