Thứ tư 27/11/2024 18:36
Phát triển cụm công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - những vấn đề đặt ra

Bài 3: Tiếng nói người trong cuộc để nghị quyết đi vào cuộc sống

Chính sách ưu đãi hấp dẫn, thủ tục hành chính thuận lợi hơn trong văn bản quy phạm pháp luật về cụm công nghiệp là mong mỏi để nghị quyết đi vào cuộc sống

Doanh nghiệp mong muốn gì?

Qua thực tế khảo sát, điều doanh nghiệp mong muốn nhất không phải hỗ trợ về nguồn vốn mà là thuận lợi trong thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, hạn chế chi phí và đặc biệt là không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Trải qua nhiều thử thách từ khi tiếp nhận Cụm công nghiệp Việt Tiến từ Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp của huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đến khi hoàn thành và kinh doanh hạ tầng, ông Vương Huy Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Hoàng Long, chia sẻ: Chúng tôi đã rất gian nan để Cụm công nghiệp Việt Tiến hoàn thành được hạ tầng giai đoạn 1 với diện tích 30ha và đang xúc tiến mở rộng sang giai đoạn 2 với 45ha. Nguyên do, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính quá lâu, thêm vào đó công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều trắc trở.

Giám đốc Công ty TNHH Minh Hoàng Long cũng băn khoăn khi bày tỏ: Theo quy định hiện hành, trong quá trình thành lập, mỗi cụm công nghiệp đều phải thể hiện lĩnh vực, ngành nghề thu hút đầu tư. Tuy nhiên, xã hội và môi trường đầu tư thay đổi liên tục, không ngừng và có những ngành nghề mới mà thời điểm thành lập chưa có hoặc chưa tiếp nhận được. Nếu quy định và thực hiện một cách cứng nhắc bằng các thủ tục hành chính sẽ bỏ lỡ cơ hội.

“Về việc thu hút ngành nghề đầu tư theo tôi chỉ cần ghi quy định những lĩnh vực, ngành nghề cấm còn đều có thể thu hút đầu tư để không mất đi các cơ hội tốt cho các doanh nghiệp” - ông Vương Huy Hoàng kiến nghị.

Cùng đứng ở vị trí và trải nghiệm những khó khăn của nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, bà Trần Kim Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty CP Bảo Minh Khánh Hồng mong muốn: Nhà nước có chính sách cởi mở hơn cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp. Giảm thiểu thủ tục hành chính hoặc quy về một mối giúp doanh nghiệp thứ cấp tiếp cận và đầu tư dự án một cách nhanh và hiệu quả nhất.

“Cắt giảm thời gian chuyển đổi mục đích sử dụng đất giúp doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thuận lợi hơn trong triển khai và quan trọng là không bỏ lỡ cơ hội kinh doanh”, bà Trần Kim Thanh nói.

Cụm công nghiệp Thanh Vân (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) đang gấp rút hoàn thiện hạ tầng thu hút nhà đầu tư thứ cấp

Góp chung tiếng nói với các nhà đầu tư hạ tầng, ông Lê Thanh Vũ - Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Dũng - chủ đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Thanh Vân (huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) cũng chia sẻ: Để thu hút khách hàng thứ cấp, doanh nghiệp mong các cấp chính quyền tiếp tục quảng bá sâu rộng hơn nữa để xây dựng hình ảnh tốt, đồng thời tạo thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh để hút doanh nghiệp trong và ngoài nước vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều này vừa giúp tỉnh phát triển kinh tế - xã hội cũng đồng thời sớm lấp đầy diện tích cụm công nghiệp, nhà đầu tư hạ tầng theo đó cũng được hưởng lợi.

Lãnh đạo địa phương nói về những "bài toán khó"

Dù không ảnh hưởng trực tiếp tới “cơm áo gạo tiền” như doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư thứ cấp nhưng những chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cụm công nghiệp đang làm đau đầu lãnh đạo ngành công thương các địa phương.

Để thuận lợi trong công tác quản lý cụm công nghiệp, lãnh đạo Sở Công Thương nhiều địa phương đã kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét điều chỉnh nhiều quy định.

Cụ thể với Sở Công Thương Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương đề xuất: Nghị định số 68 Chính phủ xem xét và có quy định cụ thể về việc giãn tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật; quy định cụ thể về việc điều chỉnh, bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư và quy định về việc ký quỹ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.

Đồng thời ông Nguyễn Văn Phương kiến nghị: Nhà nước có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với việc di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề, khu dân cư, khu đô thị vào cụm công nghiệp. Ngoài ra, quy định mức ưu đãi về đầu tư sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp ngang bằng hoặc lớn hơn mức ưu đãi trong khu công nghiệp.

