Trường Đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội: Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội công bố điểm chuẩn năm 2024 |
Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội.
Thưa ông, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) trong nhà trường được triển khai như thế nào trong thời gian qua?
TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NT |
Là trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo định hướng ứng dụng phục vụ cho ngành dệt may nói riêng và các ngành công nghiệp nói chung của cả nước, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội luôn xác định đào tạo, NCKH và triển khai thực nghiệm là 3 nhiệm vụ chính cần được phát triển đồng thời. Do đó, hoạt động NCKH của nhà trường ngày càng được đẩy mạnh và lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động NCKH cho cán bộ giảng viên và sinh viên. Trung bình hàng năm, nhà trường thực hiện nghiên cứu từ 1 - 2 đề tài cấp Nhà nước, 4 - 5 đề tài cấp bộ/tập đoàn, 9 - 11 đề tài cấp cơ sở, 40 - 50 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước, xuất bản 5 - 6 đầu sách, 19 - 24 đề tài sinh viên và 1 - 2 sản phẩm tham gia giải thưởng sinh viên NCKH, khởi nghiệp sinh viên.
Nghiên cứu khoa học được chúng tôi xác định là một trong những nhiệm vụ chính. Do vậy, kinh phí hàng năm dành cho hoạt động này được nhà trường ưu tiên với mức trung bình khoảng 4 tỷ đồng.
Nhằm đảm bảo phát triển bền vững nguồn nhân lực làm khoa học của nhà trường với các cơ chế về tài chính, môi trường làm việc, cơ hội học tập…, nhà trường đã cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nhà nước thông qua giao nhiệm vụ quản lý hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cho đơn vị chuyên trách tại Phòng Đào tạo và các đơn vị chuyên môn thông qua quy chế tổ chức hoạt động và các quy định, hướng dẫn. Cụ thể: Quy định quản lý hoạt động KH&CN, quy định hoạt động NCKH sinh viên, quy định quản lý tài sản trí tuệ, quy chế thành lập và tổ chức hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu tiềm năng (2021)...
Các đề tài, công trình nghiên cứu đã mang lại giá trị thực tiễn và đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp ngành Công Thương nói chung và ngành dệt may nói riêng như thế nào, thưa ông?
Các hoạt động KH&CN của nhà trường đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ, đem lại những đóng góp thiết thực vào phát triển chung của ngành Công Thương và ngành dệt may cũng như của nhà trường nói riêng.
Điển hình là việc nhà trường đã hoàn thành 2 đề tài cấp quốc gia về ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và sản xuất của doanh nghiệp may. Cụ thể, đề tài "Nghiên cứu, đề xuất mô hình ứng dụng Lean cho doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số" đã được nghiệm thu và đề xuất mô hình Lean 4.0 phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp may Việt Nam. Mô hình này kết hợp các công cụ, phương pháp Lean truyền thống với ứng dụng công nghệ số như IoT, big data, AI giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất.
Đề tài đã nghiên cứu đặc thù quy trình sản xuất của doanh nghiệp may, đề xuất các biện pháp cải tiến dựa trên nguyên lý loại bỏ lãng phí. Điểm đột phá là ứng dụng công nghệ IoT, AI để tự động thu thập và phân tích dữ liệu sản xuất, nhận diện các vấn đề và đề xuất cải tiến. Mô hình này đã được áp dụng thực tế cho nhiều doanh nghiệp, đem lại kết quả năng suất lao động tăng 24 - 29%, giảm tồn kho trung bình 25%.
Ứng dụng Lean công nghệ số tại Tổng công ty CP May Bắc Giang. Ảnh: NT |
Tiếp theo là đề tài "Nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho khâu chuẩn bị sản xuất trong nhà máy may" đã được nghiệm thu và được đánh giá là một trong những công trình tiên phong ứng dụng AI vào lĩnh vực may mặc tại Việt Nam. Đề tài đã nghiên cứu, xây dựng bộ giải pháp tự động hóa quy trình chuẩn bị sản xuất bằng AI giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian chuẩn bị sản xuất 30%, tiết kiệm chi phí nhân công 10-15%. Đề tài đã phát triển các mô hình AI như computer vision để tự động hóa các công đoạn chuẩn bị sản xuất dựa trên đặc thù sản phẩm may mặc như trải vải tự động, cắt tự động, kiểm tra và phân loại vải... Các mô hình AI này đã được triển khai cho nhiều doanh nghiệp, mang lại hiệu quả rút ngắn thời gian chuẩn bị sản xuất 30 - 40%, tiết kiệm 10 - 20% chi phí nhân công.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng là một trong những đơn vị tiên phong chuyển giao các công nghệ mới vào ngành may Việt Nam như công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo..., qua các đề tài cấp Bộ Công Thương.
100% kết quả của các nhiệm vụ cấp Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã được áp dụng vào thực tế sản xuất của doanh nghiệp dệt may của Tập đoàn, mang lại hiệu quả năng suất lao động tăng 24 - 29%, giảm tồn kho trung bình 25% và tiết kiệm chi phí nhân công 10 - 15%.
Bên cạnh đó, hoạt động NCKH còn đi đôi với việc biên soạn nhiều tài liệu, giáo trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ doanh nghiệp dệt may, làm tài liệu học tập, nghiên cứu cho các cơ sở đào tạo.
Với những thành tựu trên, có thể khẳng định, các hoạt động KH&CN của nhà trường đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới quy trình, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp dệt may. Từ đó, nhà trường có đóng góp đáng kể trong việc giúp ngành dệt may hội nhập sâu hơn vào xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông có thể cho biết, hoạt động NCKH đã giúp nhà trường từng bước đạt mục tiêu trở thành trường đại học ứng dụng ra sao?
Là cơ sở đào tạo hoạt động theo định hướng ứng dụng, trong chiến lược phát triển của mình, chúng tôi đặt ra 3 mục tiêu chính:
Thứ nhất, khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia NCKH theo định hướng ứng dụng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ngành dệt may, nâng cao hiệu quả các hoạt động và chất lượng đào tạo tại nhà trường.
Thứ hai, đẩy mạnh các hoạt động công bố khoa học, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu.
Thứ ba, đầu tư cho các nghiên cứu có tính ứng dụng cao và khả năng chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất.
Có thể khẳng định, các nhiệm vụ KH&CN cấp tập đoàn, bộ và quốc gia, nhà trường đã thực hiện đều theo định hướng ứng dụng trên cơ sở đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam. Nhờ đó, 100% kết quả nghiên cứu đều được chuyển giao, áp dụng, triển khai thí điểm tại các doanh nghiệp dệt may và Trung tâm Sản xuất - Dịch vụ của nhà trường. Các doanh nghiệp này cũng chính là đối tác trong đào tạo và nghiên cứu của nhà trường thông qua hoạt động hợp tác thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tiếp nhận sinh viên tham gia thực tế và thực tập, tuyển dụng sinh viên nhà trường sau tốt nghiệp.
Xin cảm ơn ông!