Thứ hai 05/05/2025 04:25

Xuất khẩu cà phê ảm đạm

Đứng thứ 2 thế giới, song xuất khẩu cà phê của Việt Nam 11 tháng năm 2019, tiếp tục giảm mạnh cả về lượng và giá trị. Doanh nghiệp cần tăng cường năng lực chế biến cà phê rang xay, hòa tan để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa đang là yêu cầu được đặt ra.    

Theo số liệu Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê tháng 11/2019 đạt 120 nghìn tấn, trị giá 207 triệu USD, giảm 13,9% về lượng và giảm 20,4% về trị giá so với tháng 11/2018. Lũy kế 11 tháng năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,473 triệu tấn, trị giá 2,538 tỷ USD, giảm 14,6% về lượng và giảm 22,2% về trị giá so với 11 tháng năm 2018. 11 tháng năm 2019, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê đạt mức 1.723 USD/tấn, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê giảm do nguồn cung cà phê toàn cầu hiện đã dư thừa. Bên cạnh đó, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và căng thẳng thương mại lan rộng cũng là nguyên nhân tác động lên giá cà phê.

Xuất khẩu cà phê ảm đạm

Cà phê Việt Nam hiện được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và 10,4% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil. Tuy nhiên, lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%. Phần lớn cà phê Việt Nam khi thu hoạch không đáp ứng được độ chín, lẫn nhiều tạp chất, máy móc thiết bị sơ chế lạc hậu, sân phơi tạm bợ trên nền đất hoặc nền xi măng,... dẫn đến chất luọng thấp. Trong khi xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô nên cà phê Việt không có thương hiệu mà phần lớn trở thành nguyên liệu của nhiều nước dùng để chế biến sâu và tái xuất lại tiêu thụ ở Việt Nam dưới dạng cà phê bột, hòa tan, pha sẵn...

Giá giảm, trong khi đó nhiều vùng trồng cà phê của Việt Nam đang đối mặt với khó khăn do biến đổi khí hậu, lượng mưa thấp, gây thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất, trồng trọt cà phê. Sản xuất không bù đắp được chi phí khiến nhiều người lo ngại nông dân sẽ bỏ cà phê và chuyển sang cây trồng khác.

Để phát triển ngành cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất cần đẩy mạnh tái canh cà phê, hỗ trợ đầu tư tín dụng và cho vay chương trình tái canh cà phê cho người trồng trọt, liên kết chuỗi giá trị cà phê để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm,...

Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam – khuyến nghị, doanh nghiệp cần tăng cường năng lực chế biến cà phê rang xay, hòa tan để nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu cũng như tiêu thụ nội địa. Từ đó, hỗ trợ nông dân vượt qua khủng hoảng giá cả.

Đưa ra một số tín hiệu lạc quan cho ngành cà phê trong thời gian tới, ông Gerardo Patacconi - Trưởng Ban Điều hành tổ chức cà phê thế giới (ICO) - cho rằng, trong niên vụ 2019/2020, sản lượng cà phê toàn cầu dự báo sẽ giảm do cường quốc sản xuất cà phê Brazil đang trong chu kỳ giảm của chu kỳ sản xuất cà phê 2 năm một lần.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) cũng dự báo toàn cầu sẽ thiếu hụt 0,5 triệu bao cà phê thay vì dư thừa như báo cáo trước đó do ước tính tiêu thụ toàn cầu tăng. Nhu cầu tiêu thụ cà phê Robusta cũng có xu hướng tăng do thị trường cà phê hòa tan mở rộng sang các nền kinh tế mới nổi. Nguồn cung giảm trong mùa vụ tới trong bối cảnh tiêu thụ toàn cầu tăng kéo giá cà phê tăng lên. Các yếu tố này có thể sẽ hỗ trợ cho giá cà phê trong niên vụ tới.

Với Việt Nam, về lâu dài, ông Gerardo Patacconi khuyên các doanh nghiệp cần đa dạng sản phẩm chế biến để xuất khẩu vào nhiều thị trường trên thế giới, cũng như tiêu thụ trong nước. Đưa ra ví dụ về vấn đề này, ông Gerardo Patacconi cho hay, tại Brazil có đến 40% cà phê được tiêu thụ nội địa, đây cũng là xu hướng mà các nước sản xuất cà phê lớn của thế giới đang làm.

Hiện, Chính phủ đang nỗ lực xây dựng chuỗi giá trị ngành cà phê, các doanh nghiệp cũng đang cố gắng nâng cao tỷ lệ chế biến. Cùng với đó, nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được ký kết với EU và nhiều nước khác, qua đó mở ra cơ hội tốt để mở cửa thị trường, trong đó có mặt hàng cà phê.

Nguyễn Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Sầu riêng Việt thêm đối thủ cạnh tranh tại thị trường tỷ dân

Doanh nghiệp Việt nửa thế kỷ vươn mình: Bài 2: Cần 'cuộc cách mạng' để kinh tế tư nhân bứt phá

Xuất khẩu nông sản sang EU: Không phải lượng mà là chất

Chinh phục thị trường Nhật Bản: Cơ hội nâng cao giá trị gạo Việt

Từ nhập siêu tới xuất siêu: Dấu ấn nửa thế kỷ hàng Việt hội nhập

Bộ Công Thương thu hồi 10 giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo

Quy định hạn ngạch nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu năm 2025

Rủi ro thương mại quốc tế: Doanh nghiệp cẩn trọng tránh ‘bẫy’

Tân Cảng Container khẳng định vị thế M&R Isotank tại Việt Nam

Danh sách thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tính đến 28/4/2025

Thương vụ khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Thị trường Halal Indonesia: Còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt

Xuất khẩu sầu riêng: Gắn với vùng trồng an toàn

Xuất khẩu tôm: Cần xây dựng thương hiệu gắn với chất lượng

Xuất khẩu gạo, cơ hội từ thị trường châu Phi

Xuất khẩu yến thô: Thêm cơ hội từ thị trường Trung Quốc

Xuất khẩu Gia Lai: Bứt tốc với những con số ấn tượng

Chùm ảnh: Hội thảo 'Cơ hội để Logistics phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0'

Cà phê, trà và trái cây Việt đón cơ hội từ Kazakhstan

Định hình ‘mắt xích’ chiến lược cho chuỗi cung ứng Việt Nam