Chia sẻ tại hội thảo công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2024 và Báo cáo đánh giá về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào ngày 22/4, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, có 4 "dòng chảy" chính trong hệ thống pháp luật kinh doanh của Việt Nam năm 2024.
![]() |
VCCI công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh 2024. Ảnh: NH |
Thứ nhất, cải cách thủ tục hành chính và giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. Nhiều quy định đã được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, minh bạch và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
"Một tín hiệu tích cực là cộng đồng doanh nghiệp ngày càng chủ động hơn trong việc góp ý, phản biện chính sách. Nhiều chính sách ban hành trong năm 2024 đã thể hiện rõ dấu ấn từ thực tiễn doanh nghiệp" - Chủ tịch VCCI nêu rõ.
Thứ hai, một số chính sách cải cách vẫn chưa thực sự thuận lợi trong thực thi. Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Tấn Công cho rằng, dù có nhiều nỗ lực, nhưng một số chính sách vẫn chưa tạo được chuyển biến thực chất. Nguyên nhân chính là do tư duy quản lý cũ chưa được thay đổi triệt để. Bên cạnh đó, vẫn tồn tại quy định thiếu linh hoạt, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Thứ ba, chính sách tài chính - thuế có nhiều chuyển động tích cực nhưng vẫn còn băn khoăn. Cụ thể, chính sách thuế và tài chính tiếp tục được xem là công cụ hỗ trợ đắc lực cho phục hồi kinh tế. Nhiều chính sách miễn, giảm thuế, phí được triển khai. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phản ánh một số bất cập trong thực thi như áp lực chi phí, thời gian tuân thủ và sự thiếu đồng bộ trong các quy định pháp luật về thuế.
"Công tác quản lý thuế cũng có nhiều cải tiến, đặc biệt trong thương mại điện tử. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số" - lãnh đạo VCCI nêu rõ.
Thứ tư, chính sách thương mại điện tử đã có những điều chỉnh tích cực nhưng chưa đồng bộ. Theo ông Phạm Tấn Công, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế số. Nhiều chính sách mới đã được ban hành kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý.
Tuy nhiên, vẫn còn những quy định chưa bao quát hết thực tiễn. Theo đó, việc hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi các bên liên quan, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, minh bạch là rất cần thiết.
Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh được VCCI thực hiện từ năm 2018, nhằm tổng hợp, phân tích các vấn đề nổi bật trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật liên quan đến kinh doanh. Đây là kênh thông tin quan trọng phản ánh tiếng nói từ thực tiễn, doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia gửi tới các cơ quan quản lý nhà nước. |