Đảng lãnh đạo đất nước bằng thực hiện hai nhiệm vụ chính: Thứ nhất, đề ra đường lối chính trị cho công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước theo mục tiêu cơ bản: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhằm đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân, trong một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Thứ hai, xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ tinh thần và năng lực thực hiện đường lối chính trị trên.
Hiện nay, các dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã được công bố để nhân dân đóng góp ý kiến, đến đầu năm 2016 sẽ tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc.
Việc thảo luận và đóng góp ý kiến vào Dự thảo các Văn kiện Đại hội XII của Đảng hết sức quan trọng. Đây là cuộc vận động chính trị sâu sắc trong toàn Đảng, để nhìn lại tổng kết các hoạt động trong thời gian qua, thấy được những việc đã làm được, những việc không làm được, những cố gắng cũng như hạn chế, sai lầm…Quan trọng hơn là các đảng viên sẽ góp ý kiến về nhiệm vụ của Đảng, của đất nước trong 5 năm tới, tăng cường đoàn kết, thống nhất tư tưởng…
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (Ảnh: Ngọc Thành) |
Như chúng ta đều biết, đất nước đang ở trong giai đoạn cực kỳ quan trọng, đứng trước nhiều thử thách trong một bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp. Sau 30 năm phấn đấu cật lực, với những thành tựu đạt được, chúng ta đã vượt qua được tình trạng một nước chậm phát triển, hiện đang ở ngưỡng của nước thu nhập trung bình.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, giai đoạn này đặc biệt khó khăn. Một nước đạt được GDP ở mức trung bình muốn tiến lên hơn nữa, vượt qua “bẫy" thu nhập trung bình là cả một cuộc chiến đấu hết sức gay go. Vậy nhân dân ta có thể vượt qua “bẫy" thu nhập trung bình không, và chừng nào? Mỗi người đảng viên, mỗi người công dân đều phải đặt cho mình câu hỏi đó. Chúng ta cần làm gì để xây dựng một nước Việt Nam công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có bước phát triển nhanh, vững chắc để đuổi kịp các nước chung quanh? Trong tiến trình 5 năm tới, mục tiêu tổng thể là gì?
Rõ ràng cần có những chủ trương chiến lược, chính sách đúng, phù hợp, sáng tạo, nhưng trước hết phải có quyết tâm, những nỗ lực nâng cao trình độ vượt bậc, phải biết đặt lợi ích chung trên lợi ích riêng… phải huy động được sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân. Điều này dẫn dắt chúng ta đến nhiệm vụ vô cùng hệ trọng của Đại hội các cấp là bầu ra các cấp lãnh đạo mới đủ sức đảm đương việc thực hiện các nhiệm vụ nói trên.
Với trọng trách của Đảng là lãnh đạo tối cao trước nhân dân, phải thừa nhận Đảng là nhân tố đầu tiên của mọi thắng lợi, nhưng mặt khác cũng không thể phủ nhận trách nhiệm của Đảng trong những yếu kém và sai lầm của đất nước. Bầu các cấp ủy mới trên cơ sở kiểm điểm, đánh giá các ưu và khuyết điểm của đảng viên lãnh đạo hiện tại, rồi lựa chọn những người lãnh đạo mới là hết sức quan trọng.
Xét đến cùng, đây sẽ là khâu quyết định nhất. Đại hội XI của Đảng và các hội nghị Trung ương đã có nhiều cố gắng để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn. Qua tự phê bình và phê bình để loại ra khỏi hàng ngũ những người không còn xứng đáng, thoái hóa tư tưởng, cá nhân bè phái, tham nhũng… Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã được kỳ vọng sẽ tạo một chuyển biến mạnh trong Đảng, nhưng theo tôi thực tế Nghị quyết này đi vào cuộc sống còn khó khăn, chậm chạp.
Nhiệm vụ mà Đại hội XII của Đảng đề ra chắc sẽ cao và nhiều hơn thì đất nước mới có thể đi tới, vượt qua thách thức to lớn trước mắt. Do đó, yêu cầu lãnh đạo của Đảng, trước hết là đội ngũ cán bộ chiến lược, người đứng đầu các cơ quan Đảng cũng phải cao hơn về mọi mặt mới có thể đảm đương được trọng trách của Đảng.
Đến nay, như trong bản Dự thảo có nêu công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm. Công tác xây dựng Đảng có nhiều nội dung từ vấn đề lý luận, tư tưởng trong Đảng, vấn đề tổ chức, nhưng vấn đề cốt lõi nhất là vấn đề cán bộ. Nói đến cán bộ là nói đến “đức - tài”. “Đức” và “Tài” có nội dung mang tính phổ biến, nhưng trong từng thời kỳ, có những nội dung cụ thể, cần xác định rõ thì việc lựa chọn đề bạt cán bộ, cũng như bầu các cấp ủy mới chính xác.
