Ước đạt và vượt chỉ tiêu đề ra
Năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội. Theo báo cáo sơ, địa phương đạt và vượt 18/18 nhóm chỉ tiêu. Thành tựu nổi bật nhất là thực hiện tốt các mô hình, dự án phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo đó, tổng sản luợng lương thực đạt trên 19.300 tấn, đạt 100% kế hoạch; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp thuỷ sản tăng trên 4%/năm; trồng được 556 ha rừng, đạt 105,0% kế hoạch; ... Thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 42,3 triệu đồng/người/năm, đạt 103,7% kế hoạch (kế hoạch giao 40,8 triệu đồng/người/năm). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp trên 1.307 tỷ đồng, đạt 112,8% kế hoạch, tăng 27,6% so với cùng kỳ.
Thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với Na Hang là một thành công của chính quyền địa phương này. Ảnh: HV |
Đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới địa phương đã tích cực triển khai, duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới: Năng Khả, Côn Lôn, Thanh Tương, Khâu Tinh và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Hồng Thái; đạt mới nông thôn mới 01 xã: Đà Vị. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 24,8%, đạt kế hoạch giao. Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học, 100% xã, thị trấn giữ vững phổ cập các bậc học; tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ đạt 62,8%, tăng 7,8% kế hoạch; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 19/28 trường. Công tác khám chữa bệnh luôn được trú trọng từ cơ sở đến huyện, thực hiện tốt công tác giảm nghèo và công tác bảo trợ xã hội. Quốc phòng an ninh được giữ vững.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp, Na Hang còn quan tâm, chú trọng khai thác tiềm năng về sinh thái, cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch, dịch vụ. Năm 2024, thu hút trên 450.000 lượt khách du lịch, đạt 128,6% kế hoạch, tăng 81,8% so với cùng kỳ, doanh thu xã hội về du lịch đạt 540 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn (thu nội địa) trên 55 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ.
Đây là những thành tựu sẽ tạo ra bước tiến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nhanh hơn trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực đối mặt những khó khăn, thời tiết diễn biến bất lợi, hạn hán kéo dài, mưa dông, bão lũ, đồng thời các cơ chế, chính sách được tháo gỡ thì khối lượng công việc, nguồn vốn đầu tư phải thực hiện trong năm là khá lớn.
Song với sự lãnh đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo, Ủy ban nhân dân huyện đã chủ động, tích cực tập trung quyết liệt trong chỉ đạo điều hành thực hiện các nhiệm vụ, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương duy trì và phát triển ổn định.
Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp trên 1.500 tỷ đồng
Trong năm 2025, Na Hang phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 1.500 tỷ đồng; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 98%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/người/ năm; có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 01 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ; 70% số trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 đến 4%/năm... Đồng thời, phấn đấu đưa thị trấn Na Hang đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025.
Bên cạnh đó, Na Hang định hướng tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có để phát triển du lịch một cách bài bản, bền vững, tạo sinh kế cho các tầng lớp nhân dân. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, di tích lịch sử; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hoá với phát triển du lịch.
Với vị trí địa lý sẵn có, Na Hang còn nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ trong thời gian tới. Ảnh: HV |
Đồng thời, quan tâm giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ. Khai thác tiềm năng du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; Làng văn hóa du lịch thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái; Làng văn hóa du lịch thôn Nà Khá, xã Năng Khả; Làng văn hóa thôn Bản Bung, xã Thanh Tương...; du lịch khám phá khu rừng nguyên sinh và khám phá hệ thống hang động; rừng nghiến; các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện… Duy trì và tiếp tục tổ chức Lễ hội Hương sắc Na Hang, các lễ hội truyền thống, hoàn thiện mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn và tại một số nơi phù hợp, mô hình tổng hợp nông, lâm nghiệp thủy sản gắn với du lịch.
Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản tập trung, giá trị gia tăng cao; hoàn thành chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" gắn với phát triển kinh tế hợp tác xã; phát triển các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị hàng hóa và một số sản phẩm nông sản gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch, dịch vụ, thương mại; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để phát triển du lịch bốn mùa; thu hút nhiều hơn số lượt khách du lịch đến địa bàn.
Phối hợp với các ban, ngành của tỉnh Tuyên Quang tiếp tục xây dựng Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp tỉnh, tiến tới có thương hiệu quốc gia, quốc tế. Phối hợp triển khai các bước lập Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh quốc gia, đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình gắn với phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chỉ đạo giải quyết kịp thời các điểm nghẽn, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, việc triển khai thực hiện các dự án thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, liên kết du lịch được tăng cường, gắn Na Hang vào chuỗi du lịch liên vùng, là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách. Ảnh: HV |
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện; tập trung khai thác có hiệu quả về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử để tiếp tục thu hút phát triển các loại hình du lịch của huyện: Du lịch văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí.
Trong đó, tập trung hoàn thiện hạ tầng giao thông đến các khu điểm du lịch, hạ tầng bến thuỷ, chợ đêm, các điểm checkin, hệ thống điện, chiếu sáng, wifi,... trồng hoa, cây xanh; hoàn thành xây dựng hình ảnh, mẫu mã sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng của huyện. Đồng thời, giải quyết kịp thời các điểm nghẽn nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, việc triển khai thực hiện các dự án thương mại, dịch vụ trên địa bàn.
Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Na Hang có được như ngày nay là nhờ huyện đã vận dụng sáng tạo chủ trương đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt sự chung sức đồng lòng của chính quyền cùng nhân dân địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Tin tưởng rằng, Na Hang sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa và ghi dấu ấn nổi bật về tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội trong giai đoạn phát triển 2021-2025.