Thứ sáu 22/11/2024 17:19

Xuất khẩu cà phê nửa đầu năm 2024: Robusta chiếm vị trí chủ đạo

Trong tổng kim ngạch cà phê xuất khẩu khoảng gần 3,26 tỷ USD nửa đầu năm 2024, thì cà phê Robusta chiếm vị trí chủ đạo với kim ngạch khoảng trên 2,53 tỷ USD.

Doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 35% thị phần

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết, trong tháng 6/2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 75.500 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 351,72 triệu USD, khối lượng giảm khoảng 46,7% và kim ngạch giảm khoảng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cà phê nửa đầu năm 2024, Robusta chiếm vị trí chủ đạo

Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, trong tháng 6/2024, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với 55.594 tấn, kim ngạch khoảng 227,85 triệu USD, còn cà phê nhân Arabica xuất khẩu 6.341 tấn, kim ngạch khoảng 10,13 triệu USD. Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 10.900 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch trên 86,1 triệu USD (khối lượng cà phê rang xay và hòa tan chiếm khoảng 14,4% và kim ngạch chiếm khoảng 24,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu).

Về thị trường xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam trong tháng 6/2024, ngoài số lượng đang ở kho ngoại quan thì Đức dẫn đầu với khối lượng 7.176 tấn, Italy thứ 2 với 5.571 tấn, Nhật Bản thứ 3 với 4.886 tấn, Thái Lan thứ 4 với 3.599 tấn, Nga thứ 5 với 3.554 tấn, Malaysia thứ 6 với 3.339 tấn, Phillippines thứ 7 với 2.978 tấn, Tây Ban Nha thứ 85 với 2.872 tấn, Trung Quốc thứ 9 với 2.804 tấn và Hoa Kỳ thứ 10 với 2.443 tấn.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam - thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng trên 903.000 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng gần 3,26 tỷ USD, giảm 10,5% về khối lượng nhưng kim ngạch tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét theo từng loại cà phê xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy chủ yếu vẫn là cà phê Robusta với gần 768.800 tấn, kim ngạch khoảng trên 2,53 tỷ USD, còn cà phê nhân Arabica xuất khẩu 38.081 tấn, kim ngạch khoảng trên 153,63 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein xuất khẩu 18.252 tấn, kim ngạch trên 76,29 triệu USD.

Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 74.746 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), kim ngạch trên 490 triệu USD (khối lượng cà phê rang xay và hòa tan chiếm khoảng 8,3% và kim ngạch chiếm khoảng 15,0% tổng các loại cà phê xuất khẩu).

6 tháng, 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống là: Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Intimex Group, Tuấn Lộc Commodities, Intimex Mỹ Phước, Olam Việt Nam, NKG Việt Nam, Sucafina Việt Nam và Phúc Sinh.

Trong tổng số các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sống thì các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần khoảng 35% tổng khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống và chiếm khoảng 34,5% về giá trị kim ngạch; trong khi đó, các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội chiếm thị phần khoảng 22,8% về khối lượng và khoảng 23,0% kim ngạch.

Cũng theo ông Nguyễn Nam Hải, xét về xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan trong 6 tháng đầu năm 2024 thì 10 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu về kim ngạch có thể kể đến là: Outspan Việt Nam, Nestlé Việt Nam, Cà phê Ngon, Tập đoàn Trung Nguyên, Iguacu Việt Nam, URC Việt Nam, Tata Việt Nam, Sucafina Việt Nam, ILD Coffee Việt Nam và Lựa chọn Đỉnh. Các doanh nghiệp FDI chiếm thị phần khoảng 77,2% về kim ngạch xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan tan trong 6 tháng đầu năm 2024, còn các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội chiếm thị phần khoảng 75,6% về kim ngạch.

Về thị trường xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024, ngoài số lượng đang ở kho ngoại quan thì Đức dẫn đầu với khối lượng 109.514 tấn, Italy thứ 2 với 86.174 tấn, Tây Ban Nha thứ 3 với 62.787 tấn, Nhật Bản thứ 4 với 56.084 tấn, Hoa Kỳ thứ 5 với 50.254 tấn, Nga thứ 6 với 46.837 tấn, Indonesia thứ 7 với 32.047 tấn, Hà Lan thứ 8 với 29.298 tấn, Bỉ thứ 9 với 26.163 tấn và Algeria thứ 10 với 25.353 tấn.