Người tài là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần độc lập tự chủ, có những kiến thức về chuyên môn cần thiết, có chí tiến thủ, biết tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao phó và thực hiện một cách có kết quả, dám chịu trách nhiệm. Đức trước hết là phải trung thực, trong sạch, không tham nhũng, luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, chân thành, đoàn kết, gần gũi với nhân dân và phát huy dân chủ.
Đối với lãnh đạo cấp chiến lược, yêu cầu ngoài cái chung, phải có tầm nhìn xa, tránh tư duy nhiệm kỳ, cục bộ…đặc biệt, cần có lập trường chính trị kiên định với tinh thần độc lập, tự chủ mạnh mẽ, có khả năng đề xuất chủ trương, chính sách lớn, khả thi; coi trọng đoàn kết nội bộ và tập hợp trí tuệ quần chúng và trong tình hình hiện nay, có quan điểm vững vàng về bảo vệ lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia.
Vấn đề trẻ hóa cán bộ là cần thiết nhưng không nên đặt thành mục tiêu nguyên tắc, càng không phải là nguyên tắc cơ bản. Đức - Tài, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ là quan trọng hơn hết.
Có quan điểm đúng về tiêu chí cán bộ rồi, vấn đề đánh giá, lựa chọn, đề bạt cán bộ, đòi hỏi ở các đảng viên, và nhất là người làm tổ chức cán bộ ngoài việc có đức, có tài, phải có sự công tâm, trách nhiệm mới đánh giá đúng cán bộ, không thiên vị, không nể nang hay thành kiến. Phải căn cứ vào hoạt động thực tế của cán bộ mà đánh giá cán bộ. Không phải người không làm gì, hiền lành là cán bộ tốt. Không phải ở lâu là lên “lão làng”. Người không dám làm gì, không sai nhưng cũng không có gì đúng là có khuyết điểm.
Hiện nay, khâu này còn nhiều yếu kém. Do vậy, trong Đảng hiện nay số cán bộ, đảng viên thoái hóa về tư tưởng, tiêu cực không những làm cho Đảng không thực hiện được các nhiệm vụ đề ra, mà còn làm mất uy tín, làm hại Đảng.
Vấn đề xây dựng Đảng phải là nhiệm vụ quan trọng nhất và thường xuyên, đặc biệt trong tình hình chính trị phức tạp trong nước và trên thế giới hiện nay.
Với nhận thức như trên, đề nghị Đảng hết sức quan tâm đến khâu về nhân sự để thật sự có chuyển biến. Cần xác định và quán triệt trong toàn Đảng, yêu cầu đối với những cán bộ của Đảng về đức và tài thật rõ ràng, công khai để các đảng viên lựa chọn những người xứng đáng nhất, có uy tín để có thể giao phó vận mệnh Đảng, vận mệnh của đất nước.
Đặc biệt là ở cấp cao nhất, có yêu cầu cụ thể, phù hợp đối với các Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị và điều đặc biệt hơn nữa là đồng chí Tổng Bí thư. Cách làm như vậy hết sức cần thiết để bảo đảm khách quan, chính xác, thực hiện dân chủ trong Đảng, huy động trí tuệ của toàn Đảng để xây dựng bộ chỉ huy tối cao của Đảng.
Cũng cần nghĩ đến việc tạo điều kiện cho nhân dân được đóng góp ý kiến vào Dự thảo các Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng như góp ý kiến lựa chọn những cán bộ lãnh đạo của Đảng, vì cán bộ lãnh đạo Đảng cũng là người lãnh đạo nhân dân.
Mặt khác, một vấn đề cũng cần được coi trọng là thái độ của những cán bộ, đảng viên muốn có một vị trí lãnh đạo hoặc được đề cử vào một vị trí nào đó, họ phải tự xem xét mình có đủ đức – tài để đảm nhiệm trọng trách được giao phó không, rồi hãy nhận. Đó là thái độ của những cán bộ đảng viên có trách nhiệm, là danh dự và tự trọng của một con người có phẩm chất thực sự, muốn làm việc vì lợi ích của Đảng, của nhân dân, chứ không phải vì địa vị, hay lợi ích riêng.
Trước những nhiệm vụ to lớn, nặng nề của đất nước, toàn Đảng, toàn dân mong muốn Đảng, Nhà nước, nhất là các cấp lãnh đạo nâng cao hơn nữa sức mạnh của mình về mọi phương diện, để đưa đất nước vượt qua khó khăn, vững bước tiến lên.
Làm được điều này, sẽ tạo niềm tin lớn trong toàn Đảng và toàn dân đối với Đảng./.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình