Bắc Kạn: Phát huy hiệu quả của các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP
Đã có 10 điểm bán hàng OCOP được xây dựng
Nhằm hỗ trợ xây dựng mô hình điểm bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông thôn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023, Sở Công Thương /chu-de/tinh-bac-kan.topicđã ban hành Kế hoạch và phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới cùng UBND huyện Ngân Sơn tiến hành khảo sát tại 08 cơ sở kinh doanh thuộc các xã, thị trấn của huyện Ngân Sơn.
Căn cứ các tiêu chí lựa chọn, thông qua quá trình khảo sát, Sở Công Thương lựa chọn xây dựng mô hình điểm bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông thôn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 triển khai tại Hộ kinh doanh Phong Phin, địa chỉ tại tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn.
Điểm bán hàng được hỗ trợ sẽ kết nối tiêu thụ sản, tạo điều kiện thuận lợi đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn, hàng hóa thiết yếu, hàng có thế mạnh đến với người tiêu dùng đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Dự kiến hoàn thành việc hỗ trợ xây dựng điểm bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông thôn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 trước quý IV năm 2023.
Điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP giúp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP địa phương |
Theo Sở Công Thương Bắc Kạn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 10 Điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Thời gian qua, các điểm mua bán này đã đáp ứng yêu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, đặc biệt là sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền. Qua đó, đáp ứng đồng thời cả 2 tiêu chí là hỗ trợ các chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm đặc sản của đồng bào.
Nhiều điểm bán hàng OCOP đã chủ động ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh trong phân phối, tiếp thị quảng bá, hình thành hệ thống xúc tiến thương mại, tăng doanh thu, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Hàng hóa được sắp đặt trên các giá, kệ một cách hợp lý, đẹp mắt, trưng bày khoa học theo từng loại sản phẩm. Các sản phẩm đều có tem, nhãn, mã vạch truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể tham quan, mua sắm trực tiếp.
Đến nay, Bắc Kạn đã có 182 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao và 163 sản phẩm 3 sao. Đã có 110 chủ thể tham gia chương trình có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm 73 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 22 hộ kinh doanh và 5 doanh nghiệp.
Các sản phẩm được chứng nhận OCOP đã gia tăng về số lượng, kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được nâng cao, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của vùng, miền của tỉnh, đáp ứng tốt cho nhu cầu của thị trường. Cùng với các kênh phân phối nội địa khác, các điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP đã trở thành một trong những địa chỉ đáng tin cậy cho người tiêu dùng muốn mua sắm các sản phẩm OCOP chính hãng.
Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các Điểm bán hàng OCOP mới
Thời gian qua, Sở Công Thương Bắc Kạn đã triển khai nhiều hoạt động nhằm quản lý hệ thống phân phối sản phẩm OCOP đảm bảo tính đồng bộ và đáp ứng các quy định hiện hành. Việc quản lý, giám sát, vận hành hiệu quả điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã giúp quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; công tác tuyên truyền về hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, định hướng thị trường tiêu thụ được thực hiện tốt, triển khai một cách đầy đủ đến các tổ chức kinh tế.
Sở Công Thương cũng đã ban hành các Kế hoạch hỗ trợ phát triển hệ thống, trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP như: Kế hoạch số 28/KH-SCT ngày 22/02/2023 Khảo sát, lựa chọn địa điểm để hỗ trợ xây dựng mô hình điểm mua bán hàng hóa, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng của miền núi, vùng sâu, vùng xa năm 2023; Kế hoạch số 57/KH-SCT ngày 13/4/2023 Khảo sát, lựa chọn địa điểm để hỗ trợ xây dựng mô hình điểm bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông thôn theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Nhằm chuẩn hóa các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy định; triển khai thực hiện Quy chế và quản lý hệ thống phân phối sản phẩm OCOP đảm bảo tính đồng bộ và đáp ứng các quy định hiện hành, Sở Công Thương đã ban hành Công văn số 538/SCT-QLTM ngày 17/4/2023 gửi UBND các huyện, thành phố về việc đề nghị triển khai thực hiện Quy chế quản lý điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND các huyện, thành phố quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện đúng Quy chế quản lý Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; tiến hành rà soát, hướng dẫn các chủ thể có Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thực hiện theo Quy chế.
Trường hợp cửa hàng đã sử dụng biển hiệu, biểu tượng của Chương trình OCOP nhưng không đăng ký Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo Quy chế thì UBND huyện, thành phố thông báo và yêu cầu thương nhân dừng việc sử dụng biểu tượng của Chương trình OCOP trên biển hiệu cửa hàng.
Sở Công Thương cũng đã ban hành Công văn số 788/SCT-QLTM ngày 02/6/2023 gửi tới Văn phòng Điều phối nông thôn mới và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023-2025. Trong đó, đề nghị phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các tiêu chí Điểm giới thiệu và bán sản phẩm thuộc Chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025 đến các tổ chức, cá nhân có liên quan theo Quyết định số 950/QĐ-BCT ngày 18/4/2023 của Bộ Công Thương.
Trong thời gian tới, để quản lý tốt các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các chủ thể kinh doanh Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đăng ký điểm, vận hành theo Quy chế; thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại đối với hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo quy chế đã được UBND tỉnh ban hành. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch đã ban hành.