Xuất nhập khẩu hàng hoá 7 tháng đầu năm gần chạm mốc 450 tỷ USD
Xuất nhập khẩu tăng cao
Báo cáo mới nhất Tổng cục Thống kê phát hành sáng 29/7 cho thấy, trong tháng 7, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 69,72 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng trước và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 35,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 63,08 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 163,9 tỷ USD, tăng 13,8%, chiếm 72,2%.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2024 ước đạt 33,8 tỷ USD, tăng 11% so với tháng trước và tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung bảy tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 212,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78 tỷ USD, tăng 21,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 134,9 tỷ USD, tăng 16,9%.
Cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu bảy tháng tập trung mạnh vào nhóm hàng tư liệu sản xuất, ước đạt 199,88 tỷ USD, chiếm 93,9%.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa bảy tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 66,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,2 tỷ USD.
Xuất nhập khẩu tiếp tục khởi sắc trong 7 tháng đầu năm 2024 |
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 7 ước tính xuất siêu 2,12 tỷ USD. Tính chung bảy tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,92 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 29 tỷ USD.
Dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩuchủ lực của nước ta. Theo Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may từ đầu năm đến nay tăng, cụ thể là trong quý II/2024 đã tăng trưởng 11,2% so với quý trước đó. Đơn hàng tăng trở lại giúp một số doanh nghiệp dệt may có kết quả kinh doanh đáng nghi nhận.
Cụ thể, Công ty CP Dệt may Hòa Thọ lãi quý II tăng vọt 110%, luôn mang về khoản cổ tức bằng tiền đều đặn cho Vinatex. Đây cũng là mức lãi cao nhất 7 quý doanh nghiệp này đạt được. Theo ghi nhận doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 1.094 tỷ đồng tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí giá vốn giảm nhẹ 1% giúp biên lãi gộp cải thiện từ 9% trong quý II/2023 tăng lên 14%. Lợi nhuận gộp nhờ vậy tăng mạnh 69% so với cùng kỳ lên 151 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính và chi phí tài chính ghi nhận lần lượt 25 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, tương ứng tăng 35% và 32% so với cùng kỳ. Khấu trừ khoản chi phí khác, Dệt may Hòa Thọ lãi sau thuế đạt 69 tỷ đồng, tăng trưởng tới 110% so với cùng kỳ 2023, mức lãi cao nhất trong vòng 7 quý trở lại đây.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG cũng vừa công bố Báo cáo tài chính quý II/2024 với doanh thu thuần bán hàng đạt 2.173,6 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, TNG lãi ròng 86,3 tỷ đồng, tăng 61,6% so với quý II/2023. Kết quả kinh doanh tích cực của Công ty đến từ biên lợi nhuận gộp cải thiện, đạt 16,4% so với mức 12% cùng kỳ 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty lãi ròng hơn 129 tỷ đồng, tăng 37,7%.
Nhờ tập trung khai thác các các dòng hàng khó, cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu; đồng thời tối ưu hóa chi phí nhờ tăng sử dụng máy móc thiết bị tự động trong việc điều hành, sản xuất nên nên kết quả kinh doanh vừa qua rất khả quan.
Ông Nguyễn Viết Hạnh - Giám đốc Công ty cổ phần May Thành Hưng chia sẻ, so với cùng kỳ năm 2023, đơn hàng may xuất khẩu tăng trưởng từ 20-30%, giá trị đơn hàng cũng tăng từ 5 - 10%. Hiện tại, công ty đã đầu tư thêm một số chuyền may và thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu sản xuất, phấn đấu doanh thu năm 2024 (tương ứng 4,5 triệu USD) về đích sớm so với kế hoạch.
Hoặc với mặt hàng thuỷ sản, theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 51,7 triệu SGD, chiếm thị phần 9,46%. Các số liệu thống kê cho thấy, lần đầu tiên thủy sản Việt Nam duy trì vị trí số đối tác lớn thứ 5 liên tiếp trong 2 quý.
Theo ông Cao Xuân Thắng - Tham tán thương mại Việt Nam tại Singapore, để có thể tăng thị phần bền vững, nâng cao thứ hạng cũng như giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Singapore, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản, mặc dù hiện nay chưa có vụ việc đáng tiếc nào liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm được thông báo cho Thương vụ.
Mặt khác, tình trạng lạm phát đang cao cũng là một thách thức không nhỏ cho ngành thủy sản các nước xuất khẩu vào Singapore, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, xung đột ở một số khu vực trên thế giới cũng làm cho giá cước vận chuyển tăng mạnh, quốc gia nào tận dụng được lợi thế về logistics cũng như giảm thiểu được các chi phí sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh lớn hơn trong xuất khẩu hàng hóa.
Cơ hội nào cho những tháng cuối năm?
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại - Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị và hiện đã tận dụng tương đối tốt các FTA. Vì vậy, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng trưởng 6% là hoàn toàn khả thi.
Rất nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng Top đầu xuất khẩu như gạo, hạt tiêu, dệt may… tức là đã có thể xếp Việt Nam vào một trong những cường quốc về xuất khẩu. Vì thế, cần có sự ứng xử xứng với vị trí cường quốc. Đó là không thể chậm trễ trong việc đưa sản phẩm, hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường nhập khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, đưa hàng hóa vào thị trường “ngách” nhưng nhiều tiềm năng như: Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… ngoài thị trường truyền thống. Qua đó, giảm bớt rủi ro khi hàng hóa bị phụ thuộc vào một thị trường.
Nhìn nhận về tình hình xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho hay, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam đã và đang có nhiều khởi sắc, mang lại tín hiệu tích cực. Các địa phương đã có kế hoạch cụ thể để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường. Cùng đó, doanh nghiệp cũng chủ động các vấn đề thương mại, ví như tính quyết định, tăng cường xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bộ Công Thương đang đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực để kết thúc sớm đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và UAE. Bên cạnh đó, triển khai đa đạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi.
Hơn nữa, các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường.
Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới xúc tiến thương mại; thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Qua đó, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.
This browser does not support the video element.