Ứng dụng KHCN trong khai thác than
CôngThương - Với 10 chương trình khoa học công nghệ (KHCN) trọng điểm nhằm hiện đại hóa các mỏ than, đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả… Chiến lược phát triển ngành than đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đặc biệt quan tâm công tác nghiên cứu, quản lý khoa học.
Những cuộc cách mạng trong KHCN
Đột phá quan trọng nhất là Tập đoàn công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã chuyển từ vì chống gỗ trong hầm lò bằng vì chống thủy lực trong khai thác than, góp phần giảm tổn thất, tăng sản lượng lò chợ từ 50.000 - 60.000 tấn lên 150.000 - 200.000 tấn/năm, có nơi đạt trên 200.000 tấn/năm.
Vinacomin cũng đưa hàng loạt dây chuyền công nghệ, thiết bị hiện đại vào lĩnh vực tuyển than, giúp tận thu mỗi năm hàng triệu tấn than còn trong bã sàng, nâng cao chất lượng than nguyên khai, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa giảm thiểu tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Đặc biệt, việc đưa hệ thống kiểm soát khí cháy nổ mêtan vào trong hầm lò đã giúp Việt Nam làm chủ các công nghệ đánh giá hàm lượng khí mêtan trong các vỉa than, kiểm soát, phân tích thông gió và quan trắc khí mỏ hầm lò. Việc hình thành Trung tâm An toàn mỏ đã giúp ngành than đưa trình độ công nghệ quản lý khí mỏ của Việt Nam sánh ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới. Nhờ đó, việc xác định độ chứa khí mêtan trong các vỉa than đã được thực hiện tại tất cả các mỏ và được phân loại theo mức độ nguy hiểm về khí; hàng loạt hệ thống tự động quan trắc khí mêtan tập trung đã được thiết kế, lắp đặt và đưa vào hoạt động ở hầu hết các mỏ hầm lò và được kết nối với mạng internet để giám sát từ xa; hệ thống tháo khí mêtan trong vỉa than đã được đưa vào hoạt động tại mỏ than Khe Chàm tháng 3/2012.
10 chương trình KHCN trong thời gian tới
Mục tiêu của Vinacomin thời gian tới là phát triển áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác than và khoáng sản, các giải pháp công nghệ khai thác trong điều kiện địa chất đặc biệt; phát triển công nghệ tuyển, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sử dụng than và khoáng sản; thiết kế, chế tạo nội địa hóa các sản phẩm cơ khí, máy móc, thiết bị điện; các vấn đề về khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên, an toàn, bảo vệ môi trường, giảm thiểu và phòng chống ảnh hưởng bất lợi của điều kiện tự nhiên đến quá trình sản xuất, phát triển năng lượng thay thế và vật liệu mới, sử dụng tiết kiệm năng lượng…
Để thực hiện mục tiêu này, Vinacomin đang tích cực chỉ đạo các đơn vị thực hiện dứt điểm một số nhiệm vụ khcn mang tính đột phá. Khẩn trương triển khai dự án KHCN cấp nhà nước về thiết kế, xây dựng và khai thác thực nghiệm một mỏ hầm lò nhằm tìm lời giải cho việc khai thác than đồng bằng sông Hồng. Cụ thể như công nghệ đào chống và khấu than trong điều kiện đất đá mềm yếu, sự ảnh hưởng của nước mặt và nước sông Hồng đến các công trình mỏ cũng như vấn đề suy thoái nước mặt và nước ngầm, sụt lún bề mặt đất và bảo vệ đồng ruộng, hoa màu và các công trình bề mặt… Đồng thời, nghiên cứu, khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ KHCN sát thực với sản xuất. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo đội ngũ cán bộ, tiếp cận KHCN tiên tiến của thế giới. Đẩy mạnh cơ giới hóa khấu than trong lò chợ để từ nay đến năm 2015, ở mỗi mỏ có từ 1 - 2 lò chợ cơ giới hóa với công suất tối thiểu đạt 300 - 400 ngàn tấn/năm. Trong các điều kiện địa chất thuận lợi sẽ nâng công suất lò chợ lên 500 ngàn - 1 triệu tấn/năm.