Xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm Chú trọng chuỗi giá trị để xuất khẩu gạo Việt có giá cao |
Tính đến hết quý I/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 2,18 triệu tấn, tương đương 1,43 tỷ USD với giá trung bình 653,9 USD/tấn. Trong 15 ngày đầu của tháng 4/2024, xuất khẩu gạo đạt 512 ngàn tấn, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Về giá, giá gạo xuất khẩu tại hầu hết các thị trường đều có mức tăng cao từ 25 - 160 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 3 tháng đầu năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 134 USD/tấn so với cùng kỳ.
Kết quả này được ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định là do các doanh nghiệp đã tận dụng được nhu cầu nhập khẩu gạo từ các thị trường truyền thống đang có xu hướng tăng trong thời gian qua.
Về triển vọng xuất khẩu gạo trong những tháng tiếp theo, ông Nguyễn Ngọc Nam cho rằng xuất khẩu gạo vẫn có nhiều tín hiệu tích cực khi nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường vẫn ở mức cao. Trong khi đó, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vẫn đang duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng. Các quốc gia khác như Indonesia, Philippines, Malaysia sản lượng sản xuất giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA |
Tại Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Nam cho biết, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng lúa vụ Đông Xuân còn khoảng 3 triệu tấn (tương đương 2 triệu tấn gạo). Với sản lượng còn lại cùng với nguồn nhập khẩu, dự báo 6 tháng đầu năm xuất khẩu gạo có thể đạt khoảng 4,5 triệu tấn.
Cũng theo ông Nam, trong thời gian qua xuất khẩu gạo đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng cùng các Bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước.
“Thực tế từ năm 2023 đến nay, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương đã liên tục tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo”- ông Nam đánh giá.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, xuất khẩu gạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn như thị trường các nước nhập khẩu liên tục thay đổi chính sách. Điển hình như tại thị trường Philippines, các thương nhân ký hợp đồng song không nhận hàng và đề nghị giảm giá. Hay như thị trường Indonesia đang giảm dần phụ thuộc vào nguồn cung gạo từ Việt Nam khi mở nhiều gói thầu nho cho các quốc gia khác như Malaysia. Tại thị trường châu Âu, ngày càng đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trong bối cảnh đó, để xuất khẩu gạo tiếp tục thuận lợi, ông Nguyễn Ngọc Nam kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo; nâng cao năng lực tổ chức của các hợp tác xã, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo; tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường.
Xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2024 có thể đạt 4,5 triệu tấn (Ảnh minh họa) |
Liên quan đến thương hiệu gạo, ông Nam cho rằng, phải làm sao sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu gạo Việt Nam/Vietnam Rice. Cùng với đó phải đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, giảm phụ thuộc vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến lượng gạo, gây ô nhiễm môi trường, nhằm tăng năng suất và chất lượng gạo, nâng giá thành sản xuất. Đồng thời phải xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay. Định hướng nông dân và thương nhân tăng cường công tác bảo quản, chế biến đáp ứng các quy định nhập khẩu của các thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đàm phán song phương, đa phương để ký kết các Hiệp định, thỏa thuận về sự phù hợp, công nhận lẫn nhau về kiểm dịch, chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm với các thị trường trọng điểm nhằm tận dụng cơ hội mở của thị trường, chiếm lĩnh thị trường. “Riêng với Nghị định 103/2020/ND-CP ngày 4/9/2020 và 11/2022/ND-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang Liên minh châu Âu, chúng tôi kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm cập nhật, bổ sung danh mục hàng hóa gạo thơm cho phù hợp với tinh hình thực tế sản xuất lúa gạo”- ông Nam cho biết.
Về phía Bộ Công Thương, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu gạo kiến nghị tăng cường công tác thông tin số liệu xuất khẩu để công tác cân đối cung cầu mặt hàng gạo được thuận lợi hơn. Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu; kịp thời cập nhật thông tin để doanh nghiệp, hiệp hội xây dựng định hướng kinh doanh xuất khẩu.
Ngoài ra, cần tăng cường nghiên cứu, đàm phán ký kết các thỏa thuận thương mại với một số thị trường tiềm năng; rà soát các Hiệp định đã được thực thi để đề nghị đối tác gia tăng hạn ngạch cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Song song đó, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân về các quy định tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định song phương để tận dụng tối đa lượng hạn ngạch thuế quan dành cho gạo Việt Nam.
Liên quan đến vốn, các doanh nghiệp gạo mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp thực hiện chương trình liên chính sách và quy định đã ban hành của Chính phủ; tổ chức các hội nghị đối thoại song phương với các doanh nghiệp trực tiếp tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo để thông tin được chia sẻ và tiếp nhận đúng với trọng tâm và phù hợp với thực tiễn của ngành lúa gạo nước ta.