Ở chiều ngược lại, về nhập khẩu cà phê của Việt Nam, trong tháng 6 năm 2024, Việt Nam nhập khẩu khoảng 62.234 tấn với kim ngạch trên 230,42 triệu USD, trong đó nhập khẩu cà phê nhân sống trên 55.000 tấn, kim ngạch gần 185,48 triệu USD.

Dự báo, xuất khẩu cà phê sẽ thu về trên 5 tỷ USD

Niên vụ thu hoạch cà phê hàng năm được tính từ tháng 10 năm trước (thời điểm bắt đầu thu hoạch cà phê vụ mới) đến hết tháng 9 năm sau. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích cà phê cả nước hơn 710 nghìn ha trong niên vụ 2022 - 2023, sản lượng cà phê thu hoạch gần 1,8 triệu tấn.

Niên vụ 2023 - 2024, diện tích trồng cà phê là 709.041 ha, do các vùng trồng cà phê lớn đều diễn ra hạn hán và sâu bệnh khiến sản lượng cà phê giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, mặc dù lượng cà phê xuất khẩu trong nửa đầu năm 2024 giảm mạnh, nhưng tính chung trong 9 tháng đầu năm của niên vụ 2023 - 2024, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 25,25 triệu bao (tương đương 1,52 triệu tấn, tăng gần 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Nam Hải cho biết, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến khô hạn xảy ra không chỉ ở Tây Nguyên (vùng trọng điểm trồng cà phê của Việt Nam) mà còn khắp toàn cầu, vì vậy, tổng nguồn cung cà phê trên thế giới giảm, mạnh đã đẩy giá cà phê tăng cao kỷ lục từ trước tới nay.

Tại Việt Nam trong những năm vừa qua, giá cà phê rất thấp, chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, do đó sự đầu tư của nông dân cho cây trồng này cũng thấp, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích cây cà phê sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, bơ, chanh dây… Đây là yếu tố làm giảm mạnh sản lượng cà phê thu hoạch. Ngoài ra, hiện một số diện tích trồng cà phê đã già cỗi mà chưa kịp tái canh nên ảnh hưởng lớn đến sản lượng.

Trong thời gian qua, tại các vùng trồng cà phê Việt Nam đã chứng kiến giá cà phê tăng "phi mã", từ mốc 40.000 đồng/kg vào đầu năm 2023, đã vọt lên 120.000 đồng vào tháng 5/2024. Trong tháng 6/2024, giá cà phê trong nước chững lại, duy trì ở mức 117.000 – 119.000 đồng/kg. Bước sang tháng 7/2024, giá cà phê trong nước đã tiếp tục tăng và đang đứng quanh mức 121.000 – 122.000 đồng/kg, cao gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia trong ngành, vụ cà phê mới phải đến tháng 10, tháng 11 mới bắt đầu thu hoạch. Nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt, trong khi các nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng nên giá cà phê quý III dự báo sẽ tiếp tục đứng ở mức cao.

Hiện cà phê Việt Nam có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ và Việt Nam vẫn đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê chắc chắn sẽ vượt trên 5 tỷ USD, thậm chí có thể lên tới 6 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử.

Nguyễn Hạnh
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu cà phê

Tin cùng chuyên mục

Nông sản Việt Nam sắp xuất hiện trên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội Trung Quốc

Tháng 10/2024, Ukraine là thị trường cung cấp lúa mì nhiều nhất cho Việt Nam

Hàng Việt Nam rộn ràng xuất khẩu ra thế giới qua kênh phân phối

Việt Nam thu về 52,6 triệu USD từ xuất khẩu hoa hồi trong 10 tháng năm 2024

Tính đến 15/11, xuất khẩu hồ tiêu thu về gần 1,2 tỷ USD

Nông sản: Điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa

Sẽ tiếp tục xuất khẩu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sang Philippines

Điện Biên sẽ sớm có cửa khẩu song phương A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc)

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025?

Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm

Xuất khẩu tăng trưởng 2 con số, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào diễn biến mới

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo triển khai nhiệm vụ thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc

Tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt trên 647 tỷ USD

Xuất khẩu phân bón sang Hàn Quốc tăng mạnh về lượng và kim ngạch

Xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đạt trên 950 triệu USD, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính

Bộ Công Thương tìm giải pháp tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Chuyên gia nêu 4 đề xuất quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Xuất khẩu hàng hóa: Dồn lực trong chặng đường về đích

Xuất khẩu mây, tre, cói, thảm mang về cho Việt Nam 594,8 triệu USD

Xuất khẩu hàng hóa ghi nhận mức tăng trưởng khá cao so với một số nước