Ba Lan muốn bán trái cây, sản phẩm thịt vào Việt Nam
Chiều 6/4, diễn ra Họp báo giới thiệu chương trình quảng bá thực phẩm Ba Lan của Liên minh châu Âu.
Ba Lan muốn bán trái cây, sản phẩm thịt vào Việt Nam |
Chương trình quảng bá thực phẩm của các nước Liên minh châu Âu được thực hiện trong các năm 2019 – 2023 dưới khẩu hiệu “Châu Âu đầy ắp mùi vị truyền thống và chất lượng” bao gồm các hoạt động đa dạng mà Tổ hợp gồm hai tổ chức chuyên ngành của Ba Lan thực hiện. Đó là Liên hiệp những người giết mổ và làm chế biến thịt xông khói của Cộng hòa Ba Lan (đơn vị dẫn đầu) và Hội toàn quốc Nhóm các nhà sản xuất Rau Quả.
Là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất nông sản, ông Piotr Ziemann - Trưởng Chương trình Hiệp hội những người bán thịt và sản xuất thịt của Cộng hòa Ba Lan – chia sẻ, đây là lần thứ 6 quay trở lại Việt Nam để quảng bá sản phẩm, và ngay tại Hội chợ Vietnam Expo 2023 đã có 3 đối tác Việt Nam muốn trở thành nhà phân phối hoa quả đông lạnh của Ba Lan tại thị trường Việt Nam.
Cùng với rau quả, Ba Lan cũng muốn giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng Việt Nam các sản phẩm thịt heo, thịt bò, thịt gia cầm. Nhấn mạnh vấn đề chất lượng, không sử dụng kháng sinh và chất tăng trọng, ông Piotr Ziemann cho hay, 100% sản phẩm thịt của chúng tôi là an toàn. “Hiện, 83% lượng thịt bò sản xuất ở Ba Lan được xuất ra nước ngoài, tương tự, hơn 60% lượng gia cầm sản xuất được xuất khẩu và hơn 30% thịt heo được xuất khẩu”, ông Piotr Ziemann chia sẻ.
Lo ngại, sản phẩm Việt Nam bán sang thị trường Ba Lan nhiều gấp 10 lần so với Ba Lan bán sang Việt Nam. Các nhà sản xuất thực phẩm Ba Lan cũng mong muốn các sản phẩm rau quả và thịt của họ hiện diện nhiều hơn tại thị trường Việt Nam.
Mỗi 1 quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp sản xuất, quốc gia nào cũng muốn bảo vệ nền nông nghiệp của mình. Tuy nhiên, với Ba Lan, sản phẩm của chúng tôi không mang tính cạnh tranh mà mang tính bổ trợ với Việt Nam. Và trong gần đây nhất, khi đến với Việt Nam, chúng tôi đã nhận thấy các sản phẩm Ba Lan bắt đầu được người tiêu dùng biết đến và sử dụng. Việc các sản phẩm của Ba Lan được nhận diện và đón nhận sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Ba Lan hiện diện nhiều hơn tại thị trường này.
“Chúng tôi chưa khảo sát các siêu thị ở Hà Nội, nhưng tại TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy 90% sản phẩm thịt heo nhập khẩu có nguồn gốc từ Ba Lan. Cùng với đó, chúng tôi đã bán sang Việt Nam khoảng 40 container rau quả, trong đó có quả mâm xôi và các sản phẩm quả ôn đới ở châu Âu”, ông Piotr Ziemann chia sẻ và cho rằng, với dân số trẻ, việc sử dụng mạng xã hội để mua sắm khá nhiều, đây cũng đang là công cụ mà chúng tôi sử dụng để quảng bá sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng Việt Nam.
Năm ngoái 20 tấn gia cầm từ Ba Lan sang Việt Nam đã được tiêu thụ sạch. Ba Lan là quốc gia sản xuất thực phẩm gia cầm lớn nhất và ngon nhất châu Âu. Trong sự kiện quảng bá lần này, ông Mariusz Szymkowiak - Chuyên gia dự án sản xuất, chế biến thịt bò, heo, gia cầm Ba Lan cho biết, chúng tôi muốn giới thiệu sản phẩm thịt ngỗng Ba Lan – một sản phẩm ít thấy ở Việt Nam. Đây là sản phẩm ngon, sạch, tốt cho sức khỏe.
Tiếp thị, quảng bá sản phẩm rau quả và các sản phẩm thịt, theo các doanh nghiệp Ba Lan, việc này không chỉ dừng ở khía cạnh thực phẩm, đồ ăn mà ở đây còn là vấn đề về giao lưu văn hóa.
Bà Justyna Pabian - Phó Đại sứ Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam – nhận định, quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ba Lan đã được 73 năm. Năm 2012, kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia tăng 12% so với năm trước đó. Tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Ba Lan là rất lớn. Trong 2 năm tới, chúng tôi mong rằng đây là hai năm đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia lên tầm cao mới.
“Sản phẩm nông nghiệp Việt Nam – Ba Lan không cạnh tranh trực tiếp với nhau mà bù trừ cho nhau. Thủ đô của Ba Lan có nhiều quán ăn Việt Nam. Quán ăn Việt Nam đem tới người tiêu dùng Ba Lan nhiều bất ngờ, tôi mong rằng món ăn Ba Lan cũng đem tới người tiêu dùng Việt Nam những trải nghiệm mới”, bà Justyna Pabian chia sẻ.
Sau buổi họp báo, phía Liên minh châu Âu và doanh nghiệp Ba Lan tổ chức buổi gặp gỡ các đối tác Việt Nam.