Xuất khẩu hồ tiêu vẫn chịu áp lực kép
Giảm mạnh cả về lượng và giá trị
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 9/2022, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam giảm tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 13,86 nghìn tấn, trị giá 56,83 triệu USD, giảm 25,8% về lượng và giảm 25,3% về trị giá so với tháng 8/2022, so với tháng 9/2021 giảm 9,1% về lượng và giảm 7,7% về trị giá.
Xuất khẩu hồ tiêu vẫn chịu áp lực kép |
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 174,53 nghìn tấn, trị giá 770,44 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 9/2022, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 4.099 USD/tấn, tăng 0,7% so với tháng 8/2022 và tăng 1,5% so với tháng 9/2021. Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam đạt mức 4.414 USD/tấn, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 9/2022 so với tháng 9/2021, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Hoa Kỳ, Nga. 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Đức, Anh giảm, nhưng xuất khẩu sang Ấn Độ, Hà Lan, Hàn Quốc, Philippines, Nga, Thái Lan tăng.
Hiên, giá hồ tiêu đen trong nước giảm mạnh, xuống gần ngưỡng 60.000 đồng/kg, trong bối cảnh xuất khẩu giảm và thị trường đang có dấu hiệu xả hàng nhằm thu hồi vốn phục vụ cho sản xuất vụ mùa mới. Giá hồ tiêu trắng ở mức 109.000 đồng/ kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 9/2022 và thấp hơn so với mức 120.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.
Xuất khẩu hồ tiêu được dự báo vẫn nhiều khó khăn trong bối cảnh giá hồ tiêu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu giảm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc và đồng USD neo cao đang kìm hãm xuất khẩu các nước.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hiện lượng hồ tiêu tồn kho ở Việt Nam ước đạt 80.000 – 100.000 tấn, khối lượng tương đối cao. Thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu hồ tiêu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi. Thời điểm hiện tại, giá hồ tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.
Lực đỡ từ các FTAs
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), nguồn cung hồ tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280.000 – 290.000 tấn (bao gồm sản lượng 175.000 tấn; nhập khẩu 40.000 tấn và 80.000 tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang).
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích hồ tiêu Việt Nam năm 2020 đạt 130.838 ha, tập trung chủ yếu ở 6 tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước. Tuy nhiên diện tích này có thể giảm trong năm 2021 và 2022. Ước sản lượng Hồ tiêu Việt Nam năm 2022 đạt 175.000 tấn, giảm 10% so với 2021. Sản lượng hồ tiêu Việt Nam đứng thứ 1 trên thế giới và chiếm 35% so với toàn cầu.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, hiện nay ngành tiêu đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Điển hình như, hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn. Các thị trường này có cước phí rẻ hơn Việt Nam nên giá xuất khẩu luôn được chào bán thấp hơn.
Đáng chú ý, hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu sang Ai Cập và Pakistan đang khó khăn trong thanh toán. Hàng đã tới nơi nhưng bị “treo” lại vài tháng, chưa biết khi nào mới được thanh toán. Các doanh nghiệp đang phải chịu phí lưu container tại bãi.
Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu gặp nhiều khó khăn, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định, Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam, nhưng để khai thác tốt FTAs trước môi trường kinh tế thế giới có nhiều biến động vẫn còn là bài toán khó đối với doanh nghiệp. Do đó, vai trò của các thương vụ tại nước ngoài rất quan trọng trong vấn đề cung cấp thông tin thị trường đến doanh nghiệp để doanh nghiệp tránh được những rủi ro, những tranh chấp với đối tác, nhất là trong bối cảnh GDP Việt Nam phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Đặc biệt, khi phát sinh vấn đề, phía thương vụ cũng nỗ lực phối hợp với các bên, đặc biệt là doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bức tranh thị trường xuất khẩu hồ tiêu không hoàn toàn màu tối. Quy mô thị trường hạt tiêu đen toàn cầu ước đạt trị giá 3.159 triệu USD vào năm 2021 và dự báo, thị trường sẽ điều chỉnh lại quy mô lên 4.184,2 triệu USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 4,1% trong giai đoạn 2022 – 2028.
Thị trường tiêu đen chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ngành công nghiệp thực phẩm chế biến đang phát triển. Sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm bánh mì, bánh kẹo, đồ ăn sẵn và đồ chiên rán ở các nền kinh tế phát triển đang thúc đẩy thị trường gia vị. Song song đó, xu hướng sử dụng chất điều vị tự nhiên gần đây cũng đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường tiêu đen toàn cầu. Sự tăng trưởng của mặt hàng này trong thời gian tới mở thêm cơ hội cho xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.