Thứ hai 23/12/2024 06:21

Xuất khẩu cá ngừ "trỗi dậy"

Luỹ kế 6 tháng xuất khẩu cá ngừ tăng 56%, mang về hơn nửa tỷ USD. Tuy vậy, đà tăng trưởng mạnh mẽ này có thể bị ảnh hưởng nếu Mỹ quyết định giảm thuế cho cá ngừ Trung Quốc.

6 tháng, cá ngừ mang về hơn nửa tỷ USD

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá xuất khẩu cá ngừ trong nửa đầu năm tăng trưởng rất tích cực. Sự trỗi dậy này nhờ vào hoạt động thương mại, kinh doanh của thị trường toàn cầu đã trở lại sau thời gian dịch Covid-19 kéo dài. Bên cạnh đó, chiến sự Nga - Ukraine đã đẩy thế giới vào nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực. Giá thực phẩm đã tăng 20-40% so với đầu năm, giá thịt gà tại Mỹ đạt mức kỷ lục và tăng gấp 3 lần so với trước. Trước tình hình đó, nhiều nhà nhập khẩu đang suy nghĩ tới việc thay thế bằng sản phẩm protein cá ngừ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá ngừ tháng 6.2022 đạt trên 91 triệu USD, tăng 43% so với tháng 6 năm ngoái. Luỹ kế 6 tháng, xuất khẩu cá ngừ tăng 56%, đạt 553 triệu USD, chiếm gần 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Sản phẩm chủ lực vẫn là cá ngừ loin, cá ngừ cắt khúc đông lạnh, mang về 377 triệu USD, tăng 122%.

Hơn một nửa lượng cá ngừ được xuất khẩu vào Mỹ với kim ngạch hơn 251 triệu USD, tăng 102% so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường này, sản phẩm loin/thịt cá ngừ đông lạnh của Việt Nam đang giành phần lớn.

Trong khi đó, EU ưa chuộng sản phẩm cá ngừ tươi, đông lạnh từ Việt Nam. Phần lớn sản phẩm nhập khẩu được đưa đến chuỗi nhà hàng Nhật Bản, nhà hàng châu Á và cửa hàng bán lẻ, trường học… Nửa đầu năm, xuất khẩu các ngừ sang EU tăng 9% - hơi khiêm tốn so với các thị trường khác và chủ yếu tăng nhờ giá bán tăng.

Một thị trường quan trọng khác của cá ngừ Việt Nam là khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trong đó Canada là thị trường lớn nhất, chiếm gần 5% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ. Việt Nam cũng là nguồn cung cá ngừ lớn thứ hai cho Canada, chiếm 12% tổng khối lượng nhập khẩu cá ngừ của nước này (năm 2021). Ngoài ra, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản, Mexico, Chile, Đức... cũng tăng trưởng tích cực.

Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng ấn tượng. Nguồn: ITN

Tạo điều kiện để tận dụng FTA

Tuy vậy, bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP cho biết, xuất khẩu cá ngừ đối diện không ít khó khăn, nhất là khi thị trường lớn nhất là Mỹ đang xem xét áp dụng giảm thuế cho cá ngừ Trung Quốc.

Thực tế, Mỹ đang phải đối mặt với mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1981. Giá thực phẩm tăng cao khiến người dân chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm protein lành mạnh, giá tốt hơn. Hiện, lượng tồn kho cá ngừ đóng hộp tại Mỹ ở mức thấp. Những yếu tố này dự kiến sẽ làm tăng nhu cầu nhập khẩu cá ngừ của Mỹ, nhà nhập khẩu có xu hướng tìm kiếm các nguồn cung giá rẻ và Trung Quốc sẽ là lựa chọn tốt nhất. Nếu Chính phủ Mỹ quyết định xóa bỏ thuế quan cho Trung Quốc sẽ làm gia tăng cạnh tranh và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Hiện, các mặt hàng cá ngừ từ Trung Quốc khi vào thị trường Mỹ đang chịu thuế suất đặc biệt, ở mức 25%.

Một khó khăn nữa là hiện nay, hơn 80% nguyên liệu cá ngừ doanh nghiệp phải nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam nên các doanh nghiệp không thể tận dụng được các lợi thế từ FTA.

Trước tình hình trên, VASEP kiến nghị Bộ Công Thương một số nội dung trong quá trình thực hiện, áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa. Theo đó, cơ chế chứng nhận xuất xứ cần tiến tới cơ chế cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ để giảm bớt thủ tục hành chính và đề cao tính trách nhiệm cho các doanh nghiệp. Đồng thời, sớm triển khai các chứng nhận xuất xứ điện tử, kể cả chứng nhận xuất xứ do doanh nghiệp tự chứng nhận. Nên mở rộng tiêu chí xuất xứ hàng hóa để doanh nghiệp có thể sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước ngoài khối FTA để sản xuất và xuất khẩu vào các quốc gia trong khối FTA.

Về tiêu chí xuất xứ tại danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR), cần mở rộng tiêu chí chuyển đổi mã HS (CC, CTH). Quy tắc xuất xứ trong các FTA yêu cầu nguyên liệu sử dụng cho chế biến, xuất khẩu phải có xuất xứ thuần túy (nguyên liệu có xuất xứ trong nước) hoặc có xuất xứ nội khối (nguyên liệu có xuất xứ từ các quốc gia thành viên FTA).

“Muốn các doanh nghiệp cá ngừ tận dụng tối đa được những lợi thế do các FTA mang lại thì cần tạo điều kiện, mở rộng thỏa thuận về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Nếu vấn đề được tháo gỡ sẽ tác động rất tích cực đến kết quả xuất khẩu của sản phẩm này”, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhận định.

daibieunhandan.vn
Bài viết cùng chủ đề: Xuất khẩu

Tin cùng chuyên mục

Xuất nhập khẩu hàng hóa 2024 chính thức xác lập kỷ lục mới

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?

Điểm danh những nhóm sản phẩm xuất khẩu chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu

Bức tranh sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025

Tổng cục Hải quan tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Xuất khẩu cà phê chế biến sâu: ‘Chìa khoá’ xây dựng bền vững thương hiệu

Năm 2024, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá ngoạn mục

Việt Nam nhập khẩu gần 1,98 triệu tấn đậu tương trong 11 tháng năm 2024

Dự báo nào cho xuất khẩu rau, quả năm 2025?

Xuất khẩu bền vững sang EU: Nâng cao giá trị sản phẩm để 'thoát kiếp' gia công

Rau quả tươi Việt Nam: Nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Thụy Điển

Việt Nam xuất khẩu hơn 1,57 triệu tấn phân bón các loại trong 11 tháng năm 2024