Bài 2: Ngăn chặn sâm Ngọc Linh giả bằng cách nào?
Mua bán sâm Ngọc Linh bằng… “niềm tin”
Tại phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng được tổ chức tại Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), việc mua bán, giao dịch sâm Ngọc Linh với giá trị vài chục, vài trăm triệu đồng, thậm chí là hàng tỉ đồng đã diễn ra sôi động. Nhưng tất cả chỉ dựa vào sự "thẩm định" trực quan, bằng kinh nghiệm của doanh nghiệp, người dân trồng sâm tại địa phương và bằng niềm tin của khách hàng.
Cây sâm Ngọc Linh được bán với giá 868 triệu đồng tại phiên chợ sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My |
Ông Trịnh Minh Quý - Trưởng ban Kiểm định sâm Ngọc Linh tại Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 5 cho biết, việc giám định sâm Ngọc Linh hiện nay cũng chỉ dựa vào kinh nghiệm của những người có thâm niên trồng sâm trong tổ kiểm định chứ chưa có máy móc hỗ trợ.
“Với người bản địa trồng sâm lâu năm chỉ cần căn cứ vào đặc điểm của củ, mắt... là có thể xác định được sâm Ngọc Linh hay không. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là tương đối”, ông Quý nói.
Ông Trịnh Minh Quý (bên phải) kiểm tra thẩm định sâm Ngọc Linh |
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam xác nhận, hiện tại Quảng Nam chưa có máy móc để kiểm định chất lượng sâm, và phiên chợ sâm Ngọc Linh hằng tháng được tổ chức tại huyện Nam Trà My là phương án tốt nhất để ngăn chặn sâm Ngọc Linh giả xâm nhập “thủ phủ sâm Ngọc Linh” vì ở đây có các cơ quan ban ngành kiểm soát rất chặt chẽ.
Từ vấn đề trên, có thể dễ dàng nhận thấy, điều khó khăn nhất là các tỉnh chưa chủ động được máy móc để xét nghiệm, làm cơ sở xử lý hành vi mua bán hàng giả vì muốn xử lý nạn sâm giả, phải có kết quả xét nghiệm bằng máy móc. Còn khi nghi ngờ sâm giả, ngành chức năng phải lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, vừa mất thời gian, lại bị động, tốn chi phí cao.
Đấu tranh chống nạn sâm giả
Để việc đấu tranh chống nạn sâm giả bước vào trạng thái chủ động và mạnh mẽ, tạo sự răn đe lớn đối với các đối tượng nhăm nhe trục lợi từ loại dược liệu quý này thì việc làm chủ kỹ thuật xét nghiệm sâm Ngọc Linh sẽ là một bước tiến mới.
Chị Ngô Thị Minh Thuỳ - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nảng Thuỳ cho biết, tại phiên chợ sâm của huyện Nam Trà My, sâm luôn được đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc. “Tuy nhiên, tôi mong muốn địa phương sẽ sớm đầu tư, có máy kiểm định chất lượng sâm để những khách hàng chưa tin tưởng có thể tới kiểm định trực tiếp, từ đó tạo niềm tin cho khách hàng, góp phần bảo vệ, nâng cao chất lượng thương hiệu sâm Ngọc Linh”, chị Thuỳ cho hay.
Về vấn đề này, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, muốn xử lý triệt để tình trạng sâm giả, không chỉ riêng Quảng Nam mà cần sự vào cuộc của cả xã hội, đặc biệt là các cơ quan chức năng trung ương.
“Hiện Quảng Nam đang tính phương án đầu tư máy móc để kiểm định chất lượng sâm. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kiểm tra mỗi khi phát hiện nghi vấn. Tỉnh Quảng Nam luôn đưa vấn đề an ninh sâm lên hàng đầu để bảo vệ thương hiệu cây sâm Ngọc Linh, cũng như bảo vệ người trồng, người tiêu dùng”, ông Bửu nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tham quan phiên chợ sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My |
Mới đây, để góp phần bảo vệ thương hiệu, chống gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum vừa có văn bản yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, hoàn thiện, đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết theo quy định để khai thác tối đa công năng sử dụng Hệ thống thiết bị phục vụ tách chiết, nhân bản, kiểm tra ADN và Hệ thống thiết bị kiểm định thành phần hoạt chất sinh học saponin sâm Ngọc Linh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động, quảng bá rộng rãi đến tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh biết, liên hệ Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ) để phân tích, kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh bằng hệ thống thiết bị trên.
Ban Thường vụ các huyện ủy Đăk Glei, Tu Mơ Rông lãnh đạo UBND huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tuyên truyền người dân và doanh nghiệp sử dụng hệ thống thiết bị trên để bảo vệ nguồn giống sâm Ngọc Linh thuần chủng trên địa bàn...
Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát tại vườn sâm Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông vào đợt tháng 8/2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Để không gây ảnh hưởng, làm mất uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh, ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, trong thời gian đến, huyện sẽ tiếp tục phối hợp lập hồ sơ pháp lý vùng trồng sâm cho các hộ gia đình để quản lý. Song song với đó, huyện sẽ khuyến cáo trên các trang điện tử về việc người dân, doanh nghiệp khi mua bán sâm, cần lập vi bằng hoặc làm hợp đồng mua bán để nếu phát hiện sâm giả sẽ có cơ sở để ngành chức năng nghiêm trị.
Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch - Đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan kiểm tra, cung cấp thông tin, tài liệu theo đề nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy liên quan đến dự án trồng sâm Ngọc Linh của Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh. Trước đó, để phục vụ cho công tác điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị cung cấp một số nội dung liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh gồm: UBND tỉnh Quảng Nam có tiếp nhận hồ sơ của Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh do bà Phạm Mỹ Hạnh là người đại diện pháp luật xin cấp phép lập và đầu tư dự án trồng, chăm sóc, phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh không? Nếu có thì thời điểm nào? Kết quả xử lý giải quyết đối với hồ sơ xin cấp phép (nếu có) của công ty trên như thế nào? UBND tỉnh Quảng Nam có cấp hay giao đất cho công ty này để thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh hay không? UBND tỉnh có tiếp nhận thông tin từ cá nhân, tổ chức nào có ký văn bản thỏa thuận, hợp đồng hợp tác liên kết với công ty này để thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh không? Theo Công an quận Cầu Giấy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã tiếp nhận đơn tố giác của công dân với nội dung từ năm 2020 đến nay, bà Phạm Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh, đã tổ chức các hội thảo để quảng cáo, giới thiệu về việc công ty đang thực hiện dự án trồng sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam. Qua đó, doanh nghiệp này đã kêu gọi nhiều cá nhân đầu tư góp vốn vào để cùng thực hiện dự án và sẽ được chi trả lợi nhuận cao. Tuy nhiên, sau khi nộp tiền, các nhà đầu tư không nhận được quyền lợi như cam kết. Họ cho rằng bà Hạnh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỉ đồng nên đã gửi đơn tố giác đến cơ quan công an. |
Bài 3: Cách nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường