Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, nhờ các giải pháp xúc tiến thương mại, trọng tâm là hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Bắc Giang kết nối, tiếp cận, đàm phán, ký kết hợp tác để xuất khẩu vải thiều sang các thị trường quốc tế nên vải thiều Bắc Giang ngày càng đến được nhiều quốc gia.
Tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 20 nghìn tấn vải thiều. (Ảnh: Chính Công) |
Sản phẩm đi vào phân khúc thị trường cao cấp càng khẳng định chất lượng vải thiều Bắc Giang ngày càng uy tín với người tiêu dùng. Hiện nay, vải sớm đang được tập trung thu hoạch, giá bán dao động từ 25 - 70 nghìn đồng/kg, nhiều nhà vườn thu về hàng trăm triệu đồng. Thành quả này tiếp tục tạo động lực cho người trồng vải tập trung chăm sóc để tạo ra sản phẩm chất lượng ở mùa vụ tới.
Với hơn 20 nghìn tấn đã tiêu thụ thì thời gian tới, các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều sẽ được tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh. Nhiều doanh nghiệp đã khảo sát, ký hợp đồng với nhà vườn để thu mua, xuất khẩu vải thiều khi vào chính vụ.
Năm 2024, sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 100 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch khoảng từ 20/5 đến 30/7. Trong đó, vải sớm thu hoạch từ 20/5 đến 15/6, vải chính vụ từ ngày 10/6.
Công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chung tay tiêu thụ quả vải thiều được tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm. (Ảnh: Chính Công) |
Để hỗ trợ tiêu thụ quả vải thiều, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong tỉnh chuẩn bị hơn 2 nghìn tỷ đồng cho khách hàng vay để chế biến, tiêu thụ vải thiều.
Theo đó, ngay từ đầu vụ, các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch cân đối, ưu tiên nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận vay vốn thuận lợi nhất.
Một số ngân hàng chuẩn bị số vốn lớn như: Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Bắc Giang II khoảng 600 tỷ đồng; TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Giang 500 tỷ đồng; TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Bắc Giang khoảng 400 tỷ đồng; Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh tỉnh 80 tỷ đồng.
Cùng với chủ động bố trí vốn, vào vụ vải thiều, các ngân hàng thường xuyên hỗ trợ các chi nhánh trực thuộc ở cấp huyện, điều chuyển kịp thời tiền mặt ngay trong ngày. Đặc biệt là tăng cường bố trí cán bộ tín dụng về địa bàn, xem xét thành lập các tổ lưu động nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch của khách hàng.