VIPA kiến nghị kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi
Giá bán đang dưới giá thành
Sáng 27/4, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chăn nuôi gia cầm trong tình hình mới.
Toàn cảnh Hội nghị |
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới, riêng đàn thuỷ cầm lớn thứ hai thế giới. Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, đàn gia cầm tăng nhanh từ 435,9 triệu con lên 557,3 triệu con. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.
Trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563,2 nghìn tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Các tháng đầu năm 2023, giá gà trắng có sự chênh lệch giữa các miền trong cả nước, dao động từ 17.000 - 35.000 đồng/kg thịt hơi, giá gà miền Bắc cao hơn miền Trung và miền Nam và tuỳ thời điểm và vùng miền.
Giá gà thịt lông màu nuôi công nghiệp không có chênh lệch giữa các miền. Trong tháng 1/2023, giá duy trì 39.000 - 43.000 đồng/kg, đến tháng 2 giảm xuống còn 33.000 đồng/kg và tăng lên 38.000 đồng/kg trong tháng 3; sau đó giảm còn 26.000 - 32.000 đồng/kg trong tháng 4.
Giá thịt vịt hơi khu vực Nam Bộ bình quân tháng 3 là 42.100 - 43.900 đồng/kg (tăng bình quân 19% tương ứng 6.800 - 7.000 đồng/kg); sang tháng 4, giá tăng 7.000-9.000 đồng/kg so với tháng 3. Trong các tháng đầu năm 2023, giá trứng gà dao động từ 1.750 – 2.200 đồng/quả; trứng vịt 2.200 - 2.400 đồng/quả.
“Giá có sự biến động lớn và thất thường, giá gia cầm giữa các miền không có sự sai khác nhiều”, ông Tống Xuân Chinh nói.
Nói về những khó khăn trong ngành chăn nuôi gia cầm, ông Tống Xuân Chinh chia sẻ, tình hình dịch Covid-19 trên người ở trong nước vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp trở lại cùng với sự việc duy trì mức giá cao của nhiều mặt hàng đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Gia cầm Việt Nam (VIPA), ngành về chăn nuôi gia cầm hiện nay được ví như một bức tranh toàn cảnh bao gồm các gam màu sáng tối đan xen. Đáng chú ý, giá gà lông màu hiện đang bán thấp hơn giá thành từ 6.000 – 8.000 đồng/kg, với mức giá bán hiện nay, cả các doanh nghiệp FDI cũng thua lỗ chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp trong nước. Tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh, đây là điều báo động. Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp vẫn là mối đe dọa thường xuyên.
Cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi
Ông Nguyễn Thanh Sơn đánh giá, so với các nước có nền chăn nuôi phát triển, các quy định về nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta còn dễ dãi và lỏng lẻo. Trong đó, để xuất khẩu được sản phẩm trứng gia cầm, chúng ta phải chịu rất nhiều rào cản nghiêm ngặt tại các nước nhập khẩu, khiến các mặt hàng sản phẩm chăn nuôi của ta đang bị yếu thể và thiệt thời ngay trên sân nhà.
Trong 5 năm gần đây sản lượng thịt gà nhập khẩu hàng năm tăng liên tục (trên 15%/năm), chiếm 20 - 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khẩu chính ngạch, hàng năm, một khối lượng lớn gà sống để loại thải được nhập tiểu ngạch, thậm chỉ nhập lậu qua biên giới (theo ước tính của các chuyên gia khoảng 200 - 250 ngàn tấn/năm).
Hiện nay nước ta chưa có quy định cụ thể đối với sản phẩm thịt nhập khẩu có sử dụng Ractopamine, Cysteamine tại 26 quốc gia, đó là Mỹ. Úc, Canada, Brazil, Indonesia, Malaysia, Mexico, New Zealand, Philippines, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan...
Trong khi ở trong nước cấm người chăn nuôi sử dụng hai loại hóc môn trên cho gia súc, gia cầm. Do vậy, cũng phải cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt từ các nước có sử dụng Ractopamine, Cysteamine để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đăng cho các doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi trong nước.
“Đã đến lúc cần có các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh tình trạng nhập siêu các sản phẩm gia cầm như thời gian qua. Đề nghị các Bộ ngành cần sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế”, ông Nguyễn Thanh Sơn đề xuất.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, hiện nay đang có rất nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn cho chăn nuôi như chân, đầu, cổ, cánh, lòng mề gia súc, gia cầm, thậm chí sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm... nhưng vẫn được tuồn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho con người. Nếu không kiểm soát tình trạng này thì sản xuất trong nước sẽ vô cùng bất ổn.
Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát, tập trung ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, trong đó có gà để loại thải, tạo hành lang biên giới an toàn nhằm ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát và gây áp lực lên thị trường trong trong nước. “Đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công An tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc nhập lậu động vật và sản phẩm từ động vật qua biên giới”, ông Sơn kiến nghị.
Song song với công tác kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thịt trứng gia cầm chế biến, con giống ngoài thị trường Nhật Bản. Trước mắt cần tiếp tục đàm phán ký kết một số Hiệp định thú y với các nước, vùng lãnh thổ có nhu cầu nhập khẩu nhập khẩu sản phẩm gia cầm của nước ta như Singapore, Malaysia, Bangladesh, Myanmar, Đài Loan, Hồng Kông để mở rộng thị trường xuất khẩu hơn nữa.
Để tạo bước đột phá về tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng và triển khai Chương trình trung hạn và dài hạn xuất khẩu một số sản phẩm chăn nuôi chủ lực.
Ông Tống Xuân Chinh đánh giá, giá bán sản phẩm chăn nuôi hiện đang thấp hơn giá thành, nguyên nhân do nguyên liệu đầu vào tăng cao, sức sản xuất lớn, do năm 2022 nhập khẩu gần 34 triệu con gia cầm giống, nên đàn gia cầm tăng nhanh về đầu con. Trong khi đó, sức tiêu dùng lại có hạn.
Để giải quyết tồn tại này cần có lộ trình, nhưng cần giải pháp trước mắt đó là vài trò của Hiệp hội rất quan trọng, tăng cường liên kết, phối hợp trong nội khối chăn nuôi gia cầm, liên kết theo chuỗi giá trị. Từ đó giảm được chi phí đầu vào, đảm bảo đầu ra. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm soát sản phẩm gia cầm nhập khẩu. Bên cạnh tuân thủ điều kiện từ các hiệp định thương mại đã được ký kết, chúng ta cũng cần xây dựng các tiêu chuẩn để ngăn chặn các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.