Việt Nam có thể trở thành quốc gia có công trình điện gió với công nghệ tân tiến
Dự án Điện gió Thăng Long được đầu tư xây dựng ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 50km, tốc độ gió bình quân 9,5m/s; kết cấu trụ gió đặc biệt, các tuốc bin có thể có công suất khác nhau, những tuốc bin đầu tiên được xây dựng có công suất khoảng 9,5MW, sau đó sẽ được tăng lên 10MW, 12MW. Tổng công suất của dự án là 3.400MW.
Các giai đoạn thực hiện dự án được chia ra nhiều chu kỳ đầu tư, mỗi chu kỳ khoảng 600MW. Vốn đầu tư được thu xếp cho từng chu kỳ và cho toàn bộ dự án khoảng 11,9 tỷ USD đó là phần do chủ đầu tư đề ra, chưa kể phần đầu tư đường dây và trạm tới 500kV để kết nối với hệ thống điện quốc gia Việt Nam.
Thành công của Dự án Điện gió Thăng Long sẽ cung cấp một lượng điện năng sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam |
Nhân dịp Dự án Điện gió Thăng Long vừa được Bộ Công Thương cấp phép thực hiện khảo sát, ông Ian Hatton - Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy, nhà đầu tư dự án đã có cuộc trao đổi về một số vấn đề được quan tâm của dự án.
Với tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 11,9 tỷ USD, ông có thể cho biết việc huy động vốn sẽ được tính toán như thế nào để đảm bảo thực hiện dự án theo tiến độ và có giá bán điện phù hợp?
Dựa trên chủ trương Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm huy động mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo Dự án Điện gió Thăng Long đã ra đời. Trên thực tế, việc đầu tư xây dựng cánh đồng gió ngoài khơi Kê Gà đã được Enterprize Energy ấp ủ và nghiên cứu nhiều năm. Những nghiên cứu của cho kết quả đầy triển vọng trên một vùng biển có diện tích hơn 2.000km2, cách xa đất liền tối thiểu 20km ngoài khơi tỉnh Bình Thuận, tính từ mũi Kê Gà.
Trên quy mô của dự án, chúng tôi phải tính đến giá điện không chỉ cho thời gian đầu mà suốt vòng đời dự án. Mới đây, chúng tôi có thảo luận với Ban Kinh tế Trung ương và đề xuất cho phép chúng tôi có thể thực hiện dự án này thông qua việc huy động được tài chính từ phía quốc tế. Theo đó, giai đoạn đầu giá bán điện có thể cao, nhưng sau đó trong quá trình thực hiện dự án giá sẽ thấp dần. Chúng tôi cũng đưa ra đề xuất theo mô hình của Anh về truyền tải điện, đó là sau khi xây dựng xong thì chủ sở hữu sẽ chuyển sang một bên thứ ba có khả năng vận hành tốt hơn, điều này giúp giảm chi phí giá điện cho tổng thể dự án.
Thực tế có nhiều dự án điện gặp phải khó khăn về hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)? Vậy, để hạn chế được khó khăn này, nhà đầu tư đã có đề xuất nào?
Tôi biết một số nhà đầu tư gặp khó khăn với PPA này, vì vậy, chúng tôi đã đưa ra một số đề xuất cụ thể để sửa đổi, đây là những đề xuất từ những thể chế tài chính chuyên nghiệp đưa ra, tôi nghĩ rằng khoảng cách giữa PPA hiện nay với vấn đề mà chúng tôi đề xuất không phải là quá lớn.
Mặc dù vẫn đang thảo luận thêm nhưng một trong những điều rất quan trọng cần đề cập tới đó là quyền tham gia của các ngân hàng, khi chủ đầu tư tham gia vào dự án nhưng không thể hoàn tất được dự án thì khi đó cần có một điều khoản là các ngân hàng có quyền tiếp nhận dự án.
Hiện chúng tôi đang thảo luận kỹ với EVN về những lợi ích mà dự án mang lại, vì dự án này khi thực hiện cần nguồn vốn gần 12 tỷ USD, trong đó có nguồn vốn được thu xếp từ các thể chế tài chính quốc tế, tức là Việt Nam không cần phải lo lắng tìm nguồn tiền để đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trong dự án này .
