Thứ hai 23/12/2024 04:06

Xuất khẩu hàng hóa điểm là sáng trong bức tranh kinh tế quý I/2024

Quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và trở thành điểm sáng bức tranh kinh tế quý đầu tiên năm 2024.

Xuất khẩu hàng hóa quý I/2024 tăng tốc

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Dấu ấn trong quý I/2024, cả nước có 16 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 3 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, gồm điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị và phụ tùng.

Quý I/2024, xuất khẩu hàng hóa điểm sáng của hoạt động thương mại

Đơn hàng xuất khẩu phục hồi, trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục dẫn đầu ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, với gần 15,7 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa quý I/2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 26,2 tỷ USD, tăng 26%, EU 12,1 tỷ USD, tăng 16,3%, Trung Quốc 12,7 tỷ USD, tăng 5,2%, ASEAN 8,9 tỷ USD, tăng 9,5%, Nhật Bản 5,7 tỷ USD, tăng 6,4%, Hàn Quốc 6,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm ngoái,…

Trong lĩnh vực nông nghiệp, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 3 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất siêu 3,36 tỷ USD tăng 96,5%.

Đã có 5 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: Gỗ 2,32 tỷ USD (tăng 26,8%); rau quả 1,23 tỷ USD (tăng 25,8%); gạo 1,37 tỷ USD (tăng 40% với lượng 2,07 triệu tấn, tăng 12%); cà phê 1,9 tỷ USD (tăng 54,2% với lượng 799 nghìn tấn, tăng 44,4%); thủy sản 1,86 tỷ USD, tăng 1,9%.

Xuất khẩu quý I/2024 hé lộ rõ hơn những khoảng sáng khi nhiều ngành hàng tăng trưởng dương, nhiều đơn hàng được đẩy mạnh. Ngày 28/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình phối hợp Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Tiến Ngân (phường Dân Chủ, TP. Hoà Bình) và Công ty Tomas Trade Co.Ltd Hàn Quốc, Công ty ASIA Ocean xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc.

Ở đầu cầu phía Nam, sáng 27/3, tại xã Khánh Bình (huyện biên giới An Phú, tỉnh An Giang), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đã phối hợp tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài keo đầu tiên của huyện sang thị trường Hàn Quốc. Trước đó, 2 container cà phê hữu cơ, trọng lượng 40 tấn vừa được Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu sang Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính bậc nhất, áp nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhất với nông sản.

Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam 2024 đã đi được 1/4 chặng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng bấp bênh, đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, bất định.

Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - chia sẻ, xuất khẩu đang đón những tín hiệu tốt dần lên so với năm ngoái. Dù vậy, vẫn còn hiện hữu không ít những khó khăn. Do đó, giải pháp của doanh nghiệp này trong bối cảnh hiện nay là đốc thúc tiến độ sản xuất nhanh nhất có thể để bù cho thời gian vận chuyển bị kéo dài thêm do căng thẳng ở Biển Đỏ.

Ông Trần Ngọc Liêm - Giám đốc VCCI TP. Hồ Chí Minh - cho biết, với vị thế là là nước xuất khẩu dệt may thứ 3 thế giới cùng việc là thành viên của 15 FTA đã có hiệu lực, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP…, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà sản xuất dệt may trên thế giới.

Ông Trần Ngọc Liêm đánh giá, mục tiêu mà ngành dệt may Việt Nam đặt ra là xuất khẩu đạt 44 tỷ USD trong năm nay là khá thách thức khi vẫn còn nhiều rủi ro trong chuỗi cung ứng, chi phí vận tải cũng như các doanh nghiệp phải tăng cường đầu tư để đáp ứng yêu cầu của các nhãn hàng về xanh hóa, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, ESG (môi trường - xã hội - quản trị doanh nghiệp), chuyển đổi số… Theo đó, việc tìm kiếm bạn hàng mới, thị trường mới cũng như phát triển các nguồn nguyên phụ liệu mới cho các doanh nghiệp dệt may là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I/2024 đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

TS. Nguyễn Bích Lâm - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – đánh giá, hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế là điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I/2024 của nước ta với xuất siêu 3 tháng đầu năm đạt 8,08 tỷ USD.

Tuy vậy, xuất siêu của nền kinh tế dựa vào khu vực FDI, khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu. Bên cạnh đó, xuất siêu 3 tháng đầu năm do xuất khẩu rau quả và gạo vẫn tiếp được đà của quý 4 năm trước; ngành dệt may, da giầy đã có được đơn hàng mới đến hết tháng 6/2024. Những lợi thế này khó duy trì trong cả năm 2024.

Bức tranh thương mại hàng hóa quốc tế trong 3 tháng đầu năm có thêm sắc màu tươi mới đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước đạt 26,2%, cao hơn nhiều tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 13,9% của khu vực FDI. Tuy vậy, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chỉ chiếm gần 27,1%trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI.

Cùng với đó, tiếp theo thành tích và dấu ấn của năm trước, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả, nông sản và gạo tăng ở mức cao với 2 con số gấp 1,34 lần so với mức tăng của cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu quý I/2024 so với cùng kỳ năm trước của mặt hàng rau quả tăng 31%; mặt hàng nông sản (điều, cà phê, chè, hạt tiêu) tăng 31,4%; gạo tăng 44,2%.

Một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống là thế mạnh của Việt Nam đã chấm dứt đà suy giảm, tăng trưởng cao trở lại như: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 18,9%; dệt may tăng 7,9%; giày dép tăng 11,7%. Bên cạnh đó, nhập khẩu tư liệu sản xuất đã tăng cao trở lại đạt mức 14,5 %, phản ánh sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi.

Tuy vậy, hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế của nước ta phụ thuộc vào số ít thị trường. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Mỹ chiếm 28,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 34,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Điều này phản ánh hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế của Việt Nam dễ bị tổn thương bởi các cú sốc, những bất ổn kinh tế và điều chỉnh chính sách thương mại để hạn chế thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa của các đối tác thương mại này.

Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu có vai trò quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và định hình lại chuỗi cung ứng. Do đó, TS. Nguyễn Bích Lâm kiến nghị, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính hiệu quả của các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để phát triển thị trường xuất khẩu. Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này.

TS. Nguyễn Bích Lâm cũng đề xuất, Chính phủ cần khẩn trương nắm bắt các ngành, lĩnh vực nào sẽ trở thành xu hướng phát triển của kinh tế thế giới trong thời gian tới, kịp thời sửa đổi và bổ sung Chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu để đưa kinh tế Việt Nam hòa vào dòng chảy, thuộc nhóm đi tiên phong trên một số lĩnh vực của kinh tế thế giới.

Đồng thời đề xuất Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và các cam kết từ các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; tập trung xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần khẩn trương, nhanh nhậy nắm bắt tín hiệu thị trường, giữ vững thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở thêm thị trường mới.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Hiệp định thương mại tự do (FTA)

Tin cùng chuyên mục

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?

Điểm danh những nhóm sản phẩm xuất khẩu chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu

Bức tranh sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025

Tổng cục Hải quan tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Xuất khẩu cà phê chế biến sâu: ‘Chìa khoá’ xây dựng bền vững thương hiệu

Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá ngoạn mục

Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024

Dự báo nào cho xuất khẩu rau, quả năm 2025?

Xuất khẩu bền vững sang EU: Nâng cao giá trị sản phẩm để 'thoát kiếp' gia công

Rau quả tươi Việt Nam: Nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển

Việt Nam xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại trong 11 tháng năm 2024