Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến Giải pháp phát triển nuôi cá tra tháng cuối năm 2021 và năm 2022 diễn ra mới đây, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) - cho biết, năm 2021, ngành thủy sản nói chung và ngành hàng cá tra nói riêng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Giá cá tra nguyên liệu giảm thấp kéo dài từ năm 2019 làm ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư sản xuất; đại dịch Covid-19 đã làm chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, năm 2021, ngành hàng cá tra đạt sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020 và kim ngạch XK mặt hàng này ước đạt trên 1,5 tỷ USD.
Ảnh minh họa |
Bà Lê Hằng - Phó giám đốc Trung tâm VASEP.PRO (Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam - VASEP) - thông tin: XK cá tra liên tục tăng trưởng từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, tuy nhiên, do dịch Covid-19, kim ngạch XK sụt giảm mạnh từ tháng 8 - 10/2021. Bước sang tháng 11, XK cá tra đã phục hồi mạnh trở lại. Về thị trường XK, Mỹ chiếm 22% tỷ trọng, đây cũng là thị trường XK tăng trưởng mạnh nhất. Đối với thị trường EU, nhu cầu nhập khẩu 5 tháng đầu năm vẫn thấp, bắt đầu có tín hiệu tăng trưởng vào tháng 6, 7 nhưng từ tháng 8 lại giảm vì bị ảnh hưởng dịch Covid-19…
Bà Lê Hằng đánh giá, dự báo năm 2022, nhu cầu cá tra tại các thị trường sẽ tiếp tục tăng, nhất là thị trường Mỹ. Thị trường EU có thể phục hồi nhưng không mạnh. XK sang Trung Quốc khó có thể đoán định vì nước này vẫn kiên định kiểm soát chặt thủy sản nhập khẩu nhưng vẫn hy vọng có kết quả khả quan hơn năm 2021 vì các doanh nghiệp (DN) Việt dần thích ứng với những rào cản của thị trường này. Đặc biệt, các FTA tiếp tục là đòn bẩy xúc tiến thương mại sang nhiều thị trường. DN chế biến cần chuẩn bị tốt nội lực để tận dụng cơ hội XK cá tra sang thị trường EU sau khi việc cắt giảm những dòng thuế liên quan đến cá tra có hiệu lực nhờ Hiệp định EVFTA.
Để thúc đẩy XK trong năm 2022, bên cạnh nâng cao chất lượng giống, sản phẩm, việc tăng năng lực để ứng phó với sự thay đổi của thị trường là rất quan trọng. |