Lợi nhuận như nước qua kẽ tay, Chủ tịch Phát Tiến trải lòng những gì?
Người sáng lập Head Honda Phát Tiến
Hồ Minh Trí, một trong những /chu-de/doanh-nhan-viet-nam.topic hàng đầu tại TP. Hồ Chí Minh, là hiện thân của sự vươn lên và bản lĩnh kinh doanh. Sinh năm 1966 tại đô thị phồn hoa bậc nhất Việt Nam, ông Trí trưởng thành từ một gia đình có nền tảng ổn định và được nuôi dưỡng trong môi trường thuận lợi để phát triển.
Tuổi trẻ của ông Trí gắn liền với những năm tháng học tập tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ xuất sắc trong học tập, ông còn nổi bật nhờ tinh thần năng động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, để lại dấu ấn mạnh mẽ từ thuở còn trên giảng đường. Hiện, ông Hoàng Minh Trí được Ban lãnh đạo nhà trường tín nhiệm, bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu sinh viên Bách khoa, Phó Chủ tịch Ban đại diện cộng đồng Cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa.
Ông Hồ Minh Chí xuất hiện tại sự kiện sinh nhật Tập đoàn Phát Tiến năm 2018 (Ảnh: Phát Tiến) |
Hành trình kinh doanh của ông bắt đầu từ khát vọng độc lập và tinh thần dám nghĩ, dám làm. Năm 1998, ở tuổi 32, cùng sự hỗ trợ tận tụy của người bạn đời - bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp (sinh năm 1966), ông Hồ Minh Trí sáng lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phát Tiến. Đây chính là bước khởi đầu, là viên gạch đầu tiên cho sự phát triển giàu mạnh của "đế chế" Phát Tiến - một tập đoàn dẫn đầu trong trong lĩnh vực bán lẻ xe máy, ô tô tại khu vực phía Nam.
Sau gần 30 năm hoạt động, Tập đoàn Phát Tiến thành công xây dựng một mạng lưới bán lẻ rộng khắp với hàng chục cơ sở "phủ sóng", trải dài từ TP. Hồ Chí Minh đến các tỉnh thành giàu tiềm năng như Cần Thơ, Bến Tre, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Tiền Giang.
Trước đó, từ thập kỷ đầu tiên bước chân vào thương trường, chuỗi bán lẻ Phát Tiến đã luôn góp mặt trong danh sách Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, hàng năm, Phát Tiến đều ghi dấu ấn với hàng loạt danh hiệu và giải thưởng do hai đối tác chủ lực là Honda và Toyota Việt Nam trao tặng, là minh chứng sống động cho sự tín nhiệm rất cao dành cho nhà phân phối quan trọng phía Nam này.
Ông Hồ Minh Trí – thứ ba từ trái qua, chụp ảnh cùng đại diện Honda Việt Nam tại buổi khai trương Honda Ô tô Tây Ninh - Hoà Thành |
Lợi nhuận như nước qua kẽ tay
Tuy nhiên, ánh hào quang của Tập đoàn Phát Tiến chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Những năm gần đây, cơ nghiệp của ông Hồ Minh Trí liên tục đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, đặc biệt là câu chuyện thua lỗ tài chính ròng rã, gây cản trở cho chiến lược mở rộng, phát triển và thâu tóm thị trường phía Nam.
Việc đầu tư, mở rộng mạng lưới thêm hàng loạt chi nhánh và showroom bán xe, cùng sự gia tăng đội ngũ nhân sự, đã khiến bộ máy vận hành của Phát Tiến mau chóng "phình to", kéo theo áp lực chi phí và gánh nặng tài chính ngày càng lớn. Theo số liệu Phát Tiến trình bày trong báo cáo tài chính gửi lên cơ quan quản lý nhà nước, dù doanh thu đạt mức khổng lồ, bình quân thu về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận lại là một bài toán đầy thách thức, mang câu chuyện trái ngược hoàn toàn.
Tập đoàn Phát Tiến theo đó thường xuyên lâm vào cảnh thua lỗ, hoặc nếu có lãi thì cũng chỉ dừng ở mức nhỏ bé. Kết quả kinh doanh chập chờn trên ranh giới giữa lãi và lỗ, vẽ nên bức tranh thiếu ổn định luôn chực chờ.
