Miền “quốc bảo” sâm Ngọc Linh - nơi đất rừng mời gọi Quảng Nam dự kiến tổ chức Lễ hội Sâm cấp quốc gia lần thứ 1 năm 2023 |
"Cây thuốc giấu" của đồng bào
Trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được đồng bào dân tộc Xê Đăng sử dụng như một loại củ rừng, gọi là “cây ngải rợm con” hay “cây thuốc giấu” để chữa các loại bệnh khi cần.
Theo một số già làng tại xã Trà Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), chẳng ai biết cây "thuốc giấu" có từ khi nào. Chỉ biết rằng trong quá khứ, cha ông đã biết dùng loại củ này để cầm máu viết thương sau mỗi chuyến đi săn thú rừng. Hoặc những lúc trẻ nhỏ bị đau bụng, tiêu chảy, người già kiệt sức, đột quỵ, sốt rét… thì chủ yếu dựa vào loại cây này để giữ sinh mệnh.
Trước khi có sự phát hiện của các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh được xem “cây thuốc giấu" để chữa các loại bệnh khi cần |
Người đồng bào Xê Đăng xem đó như một món quà mà thần núi ban tặng nên được chia sẻ dùng chung cho cả cộng đồng chứ không có chuyện buôn bán hay trao đổi… Mỗi khi đi rừng phát hiện được củ to thì mang về cùng chia cho cả làng cất giấu để chữa bệnh.
Đến năm 1973, sau khi được dược sĩ Đào Kim Long - người được ghi công phát hiện cây sâm đầu tiên ở phía Tây núi Ngọc Linh. Qua nhiều ngày nghiên cứu toàn diện về hình thái, sinh thái, quần thể, quần lạc, phân bố, di cư và phát tán, dược sĩ Đào Kim Long đã xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới, đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Trải qua nhiều lần nghiên cứu tiếp theo, các nhà khoa học nhận thấy rằng sâm Ngọc Linh không chỉ có các tác dụng dược lý đặc trưng của chi nhân sâm mà còn có những tác dụng điển hình như chống stress, chống trầm cảm, tác dụng lên sự chống oxy hóa in vitro và in vivo… Đây là một trong những loài sâm có hàm lượng saponin khung dammaran cao nhất (khoảng 12 - 15%) và lượng saponin nhiều nhất so với các loài khác của chi Panax trên thế giới.
Theo giáo sư - tiến sĩ Trần Công Luận (nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu TP. Hồ Chí Minh), các công trình nghiên cứu gần đây về các loài sâm thuộc chi Panax trên thế giới đều đề cập đến sâm Ngọc Linh như một loài sâm có giá trị và đang được nuôi trồng ở nước ta. Cho đến nay giới nghiên cứu đã xác định được sâm Ngọc Linh chứa tới 104 hợp chất với 84 hợp chất saponin trong các bộ phận của cây chứ không phải 52 hợp chất saponin như được công bố trước đây. Đối với hợp chất saponin được xem là thành phần hoạt chất chính ở phần dưới mặt đất của các loài sâm, hiện vẫn chưa có loài nào vượt trội hơn sâm Ngọc Linh về số lượng và hàm lượng saponin. |
Thúc đẩy việc bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh
Từ khi nhận biết được giá trị thật của sâm Ngọc Linh, các cơ quan Trung ương, địa phương đã ban hành nhiều văn bản liên quan nhằm tạo cơ chế, chính sách phát triển dược liệu nói chung và sâm Việt Nam nói riêng.
Tại Quảng Nam, hiện nay diện tích quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh của Quảng Nam khoảng 15.576 ha. Ngoài ra, tỉnh đang nghiên cứu trồng di thực sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh. Nhiều doanh nghiệp cùng hàng nghìn nhóm hộ, người dân đã thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh. Đặc biệt, Quảng Nam có 2 cơ sở bảo tồn, nuôi giữ nguồn gene giống gốc, hằng năm sản xuất được hàng trăm nghìn cây giống để phục vụ cho sản xuất.
Hiện diện tích quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh của Quảng Nam khoảng 15.576 ha |
Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp giấy chứng nhận trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cho ba tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gồm: Công ty Cổ phần Thương mại dược sâm Ngọc Linh; Công ty TNHH Sâm Sâm và Công ty TNHH Tân Nghĩa Sơn. Đặc biệt, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam đã được Cục Trồng trọt cấp Bằng bảo hộ giống đối với cây trồng mới sâm Ngọc Linh.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam cũng chú trọng trong việc đặt hàng, khuyến khích các cơ quan, tổ chức triển khai thực hiện các đề tài, dự án liên quan đến sâm Ngọc Linh. Qua đó tạo tiền đề cho việc nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tạo giống, nhân trồng và chế biến để mở rộng phát triển cây dược liệu có giá trị này trong thời gian tới.
Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình gửi Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt dự thảo "Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030 và định hướng 2045". Mục tiêu của chương trình là xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia gắn với sử dụng bền vững tài nguyên rừng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tăng thu nhập cho người làm rừng. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Bài 2: “Thủ phủ” sâm Ngọc Linh - Nan giải quá trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu