Bài 2: Nâng tầm giá trị quả vải thiều tại thị trường nước ngoài
Sản lượng xuất khẩu tăng 20 lần
Năm 2008, Vải thiều Lục Ngạn được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý thông qua một dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Giang và cũng thuộc trong nhóm sản phẩm cây ăn quả đầu tiên trong nước được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Giang và cũng thuộc trong nhóm sản phẩm cây ăn quả đầu tiên trong nước, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý |
Năm 2021, vải thiều Lục Ngạn cũng là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Sau khi Vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý đã có tác động rất lớn đến sản xuất, tiêu thụ vải thiều và phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Văn Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm nhằm phục vụ tiêu thụ trong và ngoài nước, trong những năm qua, huyện Lục Ngạn đã tích cực tuyên truyền, thông tin đến người dân trồng vải sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất nông nghiệp sạch tạo ra sản phẩm an toàn. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho người dân trồng vải sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, giới thiệu các mô hình sản xuất vải áp dụng công nghệ cao, phân bón thế hệ mới, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… Mặt khác, kiểm soát, quản lý diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để người dân tuân thủ theo quy trình dần dần thay thế thói quen canh tác truyền thống.
"Năm 2024, huyện Lục Ngạn có khoảng 17.360 ha diện tích vải thiều, trong đó vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 13.400 ha, chiếm 77,18% tổng diện tích, sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 300 ha"- ông Nguyễn Văn Mạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn thông tin.
Ông Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ về công tác quản lý, hỗ trợ người dân trồng và canh tác vải thiều đảm bảo an toàn thực phẩm (Ảnh: Bùi Hùng) |
Đặc biệt, huyện Lục Ngạn đã thực hiện số hóa vùng sản xuất vải tập trung với 103 mã số vùng trồng sản xuất vải, tổng diện tích 12.380,81 ha, trong đó: 33 mã thị trường Nhật Bản diện tích 266,89 ha, 2 mã thị trường Thái Lan diện tích 20 ha; 13 mã thị trường Úc diện tích 191,5 ha; 16 mã thị trường Mỹ với diện tích 194,61 ha; 39 mã thị trường Trung Quốc với diện tích 11.702,81 ha và 34 doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân được cấp mã số cơ sở đóng gói.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Mạnh, các vùng được cấp mã số vùng trồng phải đáp ứng đủ yêu cầu chung, yêu cầu về diện tích, bên cạnh việc tổ chức các lớp tập huấn phổ biến các quy định về xuất khẩu trái cây sang các thị trường, địa phương cũng quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói và quy định đóng gói quả vải tươi xuất khẩu; thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bà con ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký canh tác, vệ sinh vườn sạch sẽ, khuyến cáo người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây trồng…
Theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn, năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ vải thiều của huyện đạt 128.120 tấn, trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 77.250 tấn, chiếm 60,29% tổng sản lượng, riêng thị trường Nhật Bản là 227 tấn.
Nói về quả vải sau khi được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, ông Nguyễn Đức Hưng – Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu - một trong những doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều lớn vào thị trường Nhật Bản cho biết: Từ năm 2019 chúng tôi đã xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản. Sau khi quả vải được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, nhận thức của người trồng vải Lục Ngạn đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, các hộ trồng vải đã chủ động thay đổi tập quán canh tác để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt hơn.
Ông Nguyễn Đức Hưng chia sẻ thông tin về quá trình xử lý, đóng gói của quả vải thiều Lục Ngạn nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường Nhật Bản (Ảnh: Thu Hường) |
"Việc bảo hộ Chỉ dẫn địa lý chỉ là một trong nhiều yếu tố tạo chỗ đứng cho quả vải thiều Lục Ngạn, điều quan trọng là sản phẩm phải đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, năm đầu tiên sau khi được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý sản lượng xuất khẩu còn khiêm tốn, nhưng sau 3 năm triển khai sản lượng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản của chúng tôi đã tăng lên hơn 20 lần so với năm đầu tiên"- ông Hưng cho hay.