Tập đoàn Phát Tiến mở rộng hàng chục cơ sở, chi nhánh Head Honda trải khắp các tỉnh phía Nam |
"Cánh chim đầu đàn" - Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phát Tiến (Tập đoàn Phát Tiến - công ty mẹ) là ví dụ tiêu biểu. Đây là pháp nhân thành lập năm 1998, đại diện cho Hệ thống Head Honda của Phát Tiến. Cụ thể, theo tài liệu của Báo Công Thương, trong vòng 5 năm gần nhất (2019 - 2023), doanh thu của Tập đoàn Phát Tiến ghi nhận sự sụt giảm đáng lo ngại, từ mức 4.221 tỷ đồng, giảm xuống dần qua các năm, còn 3.552 tỷ đồng, 3.264 tỷ đồng, 2.950 tỷ đồng và cuối cùng là 2.613 tỷ đồng.
Sự trượt dốc về doanh thu còn đi kèm với những khoản lỗ ròng liên tiếp. Vào năm 2020, Phát Tiến chứng kiến khoản lỗ ròng 14,9 tỷ đồng, tiếp đó là 28,7 tỷ đồng (2021), 13,8 tỷ đồng (2022) và nặng nề nhất là 81,6 tỷ đồng vào năm 2023. Năm duy nhất tập đoàn có lãi trong giai đoạn này là 2019, nhưng mức lãi này chỉ đạt vỏn vẹn 17,2 tỷ đồng, tương đương chiếm vỏn vẹn 0,4% doanh thu.
Như vậy 5 năm qua, tổng doanh thu mà Phát Tiến chủ yếu lấy được từ hoạt động phân phối xe máy, ô tô của hãng Honda đã chạm ngưỡng 16.600 tỷ đồng; thế nhưng, giữa nguồn thu dồi dào là vậy, doanh nghiệp lại không thể chuyển đổi được thành 1 đồng lợi nhuận, mà trái lại, báo lỗ lên tới 122 tỷ đồng.
Điều đó cũng có nghĩa, công ty mẹ của Tập đoàn Phát Tiến không phải nộp bất cứ khoản tiền thuế thu nhập doanh nghiệp nào vào Ngân sách Nhà nước suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, thua lỗ triền miên nhưng ông Hồ Minh Trí và vợ Nguyễn Thị Ngọc Điệp vẫn không ngừng rót thêm hàng trăm tỷ đồng vào Tập đoàn Phát Tiến, qua đó, tăng vốn điều lệ doanh nghiệp từ 70 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng, tương đương gấp hơn 10 lần từ năm 2016 đến nay.
Tương tự, các đơn vị trọng yếu khác trong hệ sinh thái của Tập đoàn Phát Tiến cũng không ngoại lệ. Công ty TNHH Toyota Ninh Kiều (trụ sở 57 Cách Mạng Tháng Tám, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) - phụ trách mảng bán lẻ ô tô Toyota từ năm 2010 với số vốn điều lệ 50 tỷ đồng, lần lượt các năm 2019 - 2023, doanh thu đạt 1.943 tỷ đồng, 1.516 tỷ đồng, 1.181 tỷ đồng, 1.629 tỷ đồng và 1.019 tỷ đồng.
Chặng đường 5 năm của Toyota Ninh Kiều ghi nhận 2 năm (2019 và 2023) bị lỗ 5,4 tỷ đồng và 2,6 tỷ đồng. Còn lại, lợi nhuận tạo ra được là 2,2 tỷ đồng (2020), 2,7 tỷ đồng (2021), 18,9 tỷ đồng (2022). Tựu chung, tổng doanh thu Toyota Ninh Kiều quãng thời gian này là 7.290 tỷ đồng, quy đổi thành 15,9 tỷ đồng lợi nhuận ròng, và nộp được 7,8 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.
Thực trạng doanh thu lớn, lợi nhuận nhỏ nhoi hoặc trượt xuống con số âm đã tồn tại trong hệ thống Tập đoàn Phát Tiến từ lâu. Tiếp tục phải kể đến như: Công ty TNHH Toyota Bến Tre, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Ô tô Biên Hòa, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ô tô Vĩnh Long, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Toyota Tiền Giang... Tổng doanh thu giai đoạn 2019 - 2023 của các doanh nghiệp này khoảng 37.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm hơn 170 tỷ đồng.
Thậm chí, ngay cả với Cánh Cung Group - doanh nghiệp ngoài ngành do ông Hồ Minh Trí đầu tư, chuyên hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và tổ chức sự kiện - ông vẫn chưa thể tháo gỡ bài toán tạo ra lợi nhuận.
Những khó khăn
Để công chúng có cái nhìn thấu đáo hơn về những thử thách khắc nghiệt trong ngành phân phối xe máy, ô tô, cùng với những nhọc nhằn đè nặng lên vai các doanh nghiệp như Tập đoàn Phát Tiến, ông Hồ Minh Trí đã có những chia sẻ chân tình và thẳng thắn với Báo Công Thương.
