Như vậy, chúng ta chấp nhận những quan điểm khác nhau nhưng không trái với lợi ích quốc gia, dân tộc, xây dựng tinh thần hướng tới tương lai, xóa bỏ mặc cảm, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là một mục tiêu của đại đoàn kết đã thể hiện trong dự thảo văn kiện. Tuy nhiên, theo tôi, bên cạnh đó, đại đoàn kết phải giải quyết trên cơ sở hài hòa các mối quan hệ giữa các thành viên trong xã hội; phải bảo đảm lợi ích của giai cấp, dân tộc, tôn giáo… để mọi người dân đều được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới. Chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước hợp lòng dân, xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân, vì quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân thì việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết sẽ rất thuận lợi; từ đó, nhân dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, tạo nên sự đồng thuận trong xã hội. Để điều này được hiện thực hóa, trước hết, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng, ý chí của nhân dân, đem lại quyền lợi cho nhân dân như Hiến pháp năm 2013 đã quy định. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên đối thoại với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân; quan tâm giải quyết những vướng mắc của nhân dân; phát huy được quyền làm chủ của nhân dân.
Đồng thời, Đảng, Nhà nước phải tiếp tục thể chế hóa quyền dân chủ trực tiếp, quyền dân chủ đại diện, để phát huy được sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh quyền làm chủ của nhân dân. Quyền dân chủ đại diện là thông qua các cơ quan quyền lực của Nhà nước, Quốc hội, HĐND, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, việc phát huy quyền dân chủ trực tiếp chưa được thực hiện nhiều. Do vậy, văn kiện lần này cần nhấn mạnh việc cụ thể hóa cơ chế về dân chủ trực tiếp của người dân, nhất là làm sao để tiếp tục cụ thể hóa quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải thực hiện tốt phương châm: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đây chính là quyền dân chủ trực tiếp của người dân. Quyền này mới được thể chế hóa thông qua Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Nhưng tôi nhận thấy, việc thực hiện quy chế dân chủ hiện vẫn còn biểu hiện hình thức, cần quan tâm phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân. Ví dụ, đối với những vấn đề do người dân đề xuất, đóng góp và thực hiện (xây dựng nhà trẻ, trường học, đường giao thông...), người dân phải được bàn, được quyết định trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sau đó, người dân có quyền kiểm tra, giám sát, nhất là trong việc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tôi cho rằng, để tăng cường dân chủ, trước hết phải thực hiện tốt dân chủ trong Đảng. Dân chủ trong Đảng là nòng cốt, là hạt nhân để phát huy dân chủ trong xã hội. Để phát huy dân chủ trong xã hội thì vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội có vị trí quan trọng. Hiến pháp năm 2013 đã quy định Mặt trận Tổ quốc là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Mặt trận có quyền tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, có quyền giám sát, phản biện xã hội. Việc phát huy dân chủ trong xã hội trước hết là phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội là những vấn đề văn kiện lần này cần nhấn mạnh.
Đỗ Duy Thường Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam