Sở hữu trí tuệ: Nền móng nâng tầm thương hiệu Việt

Sở hữu trí tuệ không chỉ là tấm khiên bảo vệ thành quả sáng tạo mà còn là “chiếc chìa khóa vàng” giúp doanh nghiệp Việt tự tin bước ra sân chơi toàn cầu.
Bộ Công Thương: Tích cực triển khai hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, sở hữu trí tuệ Vì sao cần đưa sở hữu trí tuệ vào giảng dạy? Trị 'lừa đảo' du lịch bằng sở hữu trí tuệ

Bước đệm pháp lý cho khát vọng chinh phục thị trường quốc tế

Trong kỷ nguyên của nền kinh tế số và hội nhập toàn diện, tài sản hữu hình ngày càng nhường chỗ cho tài sản vô hình, nơi hàm chứa tri thức, sáng tạo và giá trị thương hiệu.

Phát biểu tại lễ hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới diễn ra vào sáng 25/4 tại Hà Nội, ông Lưu Hoàng Long – Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Điều làm nên sức mạnh vượt trội của các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Apple, Microsoft, Nvidia chính là khả năng bảo vệ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ: từ sáng chế, bí mật kinh doanh, đến nhãn hiệu và phần mềm.

Sở hữu trí tuệ: Nền móng nâng tầm thương hiệu Việt
Ông Lưu Hoàng Long - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ phát biểu tại sự kiện

Đó không chỉ là giá trị tài chính mà còn là giá trị chiến lược. Khi quyền sở hữu trí tuệ được xác lập và thực thi tốt, nó sẽ trở thành nguồn sinh lợi vô hạn cho doanh nghiệp và quốc gia,” ông Long khẳng định.

Cũng theo ông Long, Đảng và Nhà nước đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là ba trụ cột để đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Trong cả ba trụ cột ấy, sở hữu trí tuệ giữ vai trò then chốt, là công cụ đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong thời đại cạnh tranh toàn cầu.

Chúng tôi đang tích cực hoàn thiện chính sách, thúc đẩy phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ trong trường học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp. Bên cạnh đó là hỗ trợ đăng ký, bảo hộ và thương mại hóa tài sản trí tuệ – giúp doanh nghiệp Việt thực sự ‘có vũ khí’ khi bước ra thế giới,” ông Long nói.

Câu chuyện Q&T và hành trình tìm lối đi riêng

Một trong những minh chứng rõ nét về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ chính là hành trình của Công ty TNHH Công nghệ cao Polymer Q&T, doanh nghiệp Việt tiên phong trong sản xuất giấy nền polymer công nghệ cao. Đây là dòng sản phẩm đặc biệt, có tính bảo an cao, thường được sử dụng trong in ấn tiền tệ. Hiện trên thế giới chỉ có hai quốc gia nắm giữ công nghệ này, và Việt Nam với những nghiên cứu sáng chế độc quyền đã và đang trở thành điểm sáng mới.

KHách tìm hiểu công nghệ giấy nền
Các đại biểu tìm hiểu công nghệ sản xuất giấy nền polymer

Chia sẻ tại Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025, ông Lương Ngọc Anh – Chủ tịch HĐQT TNHH Công nghệ cao Polymer Q&T (gọi tắt Q&T) cho biết, sau thời gian dài nghiên cứu, Q&T đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 6 bằng sáng chế quan trọng, bao gồm sáng chế về giấy nền đa lớp in tiền polymer, bóng chìm bảo an; lớp phủ chống tĩnh điện; nền đa lớp và quy trình sản xuất; cấu trúc Polyme có yếu tố nhiễu xạ quang học...

Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra sản phẩm mới, Q&T còn là một trong số ít doanh nghiệp trong nước tự chủ công nghệ giấy nền polymer cho sản xuất tiền Polymer. Hiện doanh nghiệp này đang cung cấp giấy nền bảo an cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kết quả này đã góp phần quan trọng trong nội địa hóa vật liệu chiến lược, giảm phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế.