Ông Ian Hatton - Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy |
Đối với nguồn điện gió, để đấu nối được vào hệ thống điện quốc gia cần thỏa mãn một số yêu cầu về mặt kỹ thuật. Liên quan đến vấn đề này, dự án đã có những phương án nào?
Chúng tôi đã thảo luận với đơn vị tư vấn xem xét hệ thống có thể chịu tải bao nhiêu MW và phải củng cố lưới điện như thế nào khi thực hiện đấu nối. Ngay từ giai đoạn đầu tiên chúng tôi cũng sẽ xây dựng cơ sở đảm bảo kết nối về dài hạn, như một số trạm, đường chờ sẵn cho kết nối dưới lòng biển để đảm bảo an toàn cho hệ thống.
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, thông qua việc khảo sát của mình, chúng tôi cũng có thể giúp cho Chính phủ Việt Nam sau này có thêm một lựa chọn những công suất điện gió khi nhu cầu điện ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tính tới việc trong vòng đời của dự án thì những công nghệ phát triển nào có thể tích hợp, cụ thể như ngoài công nghệ pin lưu trữ điện còn có những công nghệ ở châu Âu đang phát triển rất mạnh như sản xuất điện kết hợp giữa khí gas tự nhiên với hydro xanh lấy từ dự án.
Việc thực hiện dự án tại Việt Nam có phức tạp so với một số quốc giá khác không, theo ông? Đặc biệt, nhà đầu tư có cam kết nào trong việc giảm các tác động về môi trường, bởi đây là dự án được triển khai trên quy mô rộng?
Kỳ vọng về mặt kỹ thuật dự án này sẽ được triển khai thông suốt bởi vì với kinh nghiệm của chúng tôi thì đây là dự án không phức tạp bằng dự án đã thực hiện ở Đài Loan. Bên cạnh đó, khi thực hiện dự án này chúng tôi đã có được rất nhiều kinh nghiệm và công nghệ để đảm bảo dự án được triển khai một cách an toàn, không gây tác động xấu tới môi trường và đảm bảo thành công. Mặt khác, trong quá trình triển khai chúng tôi áp dụng nguyên tắc xích đạo - đây là nguyên tắc đánh giá về môi trường cũng như quản lý sau này ở mức độ tác động cao nhất do các thể chế tài chính quốc tế đưa ra, nghĩa là họ chỉ tham gia đầu tư khi dự án đảm bảo tuân thủ nguyên tắc xích đạo.
Sau khi được cấp phép khảo sát, nhà đầu tư có thêm những kế hoạch nào, cũng như có tiếp tục hiện diện tại Việt Nam không khi dự án triển khai xong, thưa ông?
Chúng tôi cũng đang thảo luận với các ngân hàng và các đối tác khác để có thể thực hiện chế tạo, thiết kế móng đặc biệt, giúp đưa tuốc bin ra những khu vực biển có độ sâu cao hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang có ý tưởng thực hiện những dự án biến nước ngọt từ nước biển.
Việt Nam hiện có rất nhiều cơ hội thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo. Một trong những điều khiến chúng tôi quan tâm đó là dân số Việt Nam có tới ½ dưới tuổi 30 và tràn đầy nhiệt huyết. Đặc biệt, Chính phủ lại rất quyết tâm nâng cao vị thế của đất nước trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, phát triển năng lượng ít carbon, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu, đây cũng là mong muốn và quan tâm của chúng tôi, do đó chắc chắn rằng chúng tôi sẽ tiếp tục hiện diện ở Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong mục tiêu của Tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh thì tầm nhìn tới năm 2030 Việt Nam cần tới 20% sản lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Qua hàng chục năm việc triển khai thực hiện các dự án năng lượng tái tạo đạt tỷ lệ rất thấp chưa đầy 1% so với yêu cầu. Vì vậy, Dự án Điện gió Thăng Long được hoàn thành sẽ đóng góp vào nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam một giá trị to lớn. |