“Hiện, mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp lớn hơn mức hỗ trợ trong cụm công nghiệp đã tạo nên sự không công bằng. Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong cụm công nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đây là những đối tượng yếu thế hơn cần phải có mức hỗ trợ tốt hơn, ưu đãi tốt hơn để khuyến khích sản xuất kinh doanh, giảm nguy cơ về ô nhiễm môi trường” - ông Nguyễn Văn Phương nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó quy định việc phân cấp, uỷ quyền cho địa phương được quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa từ trên 10ha đến 75ha. Bởi hiện nay, địa phương chỉ đang được quyền quyết định mục đích sử dụng đất trồng lúa có quy mô dưới 10ha.

Cụm công nghiệp Khánh Thượng (Ninh Bình) đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ

Từ những khó khăn thực tế, đại diện cho Sở Công Thương Ninh Bình, ông Bùi Quang Hưng - Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng kiến nghị: Bộ Công Thương nghiên cứu, xem xét, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật (Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công,... Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp) để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác quản lý, đầu tư phát triển các cụm công nghiệp trên phạm vi toàn quốc.

Riêng với việc xây dựng hạ tầng xử lý nước thải trong cụm công nghiệp, nhiều địa phương cùng chung kiến nghị Nhà nước hỗ trợ đầu tư, bởi lẽ hạng mục này đòi hỏi nguồn kinh phí thực hiện lớn, thu hồi vốn chậm. Quan trọng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lực đầu tư, đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, nhất là các cụm công nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi.

Đáng nói, không chỉ khó trong công tác quản lý, việc lập phương án phát triển cụm công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh cũng đang khiến nhiều địa phương lúng túng. Tại buổi làm việc mới đây với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, ông Nguyễn Văn Công - tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La bày tỏ: Ngành công thương được giao lập 4 phương án phát triển để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trong đó có phương án phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng trong tỉnh đang rất lúng túng bởi việc lập các phương án phát triển để tích hợp chưa có tiền lệ, cũng chưa được các Bộ, ngành hướng dẫn cụ thể.

Sơn La hiện mới có 1 khu công nghiệp là Mai Sơn và 2 cụm công nghiệp đang hoàn thiện việc đầu tư hạ tầng và thu hút các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh. Giai đoạn 2021-2030, tỉnh quy hoạch thêm 1 khu công nghiệp là Vân Hồ quy mô 240ha và 18 cụm công nghiệp quy mô gần 900ha tại các huyện, thành phố.

Sơn La đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng và đầu tư thứ cấp, do đó lãnh đạo UBND tỉnh Sơn La đề nghị: “Bên cạnh việc đồng hành xây dựng, tích hợp thành công phương án phát triển cụm công nghiệp, Bộ Công Thương hỗ trợ tỉnh huy động, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp và đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh trong các khu, cụm công nghiệp”.

Còn tiếp...

Bài 4: Khẳng định vai trò của ngành Công Thương

Việt Nga - Hoàng Lan - Hạ Vĩ
Bài viết cùng chủ đề: Cụm công nghiệp

Tin cùng chuyên mục

Nam Định triển khai phương án phát triển cụm công nghiệp

Hỗ trợ doanh nghiệp hoá chất giảm sự cố trong quá trình hoạt động

Công nghệ igus Mobile Shore Power Outlet (iMSPO) cấp điện bờ tại cảng an toàn, nhanh chóng và linh hoạt

Chuyển đổi số hướng tới sản xuất thông minh: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Quảng Bình: Tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt 73%

Đà Nẵng: Công bố 51 doanh nghiệp đủ điều kiện đầu tư sản xuất trong Cụm công nghiệp Cẩm Lệ

Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa 40%, công nghiệp ô tô thêm động lực từ tân binh Omoda & Jaecoo

Sản xuất thép ray cho đường sắt tốc độ cao: Doanh nghiệp trong nước sẵn sàng vào cuộc

Sửa đổi Luật Hóa chất thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới kinh tế xanh

Hội thảo khoa học "Phục hồi và phát triển ngành đóng tàu TP. Hải Phòng"

Gợi ý cho Việt Nam nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn hợp tác chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Việt

Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trấn Yên

Khuyến công Bình Định hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp thiết kế bao bì, xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm

Bài 4: Kỳ vọng thổi 'luồng sinh khí' mới vào nền kinh tế

Năm 2024, sản xuất công nghiệp của Nam Định dự kiến tăng 14,5%

Chấp thuận đầu tư gần 3.000 tỷ đồng vào khu công nghiệp Đồng Văn VI

Chấp thuận đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình II, Hà Nam

Khai giảng khóa đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất khuôn mẫu tại Hàn Quốc

Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024: Quy mô cực lớn, nhiều bất ngờ chờ đón