TP.Hồ Chí Minh: Phát triển Cần Giờ hướng đến kinh tế xanh
Phát triển Cần Giờ là thành phố biển thông minh, tăng trưởng xanh
Huyện Cần Giờ có 23km đường bờ biển, đây cũng được xác định là khu vực trọng điểm trong các chiến lược phát triển kinh tế biển của TP. Hồ Chí Minh và cả nước.
Bên cạnh đó, vị trí kết nối với các cảng biển lớn của khu vực như Cái Mép - Thị Vải và Hiệp Phước tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thông hàng hải và logistics, mở rộng thị trường thương mại quốc tế. Cần Giờ được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ các dự án lớn như Khu đô thị du lịch lấn biển và cảng trung chuyển quốc tế.
Những chính sách, quy hoạch và kế hoạch đầu tư đang tạo nền tảng để Cần Giờ hình thành và phát triển thành phố biển thông minh, tăng trưởng xanh và thân thiện với môi trường. Mục tiêu phát triển của huyện đến năm 2030 trở thành thành phố biển thông minh, thân thiện với môi trường, tập trung vào các ngành kinh tế chủ lực như du lịch sinh thái, cảng biển, và nuôi trồng thủy sản.
Khu đô thị lấn biển tại Cần Giờ sẽ tạo động lực phát triển kinh tế tại địa phương. |
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, hiện nay Cần Giờ còn đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm sự hạn chế về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, nguồn vốn đầu tư và các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp.
Do đó, các khuyến nghị về thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng xanh, chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế huyện phát triển bền vững trong bối cảnh nền kinh tế xanh.
Làm gì để thúc đẩy phát triển kinh tế Cần Giờ?
Theo các chuyên gia tại Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế huyện Cần Giờ, cần thu hút đầu tư và phát triển kinh tế xanh, bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu từ Chỉ thị 14/CT-TTg ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Các giải pháp tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút nhân lực chất lượng cao, thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp, cùng các chính sách ưu đãi cần thiết.
Cụ thể, theo các chuyên gia, Cần Giờ cần phát triển cơ sở hạ tầng xanh và hiện đại, triển khai mô hình giao thông không phát thải nhằm tạo ra môi trường không khí sạch, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Đẩy mạnh chuyển đổi và phát triển các phương tiện giao thông không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích việc sử dụng giao thông công cộng và các phương tiện phi cơ giới. Mục tiêu là giảm phát thải khí CO2, bảo vệ môi trường, và đảm bảo an ninh năng lượng thông qua việc chuyển sang sử dụng năng lượng sạch và tái tạo.
Tiếp đến, cần phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện gió ven biển, điện mặt trời áp mái và điện từ rác thải. Đối với điện gió, Cần Giờ có tốc độ gió trung bình ở độ cao 80m: 6,0m/s+6,5m/s. Mật độ năng lượng gió trung bình năm từ 250W/m2+300W/m2 . Vì vậy khu vực ven biển có thể xây dựng nhà máy điện gió quy mô công suất 30MW. Đây cũng là khu vực có tiềm năng phát triển điện mặt trời, vì có lượng bức xạ dồi dào, trung bình khoảng 1.600kWh/m2 /năm, số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ.
Lợi ích của các dự án phát triển năng lượng tái tạo sẽ giảm phát thải, xây dựng ngành công nghiệp xanh, năng lượng sạch, hướng đến xây dựng Cần Giờ thành địa phương đi đầu về Net Zero vào năm 2030, cùng với TP. Hồ Chí Minh Net Zero vào năm 2040, theo COP26 mà Việt Nam đã ký kết.
Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với diện tích khoảng 571 ha, tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng. |
Ngoài ra, tập trung phát triển cảng trung chuyển quốc tế theo hướng xanh và Net Zero là một mục tiêu chiến lược nhằm gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi việc triển khai các công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu phát thải carbon và ô nhiễm, thông qua sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, và nhiên liệu hydro.
Cần xây dựng khu thương mại tự do tại Cần Giờ, điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế ngắn hạn mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững và dài hạn thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước gia tăng đầu tư vào Cần Giờ. Cùng với đó, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ liên quan, như logistics, vận chuyển, tài chính, và thương mại điện tử. Cần thu hút các công ty công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.
Để thúc đẩy sự phát triển kinh tế huyện Cần Giờ, các chuyên gia của Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, địa phương cần bảo tồn rừng ngập mặn, khu dự trữ sinh quyển của thế giới, đi đôi với khai thác có hiệu quả thị trường tín chỉ carbon…
Đặc biệt, Cần Giờ cần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, tập trung về công tác đào tạo và thu hút chuyên gia và khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo.
Cũng liên quan đến phát triển của huyện Cần Giờ, trước đó, ngày 16/1/2025, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với diện tích khoảng 571 ha, tổng vốn đầu tư 50.000 tỷ đồng. Mục tiêu dự án là xây dựng và phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, bao gồm các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển và các dịch vụ khác. |