Ông Lương Ngọc Anh
Ông Lương Ngọc Anh chia sẻ về quá trình bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Q&T

Ông Lương Ngọc Anh cho rằng: “Chúng ta chỉ thực sự hiểu được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ khi bước ra thị trường quốc tế. Nếu không bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp có thể đối mặt với những vụ kiện hàng tỷ USD. Do đó, để tồn tại và phát triển, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ là điều bắt buộc.”

Ông Ngọc Anh cho biết, trước khi đăng ký sáng chế, ông đã thuê các hãng luật quốc tế kiểm tra tính hợp pháp và tính mới của giải pháp công nghệ để tránh xâm phạm quyền của các đối thủ đến từ Vương quốc Anh và Úc. “Sau khi có xác nhận không vi phạm, chúng tôi mới mạnh dạn đăng ký trong nước. Bằng sáng chế không chỉ giúp bảo vệ ý tưởng mà còn tăng cường uy tín doanh nghiệp. Các đối thủ nước ngoài đã ‘soi’ kỹ mà không thể tìm thấy sai sót, đó là sự công nhận không lời cho năng lực của người Việt.”- ông Ngọc Anh nhấn mạnh.

Hiện sản phẩm giấy nền của Q&T đã được xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế như châu Phi, châu Úc …và nhận được sự chấp thuận khắt khe về mặt kỹ thuật, mở ra tiềm năng thương mại hóa lớn cho các sáng chế nội địa.

Bài học từ thực tiễn và vai trò của quản lý Nhà nước

Ông Lương Ngọc Anh khẳng định: “Cục Sở hữu trí tuệ luôn thận trọng trong từng quyết định công nhận sáng chế. Một khi bằng sáng chế được cấp, trách nhiệm của cơ quan quản lý là rất lớn. Do đó, sự cẩn trọng đó chính là sự bảo chứng cho uy tín pháp lý và tính minh bạch của hệ thống.”

Bà Lương Thanh TRang QT
Bà Lương Thanh Trang - Phó Giám đốc TNHH Công nghệ cao Polymer Q&T giới thiệu về những Bằng sáng chế độc quyền của Q&T trong nghiên cứu công nghệ sản xuất giấy nền polymer

Thực tế cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp Việt vẫn chưa chú trọng đúng mức đến việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Họ thường chỉ quan tâm đến bảo hộ khi rơi vào tranh chấp hoặc mất thị phần, thay vì chủ động từ đầu. Điều này vô tình khiến họ bị động và thua thiệt trong quá trình hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, việc nâng cao hiểu biết về sở hữu trí tuệ vẫn là khoảng trống lớn cần lấp đầy mặc dù công tác này trong những năm vừa qua đã được cải thiện đáng kể.

Ông Lưu Hoàng Long cho biết, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như đưa nội dung này vào trường học, nhằm hình thành nền tảng nhận thức từ sớm.

Ngày sở hữu trí tuệ
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2025 với chủ đề: Sở hữu trí tuệ và âm nhạc - Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ không còn là khái niệm pháp lý khô cứng mà chính là “vũ khí mềm” để doanh nghiệp phát triển thương hiệu, khẳng định uy tín, tăng cường năng lực cạnh tranh và vươn ra thị trường toàn cầu.

Bài học từ Q&T cùng định hướng chiến lược của cơ quan quản lý Nhà nước cho thấy: một quốc gia chỉ có thể mạnh về kinh tế nếu biết bảo vệ và nuôi dưỡng tri thức của mình.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm nay với chủ đề: Sở hữu trí tuệ và âm nhạc: Cảm nhận nhịp điệu của Sở hữu trí tuệ. Để hưởng ứng sự kiện trên, ngày 25/4 tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội và Trường Đại học Thủy lợi tổ chức lễ hưởng ứng với sự tham dự của đại diện một số tổ chức quốc tế, các cơ quan liên quan, doanh nghiệp khoa học công nghệ cùng đông đảo sinh viên Trường Đại học Thủy lợi.

Sự kiện không chỉ là hoạt động chuyên môn mà còn là dịp quan trọng để lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, nâng cao nhận thức và năng lực khai thác, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng đại học và xã hội.

Thu Hường
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Sở hữu trí tuệ