Ông Hồ Minh Trí khẳng định, hệ thống Head Phát Tiến luôn là đơn vị chấp hành và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về chính sách thuế. Ở Phát Tiến không có tình trạng tăng giá bán, bán chênh cao hơn so với giá niêm yết ở cửa hàng. Đại lý của họ còn liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi mới để kích cầu, thu hút sự quan tâm của khách hàng khu vực.
Tuy nhiên, việc Phát Tiến lỗ ròng rã các năm qua là cái giá phải trả cho chiến lược mở rộng hoạt động phân phối sang lĩnh vực ô tô của hãng Honda và Toyota. "Mảng bán ô tô của Phát Tiến đang trong giai đoạn đầu tư. Đối với ngành phân phối ô tô, điểm hòa vốn tuy theo thương hiệu và vùng thị trường, theo tính toán của tôi thì dao động khoảng từ 3 - 5 năm", ông Hồ Minh Trí nói và cho biết thêm: Từ khi khai trương, Phát Tiến chỉ mới đầu tư khoảng 90% dự án thôi, và sau đó dựa trên biến động thị trường, chúng tôi sẽ tiếp tục phân bổ vốn đầu tư 10% còn lại. Vì đầu tư dài hạn là vậy, nên có bị thua lỗ, thâm hụt vốn trong những năm đầu là chuyện bình thường. "Phát Tiến bước vào ngành ô tô với tâm thế là đi trồng cao su, chấp nhận đầu tư dài hạn nhiều năm chứ chẳng như đi trồng lúa để có thể thu hoạch liền. Hiện nay, mỗi chiếc ô tô mới toanh từ mà Phát Tiến bán ra chỉ lãi trung bình 5 - 7 triệu đối với dòng xe Honda, 10 - 12 triệu đối với dòng xe Toyota, vậy mà cũng chẳng dễ dàng gì, chật vật vô cùng. Lãi được 1 đồng từ khách hàng là rất khó bởi sự cạnh tranh gắt gao giữa các nhà phân phối. Nếu mình bán cao hơn showroom khác một chút thôi là khách hàng họ sẵn sàng lấy ở bên khác ngay" - ông Hồ Minh Trí cho hay.
Bên cạnh đó, nhà sáng lập hệ thống Head Honda Phát Tiến tiết lộ rằng, số lợi nhuận từ vài triệu đến chục triệu đồng mỗi chiếc xe ô tô đó chỉ đủ trả cho nhân viên bán hàng. Nhưng, tập đoàn vẫn phải làm để lấy lượng khách hàng, phục vụ cho hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo dưỡng, sửa chữa xe trong tương lai.
"Tôi tự tin là Phát Tiến đang làm rất tốt so với các hệ thống phân phối khác. Mảng sửa chữa, bảo dưỡng xe là cái mà chúng tôi kiếm sống. Tôi là người có tay nghề, là dân kỹ thuật học Bách Khoa ra nên rất chăm chút từng li, từng tí, tính toán từng đốm sơn sao cho tỷ lệ sơn phải chuẩn chỉ, đảm bảo... từ đó đào tạo ra đội ngũ thợ tốt, lành nghề. Trên thế giới cũng vậy, xu hướng hiện nay và sau này là sống bằng nghề dịch vụ, cùng với việc xây dựng chuỗi giá trị liên quan chứ chỉ kiếm chút chút từ việc bán xe thì khó lời nổi", ông Hồ Minh Trí chia sẻ.
Mặt khác, vị Chủ tịch Phát Tiến cho biết, doanh thu của tập đoàn hiện giờ đang có tới 60% là bán xe ô tô, và chỉ 30% đến từ xe máy. Mảng bán xe máy vẫn đang là chủ đạo, tạo lợi nhuận chính nuôi dưỡng bộ máy hoạt động, song cũng đang có dấu hiệu chững lại đáng kể trước sự bão hòa và xu hướng mua sắm của người dân.
"Bình quân lãi gộp mỗi chiếc xe máy Honda là khoảng chừng 5 - 7%. Tuy nhiên, khi tổng hợp kết quả kinh doanh thì tập đoàn vẫn âm lợi nhuận vì 1 đồng doanh thu xe máy 'cõng' cho 2 đồng doanh thu ô tô. Dù thua lỗ nên không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, nhưng chúng tôi vẫn nộp thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân rất chuẩn chỉ, nhận được nhiều bằng khen của cơ quan thuế", ông Hồ Minh Trí bộc bạch.