Bàn giải pháp thoát “lõi nghèo” cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Trong đó có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc; đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Các đại đại biểu tham gia Diễn đàn liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc bộ |
Tuy nhiên, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trong đó, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW và ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện và là hình mẫu phát triển xanh của cả nước.
“Nghị quyết 11 đã đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, giải pháp rõ ràng, gắn với một số chủ trương lớn về nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, thí điểm sẽ là cơ sở và là cơ hội cho vùng phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI |
Từ thực tiễn của tỉnh Lào Cai, tại Diễn đàn, ông Hoàng Quốc Khánh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai chia sẻ, kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai trong những năm qua luôn là điểm sáng của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; GRDP bình quân đầu người của tỉnh tăng trưởng ở mức cao, giai đoạn 2010-2020 đạt 10,9%/năm; giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm.
Lào Cai xác định để trở thành trung tâm của vùng thì phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực đột phá. Theo đó, Lào Cai đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đến nay có thể nói Lào Cai là một trong những địa phương có mạng lưới giao thông thuận lợi, đa dạng.
Nêu bật kết quả đạt được trong phát triển kinh tế rừng những năm qua, ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho hay, Tuyên Quang coi phát triển kinh tế rừng bền vững là nhiệm vụ chiến lược trong phát triển kinh tế. Tập trung kiểm soát chặt chẽ với tinh thần bảo vệ, giữ vững diện tích rừng đặc dụng nhằm phát huy giá trị cảnh quan làm du lịch. “Với ưu thế có nhiều di tích lịch sử quan trọng, Tuyên Quang đang triển khai các dự án khai thác rừng đặc dụng để phát triển du lịch”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.
Với rừng phòng hộ, Tuyên Quang đang tập trung trồng cây dược liệu dưới tán rừng phòng hộ, đây cũng là hướng đi mới nhằm phát triển rừng bền vững và nâng cao thu nhập của người dân.
Diễn đàn liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc bộ thu hút sự tham gia của đại diện nhiều Bộ, ngành, địa phương |
Tuy vậy, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang cũng cho hay, Tuyên Quang nói riêng và các tỉnh thuộc vùng Bắc bộ tồn tại 3 điểm nghẽn lớn cần tập trung cao độ để khắc phục, gồm: Quy hoạch, hạ tầng và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng tình với quan điểm trên, tại Diễn đàn nhiều chuyên gia cũng chỉ ra, hạ tầng giao thông và logistics hạn chế, chưa phát triển công nghệ chế biến nông lâm sản, sự chồng chéo trong các chính sách quản lý và thủ tục hành chính còn phức tạp… là những thách thức lớn đang cản trở tốc độ trưởng của vùng. Cùng đó là sự thiếu liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong thu hút đầu tư, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để khắc phục một phần thách thức trên, theo Phó chủ tịch VCCI, không chỉ Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách, mà từng địa phương đều cần hiểu rõ rằng, liên kết là để phát triển và muốn phát triển thì phải liên kết.
Liên kết để hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của vùng, song hành với phát triển hành lang kinh tế, gắn với không chỉ hệ thống giao thông kết nối mà còn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tránh cạnh tranh lẫn nhau.
Chính sự liên kết toàn diện này sẽ giúp các địa phương trong vùng biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng thành tiềm lực, biến tiềm lực thành nguồn lực để vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có thể phát triển đột phá, bắt kịp các vùng kinh tế động lực khác.
Xuất phát từ vấn đề cụ thể của địa phương, lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai nhận định, hạ tầng giao thông vẫn là nút thắt lớn. Ông cũng đồng thời kiến nghị với Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai các dự án lớn về hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không để thúc đẩy liên kết vùng.
Đầu tư dự án đầu tư đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe vào năm 2023 và hoàn thiện quy mô 6 làn xe theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2030. Sớm cho nghiên cứu quy hoạch dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ đường 1.435mm. Hoàn thành xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang (CT.12) theo quy mô 4 làn xe. Nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực để triển khai sớm cao tốc Bảo Hà (Lào Cai) - Lai Châu (CT.13) theo quy mô 4 làn xe. Hoàn thiện các tuyến quốc lộ gồm: QL.70, QL.4, QL.4D, QL.4E, QL.279…
Với Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Sơn, đề nghị, nâng mức khoán rừng cho người dân từ 300.000-400.000/ha lên 800.000 - 1 triệu/ ha/năm để đảm bảo sinh kế cho người dân; sớm có khung khổ pháp lý cho việc phát hành chứng chỉ các bon để tỉnh có thêm nguồn lực từ lĩnh vực này để hỗ trợ người dân, từ đó phát triển rừng bền vững.