Ngày 22/10, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ký ban hành Quyết định 79/2024/QĐ - UBND về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 02/2020 quy định về Bảng giá đất trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, Quyết định 79 sẽ sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để làm căn cứ trong các trường như tính tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư đối với người được bồi thường về đất ở, người được giao đất ở tái định cư trong trường hợp không đủ điều kiện bồi thường về đất ở là giá đất được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm; tính thuế sử dụng đất.
Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với hộ gia đình, cá nhân…
TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Bảng giá đất sửa đổi đến hết năm 2025. Ảnh: Sỹ Đồng |
Đặc biệt, Quyết định 79 sẽ sửa đổi, bổ sung đổi giá đất với đất phi nông nghiệp được phân loại tại các vị trí có mặt tiền đường có tên đường trên địa bàn các quận, huyện, TP. Thủ Đức.
Đơn cử, ở quận 1, tại các tuyến Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, giá đất ở cao nhất 687 triệu đồng/m2. Trong khi trước đây, giá đất tại 3 tuyến này là 162 triệu đồng/m2 (bảng giá theo quyết định 02/2020) x với hệ số K là 3.5 sẽ là 567 triệu đồng/m2.
Đường Nguyễn Tất Thành (Bến Vân Đồn, quận 4) có giá đất ở 213 triệu đồng/2, đường Hoàng Diệu 246 triệu đồng/m2, đường Lê Văn Linh 236 triệu đồng/m2.
Tại quận 3, có giá đất sau khi điều chỉnh cao nhất tại Công trường Quốc tế 340 triệu đồng/m2, trong khi các tuyến đường khác có giá từ nhất 153 triệu đồng đến 323 triệu đồng/m2.
Tại quận 7, đường Tân Phú (C.2109, từ đường Nguyễn Văn Linh đến Cầu Cả Cấm 1 có giá cáo nhất quận với 202 triệu đồng/m2, đường Liên Cảng A5, đường Bến Nghé có giá thấp nhất quận 7 với giá 32 triệu đồng.
Còn đường Song hành quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn) đoạn Nhà máy nước Tân Hiệp có giá 30,3 triệu đồng; so với giá cũ, giá mới tăng khoảng 13 lần.
Tương tự, giá đất sản xuất, kinh doanh (bao gồm cả đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khoáng sản; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp); đất quốc phòng, an ninh; đất công cộng; đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất công trình sự nghiệp; đất phi nông nghiệp khác... cũng được điều chỉnh giảm.
Cụ thể, đất nông nghiệp được phân thành ba khu vực, trong đó, khu vực I gồm các quân 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận có giá từ 432.000 đồng đến 675.000 đồng; Khu vực II có các quận 7, 8, 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, TP. Thủ Đức có giá đất từ 416.000 đồng đến 650.000 đồng; Khu vực III có các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ có giá từ 480.000 đồng đến 750.000 đồng.
Đối với đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng được tính bằng 80% giá đất rừng sản xuất; đất chăn nuôi tập trung được tính bằng 150% đất nông nghiệp trồng cây lâu năm cùng khu vực, vị trí, nhưng không vượt quá đất ở cùng khu vực, vị trí; đất nông nghiệp trong Khu Nông nghiệp Công nghệ ca giá đất nông nghiệp là 320.000 đồng/m2.
Riêng đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ (bao gồm cả đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khoáng sản; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp); đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào các mục đích công cộng… được quy định giá đất cụ thể.
Tại các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận được tính bằng 50% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ. Tại các quận 7, 8, 12, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, TP. Thủ Đức được tính bằng 60% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp. Còn tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ được tính bằng 75% so với giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.