An Giang có tiềm năng lớn về năng lượng sinh khối bởi là tỉnh nông nghiệp, sản lượng lúa hàng năm đạt trên 4 triệu tấn, đứng thứ 2 Đồng bằng sông Cửu Long. Từ sản lượng lúa trên, mỗi năm ở An Giang có khoảng 8.000.000 tấn rơm, rạ và khoảng 800.000 tấn trấu (vỏ thóc). Ngoài ra, An Giang còn có nhiều loại nguyên liệu sinh khối khác như thân cây ngô, vỏ bào, mùn cưa, bã mía, vỏ lạc, lõi ngô, thân sắn… có thể khai thác vào việc phát điện và sản xuất các loại năng lượng khác. Ước tính, tổng lượng sinh khối của An Giang đạt khoảng 10.000.000 tấn, có thể sản xuất tương đương 17.000.000 MWh điện mỗi năm. Nếu tận dụng hiệu quả các phụ phẩm này để phát điện không chỉ tăng thêm lợi ích kinh tế, mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
An Giang có tiềm năng lớn năng lượng sinh khối từ cây lúa. Ảnh minh họa |
Trước đây, phần lớn khối lượng trấu các cơ sở xay xát thường đem rải xuống sông Tiền, sông Hậu một cách lãng phí, gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền tỉnh An Giang đã phải vận động người dân và các cơ sở xay xát tận dụng nguồn sinh khối trấu vào các mục đích sinh lợi, không thải ra môi trường, trong đó có việc sản xuất điện. Tuy nhiên, đến nay lượng trấu tận dụng vào mục đích sinh lợi cũng mới chỉ đạt 15-20%, khoảng 80% lượng trấu còn lại và rơm, rạ người dân vẫn đem đốt gây nguy cơ phát thải khí nhà kính.
Đề án “Phát triển năng lượng sinh khối” sẽ giúp tỉnh An Giang tận dụng được tối đa nguồn phụ phẩm sinh khối từ sản xuất nông nghiệp… để phát điện, sản xuất các loại năng lượng, thúc đẩy đầu tư khu vực tư nhân vào lĩnh vực này. |
Trong khuôn khổ Chương trình Sẵn sàng tài chính khí hậu (CF Ready), được sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), ông Nguyễn Minh Triết - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, Sở đang xây dựng Đề án “Phát triển năng lượng sinh khối” trên địa bàn. Tới đây, sẽ có 3 nhà máy phát điện từ việc sử dụng trấu với tổng công suất 40 MW sẽ được xây dựng tại các khu vực có nhiều nhà máy xay xát lúa gạo, thuận lợi trong việc thu gom nguyên liệu. Cụ thể, sẽ xây dựng tại khu công nghiệp Hòa An, huyện Chợ Mới một nhà máy công suất 10 MW, vốn đầu tư trên 10 triệu USD; xây dựng tại xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn một nhà máy, vốn đầu tư 15 triệu USD, công suất 10 MW; xây dựng tại huyện Phú Tân một nhà máy công suất khoảng 20 MW.
Dự kiến khi Đề án Phát triển năng lượng sinh khối được phê duyệt, Sở Công Thương tỉnh An Giang sẽ kêu gọi đầu tư, kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ điện trấu, chẳng hạn như ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm thuế nhập khẩu thiết bị... Đến nay, đã có nhà đầu tư quan tâm đến phát điện từ sử dụng trấu, nhưng họ băn khoăn và cho rằng, giá điện trấu cần được mua bằng hoặc cao hơn giá điện mặt trời (khoảng 9,58 UScent/kWh) mới khuyến khích được đầu tư.
Tối ưu hóa sản xuất nguồn điện gió và điện mặt trời Việt Nam có tiềm năng lớn phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, việc ... |
Đến nay, UBND tỉnh An Giang cũng đã phê duyệt kế hoạch hành động “Quản lý và sử dụng hiệu quả sinh khối cây lúa để sản xuất ra năng lượng trong điều kiện biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2030”. Theo kế hoạch này, lượng khí CO2 tại An Giang sẽ được cắt giảm tương ứng khoảng 300.888 tấn; diện tích rơm, rạ được thu gom khỏi đồng ruộng là 40%; tỷ lệ rơm, rạ sử dụng để sản xuất năng lượng sinh khối đạt 15%; tỷ lệ trấu được thu gom để phát điện và các sản phẩm năng lượng khác đạt 50%; đầu tư trên 500 tỷ đồng phát triển sản xuất năng lượng từ rơm và trấu; phát triển cụm công nghiệp sinh thái lúa gạo, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xanh, sản phẩm xanh từ các phụ phẩm của cây lúa; xây dựng hệ thống quản lý và sử dụng sinh khối cây lúa để phát điện, sản xuất ra năng lượng sinh khối một cách bền vững, hiệu quả, an toàn.../.