Bắc Ninh: Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm nhiều nhất trong 5 năm gần đây
Tiếp tục giảm 19,02%
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2023 so với tháng trước tăng 2,62%. Sở dĩ có sự tăng trưởng này là do 19/24 ngành cấp 2 của tỉnh đều có mức sản xuất tăng, một số ngành tăng khá như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+13,09%); trang phục (+7,79%); hóa chất và sản phẩm hóa chất (+7,33%); sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) (+16,71%); thiết bị điện (+15,4%); sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (+1,38%)...
Chỉ số sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh giảm sâu |
Tuy nhiên nếu so với cùng tháng năm trước thì IIP chung toàn ngành công nghiệp của Bắc Ninh giảm khá nhiều (-13,49%). Nguyên nhân là do 14/24 ngành cấp 2 có chỉ số sản xuất giảm so với tháng cùng kỳ, một số ngành giảm nhiều như: Sản xuất trang phục (-29,19%); giấy và sản phẩm từ giấy (-8,59%); hóa chất và sản phẩm hóa chất (-30,43%); sản xuất thiết bị điện (-29,84%); sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (-29,24%); đặc biệt ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học là ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh giảm tới 14,11% đã tác động đến IIP chung toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, IIP toàn ngành công nghiệp giảm tới 19,02% so với cùng kỳ năm trước. “Đây là mức giảm nhiều nhất trong 5 năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm tới 19,15%”, Cục Thống kê Bắc Ninh thông tin.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được Cục Thống kê Bắc Ninh phân tích, do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước vẫn ở mức thấp, đây cũng là thách thức đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghiệp trọng điểm của tỉnh.
Cùng xu hướng với sản xuất công nghiệp, số lao động đang làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm ngày 1/5/2023 tăng nhẹ so với cùng thời điểm tháng trước (+0,71%) nhưng giảm 12,14% so với cùng thời điểm năm trước.
Tính chung 5 tháng, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 11,03% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 11,17%.
Sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp
Với phương châm “Lắng nghe - thấu hiểu – đồng hành và cùng khát vọng phát triển”, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thường xuyên tổ chức làm việc với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết luận các định hướng phát triển mạnh mẽ, toàn diện theo hướng bền vững; kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành đồng bộ các giải pháp, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, công nhân và người lao động...
Tuy nhiên, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023, cùng với cả nước, Bắc Ninh gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới và trong nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Trên tinh thần thẳng thắn và cầu thị, mới đây tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp FDI 2023, mang chủ đề: “Sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển”.
Nhiều ý kiến trao đổi, đối thoại tập trung vào các vấn đề: Thực hiện quy định phòng cháy, chữa cháy; cơ sở hạ tầng khu công nghiệp; vướng mắc trong triển khai thực hiện điện áp mái…
Trước đó, Hội nghị cũng đã nhận được 25 câu hỏi bằng văn bản, trong đó nêu vướng mắc về thu hút nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp; xác định các khoản thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất…
Các ý kiến trao đổi, kiến nghị cơ bản đã được sở, ngành, cơ quan chức năng, địa phương giải đáp thỏa đáng, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn: Bắc Ninh luôn coi thành công hay thất bại của doanh nghiệp là thành công và thất bại của mình; thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp là thuận lợi, khó khăn của tỉnh, vì vậy, Bắc Ninh cùng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để đạt được mục tiêu tốt hơn…
Với quan điểm như vậy, Bắc Ninh sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp bất cứ lúc nào doanh nghiệp đề xuất; đồng thời cam kết trả lời đầy đủ, công khai phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tham vấn cơ quan Trung ương đưa ra giải đáp sớm và thỏa đáng nhất.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng mong muốn, doanh nghiệp FDI luôn tuân thủ pháp luật, thể hiện tinh thần trách nhiệm, đồng hành với tỉnh trong tháo gỡ khó khăn, tiến tới tăng trưởng thành công; quan tâm bảo đảm đời sống của công nhân, người lao động; bám sát định hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng chất trong phát triển công nghiệp của tỉnh.
Mặc dù IIP giảm sâu nhưng ở chiều ngược lại vẫn có những điểm sáng về kinh tế, đó là: Hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2023 tăng 16% so với cùng tháng, 5 tháng đầu năm tăng 22%; số doanh nghiệp đăng ký mới 5 tháng đầu năm 2023 tăng cả về số lượng danh nghiệp và tổng vốn đầu tư đăng ký, cũng như quy mô vốn đăng ký bình quân của 1 doanh nghiệp. |