Lắng nghe người dân, Quảng Nam lấy ý kiến lại về tên gọi xã, phường Tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ có 88 xã, phường sau sáp nhập Sắp xếp Đà Nẵng, Quảng Nam: Đổi mới tư duy từ việc lắng nghe dân nói |
Từ vùng đất kiên cường...
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Quảng Nam là một trong những địa phương giành chính quyền sớm nhất trong Cách mạng Tháng Tám 1945, kiên cường bám đất, bám dân để xây dựng vùng tự do Liên khu 5. Những chiến công vang dội như Bồ Bồ, Núi Thành, Cấm Dơi, Thượng Đức đã trở thanh biểu tượng của "Quảng Nam trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ"
Ngày 24/3/1975, Quảng Nam được giải phóng, mở ra trang sử mới cho vùng đất từng chịu nhiều đau thương, mất mát. Nhưng cuộc chiến đấu với nghèo đói, hoang tàn cũng không hề kém phần khốc liệt. Hàng vạn hécta đất bị bom cày đạn xới hàng nghìn gia đình trắng tay sau chiến tranh, hạ tầng kinh tế gần như con số không. Vậy mà chỉ trong vài năm, những công trình thủy lợi như Phú Ninh, Khe Tân, thủy điện Duy Sơn đã mọc lên từ bàn tay rắn rỏi của người Quảng
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tri ân các bậc lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Vũ Lê) |
Khi tái lập tỉnh năm 1997, tỉnh Quảng Nam được xem là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, với thu ngân sách chỉ 150 tỷ đồng/năm, hơn 50% hộ dân thuộc diện đói nghèo, công nghiệp và du lịch gần như trắng. Thế nhưng, vượt lên nghịch cảnh, Quảng Nam đã viết tiếp câu chuyện hồi sinh" đầy ngoạn mục
Đến cuối năm 2024, quy mô kinh tế tỉnh đạt hơn 129 nghìn tỷ đồng, thu ngân sách hơn 27.600 tỷ đồng - gấp 217 lần so với năm đầu tái lập. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,56%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 84 triệu đồng. Hơm 77% xã đạt chuẩn nông thôn mới, kết cấu hạ tầng giao thông - đô thị được đầu tư mạnh mẽ.
Quảng Nam không chỉ thoát khỏi nghèo đói, mà còn từng bước định hình vị thế mới: một cực tăng trưởng công nghiệp - dịch vụ trọng điểm của miền Trung.
Đến khát vọng công nghiệp hóa
Một trong những dấu ấn chiến lược của Quảng Nam trong hơn hai thập niên qua chính là việc thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai - khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước. Từ vùng cát trắng khô cằn, Chu Lai giờ đây là trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô, công nghiệp cơ khí lớn nhất cả nước với khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 30.000 người lao động, trong đó có nhiều nhân lực chất lượng cao, đóng góp phần lớn ngân sách cho tỉnh Quảng Nam.
Năm 2024, riêng Tập đoàn THACO đã nộp ngân sách tỉnh Quảng Nam 19.300 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 15.000 lao động. Đơn vị này cũng tiếp tục khánh thành hàng loạt nhà máy trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí ô tô. Tại Khu kinh tế mở Chu Lai, khánh thành bến cảng 5 vạn tấn chuyên dụng container tại Cảng quốc tế Chu Lai.
Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 14 khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 6,2 tỷ USD vốn FDI, giải quyết việc làm cho hơn 113.000 lao động. Sân bay Chu Lai được quy hoạch lên cảng hàng không quốc tế cấp 4F, cảng biển loại 1, cửa khẩu quốc tế Nam Giang - tất cả tạo nên một hệ thống logistics liên hoàn, mở toang cánh cửa giao thương.
![]() |
Dây chuyền sản xuất, lắp ráp của nhà máy ô tô Trường Hải (Chu Lai- Quảng Nam) (Ảnh: Minh Hằng) |
Cùng với công nghiệp, du lịch, nông nghiệp tỉnh cũng đạt được những bước phát triển vượt bậc.
Quảng Nam đang từng bước hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu với sâm Ngọc Linh làm cây chủ lực, bên cạnh các trung tâm chế biến sâu silicat, khu nông nghiệp công nghệ cao.
Du lịch Quảng Nam đã vươn lên thành một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước, với hai di sản thế giới là Hội An và Mỹ Sơn, cùng Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Năm 2024, toàn tỉnh đón hơn 8 triệu lượt khách, trong đó, có 5,5 triệu lượt quốc tế.
Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch nông nghiệp miền núi xanh... đang tạo động lực mới cho kinh tế nông thôn và vùng Tây Quảng Nam.
Tự tin cùng cả nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới
Sau 50 năm giải phóng, tỉnh Quảng Nam đã viết nên bản trường ca đầy cảm hứng về một địa phương bền bỉ, kiên cường trong chiến tranh và bản lĩnh, đổi mới trong hòa bình. Từ máu lửa chiến trường đến vành đai công nghiệp - du lịch - dịch vụ, từ một vùng đất nghèo khó nhất, nhì cả nước đến một trong những cực tăng trưởng sáng giá nhất miền Trung - đó là dấu ấn của ý chí và khát vọng.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Quảng Nam: "Trong chiến tranh, Quảng Nam chưa bao giờ khuất phục, ngày nay cùng không thể tụt hậu!". Đó là lời hiệu triệu cho một thời kỳ phát triển mới.
Với quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, Quảng Nam xác định các trụ cột chiến lược như: Phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai; hình thành đô thị sân bay Chu Lai, đẩy nhanh các tuyến cao tốc 14D, 14E, luồng cảng Cửa Lở, các trung tâm công nghiệp, logistics, đô thị sinh thái; thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển du lịch nông nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học.
Không dừng lại ở đó, Quảng Nam vẫn luôn và sẽ tiếp tục làm tốt công tác chăm lo an sinh xã hội, xóa nhà tạm dột nát, phát triển giáo dục - y tế vùng sâu, đảm bảo an sinh, an ninh bền vững cho cả vùng biên giới, hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số. Với quyết tâm "không để ai bị bỏ lại phía sau", tỉnh đang nỗ lực từng bước nâng chất lượng sống của mọi người dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Đà Nẵng, Quảng Nam cuối tháng 3/2025 đã nhận định việc sáp nhập Đà Nẵng, Quảng Nam là cơ hội lịch sử để vùng đất Quảng Đà thực sự vươn ra biển lớn. |