Bạc Liêu: Phát triển hệ thống chợ, thúc đẩy kinh tế nông thôn
Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có 63 chợ truyền thống, chợ đầu mối đang hoạt động trong quy hoạch (trong đó có 2 chợ hạng I, 10 chợ hạng II, 51 chợ hạng III). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 4 siêu thị và 25 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động và hệ thống chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nông sản cho nông dân và cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng tại các địa phương…
Chợ Trung tâm thành phố Bạc Liêu Ảnh: Quang Vinh – Tạp chí Gia đình Việt Nam |
Nhằm phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, thời gian qua UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đặc biệt là hệ thống chợ.
Qua đó, từng bước giảm tình trạng kinh doanh tự phát, ổn định tình hình kinh doanh, phát triển thương mại, dịch vụ khu vực nông thôn; quy hoạch phát triển mạng lưới chợ làm tiền đề cho phát triển thương mại nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Sở Công Thương cũng đồng thời phối hợp tổ chức nhiều chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, hỗ trợ xây dựng một số điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng tại các địa phương chưa đầu tư xây dựng chợ.
Hiện tỉnh Bạc Liêu có 49/49 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 16 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là huyện Phước Long, thành phố Bạc Liêu, thị xã Giá Rai và huyện Vĩnh Lợi.
Để phấn đấu đạt các mục tiêu Nghị quyết đã đề ra trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới, Bạc Liêu đưa ra một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Qua đó nhằm thay đổi tư duy, tập quán sản xuất của người dân, tạo ra những sản phẩm cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Các địa phương quy hoạch, xác định vùng sản xuất phù hợp, mang tính đặc thù, từ đó chọn lựa công nghệ mới, nhằm tăng năng suất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác và trang trại; xây dựng, nhân rộng và phát triển các mô hình hợp tác xã hoạt động có chất lượng. Phát triển mô hình liên kết sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP.
Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm hoàn thành đưa vào sử dụng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu để thu hút doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, hoạt động nghiên cứu, trình diễn ứng dụng công nghệ cao.
Chú trọng huy động thêm các nguồn lực khác, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp và người sản xuất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu sản phẩm nông sản Bạc Liêu. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông sản xuất khẩu, sản phẩm OCOP…
Liên kết hợp tác, tạo ra vùng nguyên liệu đủ lớn làm nền tảng thực hiện chuỗi giá trị nông sản chủ lực và thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp và hạ tầng thương mại nông thôn, đặc biệt là đầu tư chợ, tỉnh Bạc Liêu hướng tới phát triển khu vực kinh tế nông thôn.
Đặc biệt là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu (giai đoạn 2021 - 2025) theo Bộ tiêu chí mới, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Nông dân tiếp tục đóng vai trò làm chủ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.