![]() |
Sợi dùng để sản xuất hàng XK chủ yếu phải nhập khẩu |
Bộn bề nỗi lo
Theo Bộ Công Thương, XK hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, chủ nghĩa bảo hộ thể hiện rõ ràng hơn khi lần đầu tiên trong nhiều năm, Mỹ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với một số mặt hàng. Đặc biệt, nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dẫn đến tâm lý DN và nhà đầu tư bị lung lay.
Cụ thể, ngày 15/3 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo áp thuế chống bán phá giá đối với các DN XK cá tra-basa của Việt Nam lên tới 2,39 USD/kg - 7,74 USD/kg, cao nhất từ trước tới nay. Sản phẩm thép nhập khẩu vào nước này cũng sẽ phải chịu mức thuế 25% và với nhôm là 10%.
Đối với nông sản, thách thức lớn khi Trung Quốc - thị trường lớn nhất của Việt Nam đã và đang có xu hướng đặt ra yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, tăng cường quản lý và siết chặt hoạt động thương mại biên giới.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường cho nông sản nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - ông Trần Thanh Hải - cho hay, Bộ Công Thương đã làm tốt khâu đàm phán cắt giảm thuế nhập khẩu thông qua việc ký kết và triển khai thực hiện các FTA song phương và đa phương, song đàm phán công nhận về hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nhau còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản đã được hưởng mức thuế suất 0%, tuy nhiên chưa tiếp cận được thị trường, chưa được cho phép chính thức nhập khẩu.
Nhóm công nghiệp chế biến là thế mạnh của nước ta, nhưng cũng đang gặp không ít thách thức. Đơn cử, với dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - cho biết, hiện nay, nước ta đang sản xuất khoảng trên 1,4 triệu tấn sợi/năm. Tuy nhiên, do các loại sợi này không thể dùng để sản xuất trực tiếp được nên phải XK đến 90% ra nước ngoài, còn sợi dùng để sản xuất hàng XK lại phải nhập khẩu. Trong thời gian tới, khi các FTA thế hệ mới áp dụng quy tắc xuất xứ, sẽ rất khó khăn cho DN trong bối cảnh nhập khẩu nguyên liệu lớn như hiện nay.
Tháo gỡ khó khăn
Góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động XK, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các hoạt động khuyến khích đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất, tăng cường kiểm soát nguồn cung, định hướng sản xuất gắn với nhu cầu thị trường; từng bước nâng cao và ổn định chất lượng nông sản, thủy sản XK. Bên cạnh đó, đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, song song với duy trì tăng trưởng tại các thị trường truyền thống; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; tăng cường ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại và những biện pháp bảo hộ không phù hợp với cam kết quốc tế. Ngoài ra, tiếp tục cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động XK; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN.
Riêng với nhóm hàng nông, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tiếp tục trao đổi với phía Mỹ để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền lợi cho tôm, cá tra của Việt Nam tại thị trường này. Đồng thời tích cực làm việc với các quốc gia liên quan để họ công nhận về hệ thống kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông sản XK.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 năm (từ 2014 - 4/2018), có 3 năm XK đạt tăng trưởng 2 con số là năm 2014 tăng 16,1%, năm 2017 tăng 13,9% và 4 tháng đầu năm 2018 tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, kim ngạch XK trong những tháng đầu tiên của năm 2018 đạt cao nhất trong giai đoạn 5 năm trở lại đây. |