Nâng cao chất lượng, giữ vững bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Trăn trở với câu chuyện về giữ vững bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở Hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ bày tỏ, việc bảo hộ chỉ là bước khởi đầu. Quan trọng hơn, việc quản lý để gìn giữ chất lượng đặc thù và danh tiếng của sản phẩm mới là bài toán đặt ra cho chủ sở hữu trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.
Do vậy để đảm bảo chất lượng của quả vải, đáp ứng các thị trường xuất khẩu đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản người trồng phải tuân thủ nghiêm quy trình canh tác theo hướng dẫn của cơ quan quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đoàn chuyên gia của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản kiểm tra hồ sơ, nhật ký ghi chép về quy trình canh tác vải thiều Lục Ngạn vào ngày 13/3/2024 (Ảnh: Thu Hường) |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Phúc Thương - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang cho biết: Những năm gần đây Bắc Giang đã cố gắng nâng cao chất lượng quả vải thiều, thông qua xác lập quy trình sản xuất, trồng, canh tác mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap và VietGap đồng thời chú trọng chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Nhờ đó, quả vải thiều Lục Ngạn nói riêng và Bắc Giang nói chung hàng năm tiến dần thêm vào các thị trường không chỉ Nhật Bản mà còn tại Mỹ và EU, trong đó tại thị trường Mỹ quả vải thiều đã có mặt được 10 năm. Từ đây cũng cho thấy vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu..
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Hưng cho hay, do đặc điểm thời gian tiêu thụ quả vải ngắn, giá biến động theo mùa vụ. Chính vì vậy để người trồng yên tâm sản xuất và thực hiện nghiêm quy trình canh tác an toàn theo hướng GlobalGap và VietGap đảm bảo yêu cầu chất lượng của thị trường Nhật Bản, chúng tôi đã ký hợp đồng thu mua theo giá bảo hiểm cho người trồng.
Tuy nhiên, để chăm sóc được quả vải đủ tiêu chuẩn theo yêu cầu của Nhật Bản, phải bỏ rất nhiều công sức mà sản lượng lại không cao so với tổ chức chăm sóc truyền thống, nên sản lượng không ổn định.
Đoàn chuyên gia Nhật Bản đến kiểm tra quy trình canh tác của hộ trồng vải Vũ Văn Mến ở thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Ảnh: Thu Hường) |
Bên cạnh đó, vùng vải ở Lục Ngạn tuy lớn, nhưng các vùng vải đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì lại chưa phải diện tích lớn, vị trí địa lý phân tán, có vùng gần, có vùng xa khu vực giao thông và có nguy cơ lây nhiễm chéo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ các vùng không chăm sóc theo quy chuẩn tạo ra khó khăn cho việc tổ chức thu mua cũng như thời điểm để đáp ứng được nhu cầu đơn hàng.
Ông Hưng lấy ví dụ thời điểm có đơn hàng, vùng nguyên liệu thì sẵn có, nhưng vùng đạt tiêu chuẩn để thu hoạch lại không có, đã ảnh hưởng đến sự xuất hiện đều đặn của quả vải tại thị trường Nhật Bản trong thời gian mùa vụ.
Ngoài ra, đối với công tác sản xuất, hiện doanh nghiệp đang sử dụng phương pháp xông hơi khử trùng, phương pháp này tác động nhiều đến vỏ quả vải, làm cho vỏ quả vải sau khi khử trùng không còn màu sắc tươi đẹp như quả vải tươi. Đây cũng là thách thức về công nghệ đối với quả vải xuất khẩu.
Khó khăn tiếp theo khi quả vải được xuất khẩu thành công khi đến Nhật Bản lại bị hàng rào kiểm dịch, thời gian kiểm dịch tại các đầu sân bay hay cảng thông thường thời gian thông quan mất 5 ngày, có lô hàng mất 10 ngày điều này cũng làm ảnh hưởng chất lượng của quả vải, phát sinh nhiều vấn đề như chi phí lưu kho, giá thành cao, chất lượng cũng ảnh hưởng không được như kỳ vọng của người tiêu dùng…
"Nếu khắc phục được các khó khăn trên sẽ giúp cho quả vải có giá thành phù hợp, chất lượng tốt, như vậy nhiều người dân Nhật Bản mới có thể tiếp cận được quả vải”- ông Hưng khẳng định.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, ông Nguyễn Phúc Thương cho biết, mặc dù công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ được quan tâm mang lại nhiều kết quả tích cực, song nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp về vị trí, vai trò của khoa học và công nghệ nói chung cũng như việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm nói riêng chưa đầy đủ, do vậy chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức…
Đoàn chuyên gia của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất, quy trình sơ chế, đóng gói, nhãn mác của sản phẩm vải thiều Lục Ngạn xuất sang thị trường Nhật Bản tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu (Ảnh: Thu Hường) |
Đặc biệt, tại một số hợp tác xã, tổ chức ở địa phương thiếu sự kiểm soát về số lượng sản phẩm, việc tuân thủ quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, sử dụng nhãn hiệu, logo gắn trên sản phẩm còn hạn chế; tem nhãn, bao bì sản phẩm được sử dụng, quản lý thiếu chặt chẽ làm ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Đó là chưa kể đến một số hợp tác xã là chủ sở hữu nhãn hiệu đã được bảo hộ không có định hướng kế hoạch phát triển sản phẩm, thiếu kinh phí gia hạn dẫn đến hết hạn, không gia hạn nhãn hiệu theo quy định và mất nhãn hiệu tập thể.
Việc duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm sau khi được bảo hộ nhãn hiệu còn bị xem nhẹ, một số sản phẩm không duy trì được vùng nguyên liệu sản xuất, sản xuất nhỏ, phân tán, quản lý chất lượng đầu ra cho sản phẩm còn chưa đồng đều…
“Câu chuyện đặt ra làm sao để vào được thị trường Mỹ rồi Nhật Bản. Trước hết chất lượng ổn định, khối lượng phải tăng dần, giá trị tốt. Đặc biệt để đảm bảo tính cạnh tranh thì phải xây dựng được thương hiệu, tài sản trí tuệ, bảo hộ không chỉ quả vải mà là hình ảnh sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam tại thị trường quốc tế"- ông Nguyễn Phúc Thương phân tích cụ thể.
Nhận thức rõ điều đó, để xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm ra nước ngoài, Bắc Giang đã lồng ghép các chương trình khoa học và công nghệ với các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, các đề tài cấp tỉnh, cấp bộ, các chương trình cấp quốc gia độc lập tiếp tục được tỉnh triển khai hướng đến xây dựng và phát triển thương hiệu. “Đây là vấn đề là khó, để thực hiện được Bắc Giang chọn điểm nhấn có chọn lọc”- ông Thương nói
Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, thời gian tới, Bắc Giang cũng xác lập từng bước, thận trọng chắc chắn xây dựng được sản phẩm nào chắc chắn sản phẩm đó, làm sao để sản phẩm có tính ổn định lâu dài, thể hiện đặc trưng trong văn hóa, tiềm lực của địa phương xác lập sản phẩm đó, tránh dàn trải. Đồng thời, lồng ghép với việc xây dựng các sản phẩm OCOP, sản phẩm nào chắc sản phẩm đó và phải có tính cạnh tranh có tính vùng miền, xác lập thương hiệu, thương quyền.
Bài học kinh nghiệm được Bắc Giang rút ra đó là phải chủ động trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. “Chúng tôi đã chủ động làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời rà soát lại các danh mục sản phẩm, từ đó xây dựng các tài sản trí tuệ, các nhãn hiệu sao cho phù hơp với mỗi sản phẩm; tăng cường đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tạo ra sản phẩm có đủ chất lượng, khả năng cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước; xây dựng kế hoạch dài hạn trong việc phát triển nhãn hiệu cho các sản phẩm đặc sản, chiến lược của địa phương”- ông Thương cho biết thêm.
Đặc biệt, giúp người dân đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, phát triển giá trị sản phẩm hàng hóa theo chuỗi nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của sản phẩm; xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, gắn với xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ hiệu quả.
Bài 3: "Tấm hộ chiếu" cho nông sản Việt Nam tại thị trường nước ngoài