Petrolimex Aviation tái cung cấp nhiên liệu cho hàng không Azur Air Petrolimex Aviation tái cung cấp nhiên liệu bay cho Azur Air Sản xuất nhiên liệu hàng không sạch chậm tiến độ |
Chính thức điều chỉnh tăng giá các loại nhiên liệu
Ngày 11/4, Chính phủ Ai Cập đã chính thức điều chỉnh tăng giá các loại nhiên liệu thêm tới gần 15%. Đây là lần tăng giá đầu tiên trong năm 2025, nằm trong lộ trình cắt giảm trợ cấp nhiên liệu theo thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong khuôn khổ gói hỗ trợ trị giá 8 tỷ USD.
![]() |
Dầu diesel – loại nhiên liệu được sử dụng rộng rãi nhất tại Ai Cập – được điều chỉnh từ 13,50 lên 15,50 bảng Ai Cập mỗi lít. Ảnh minh họa |
Theo truyền thông của quốc gia này, mức tăng giá nhiên liệu dao động từ 11,76% đến 14,81%, áp dụng cho nhiều loại nhiên liệu tiêu dùng phổ biến, bao gồm xăng, dầu diesel và gas sinh hoạt. Việc điều chỉnh giá lần này diễn ra gần một tháng sau khi IMF phê duyệt giải ngân 1,2 tỷ USD cho Ai Cập, sau đợt đánh giá thứ tư của chương trình vay ký kết năm 2023.
Chi tiết mức tăng giá như sau: Dầu diesel – loại nhiên liệu được sử dụng rộng rãi nhất tại Ai Cập – được điều chỉnh từ 13,50 lên 15,50 bảng Ai Cập mỗi lít, tức tăng thêm 2 bảng, tương đương khoảng 0,039 USD. Giá xăng dầu cũng tăng mạnh tùy theo chỉ số octan: xăng 80 tăng lên 15,75 bảng/lít, xăng 92 tăng lên 17,25 bảng/lít và xăng 95 tăng lên mức 19,00 bảng/lít, gas nấu ăn (butan) tăng từ 150 lên 200 bảng/bình.
Đây là bước đi mới nhất trong lộ trình cải cách giá năng lượng mà Ai Cập đang triển khai từ năm 2016, khi nước này bắt đầu nhận gói vay 12 tỷ USD từ IMF nhằm vực dậy nền kinh tế sau thời kỳ bất ổn kéo dài hậu mùa xuân Ả Rập. Kể từ đó, IMF liên tục thúc giục Ai Cập giảm các khoản trợ cấp lớn cho xăng dầu, điện và thực phẩm, đồng thời mở rộng các chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ người dân thu nhập thấp.
Trong thông báo hồi tháng 3, IMF cho biết Ai Cập cam kết sẽ cắt giảm dần trợ cấp năng lượng để tiến tới cơ chế giá hoàn vốn vào cuối năm 2025 – một bước đi cần thiết nhằm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai và cải thiện tình hình tài chính quốc gia.
Mặc dù chính phủ đã ba lần tăng giá nhiên liệu trong năm 2024 (với mức tăng từ 11% đến 17%), Bộ trưởng Dầu mỏ Ai Cập, ông Karim Badawi cho biết nước này vẫn đang chi khoảng 10 tỷ bảng Ai Cập mỗi tháng (tương đương gần 198 triệu USD) để trợ cấp nhiên liệu.
Thủ tướng Mostafa Madbouly cũng tuyên bố hồi tháng 3 rằng đến cuối năm nay, ngân sách nhà nước sẽ không còn phải "gánh" chi phí trợ giá xăng dầu như hiện tại. Tuy nhiên, chính phủ vẫn sẽ tiếp tục trợ giá một phần đối với mặt hàng dầu diesel, vốn có tác động trực tiếp đến giá vận tải và hàng hóa thiết yếu.
Khó khăn kinh tế chồng chất
Bên cạnh áp lực cải cách tài chính, Ai Cập còn đối mặt với nhiều thách thức kinh tế nghiêm trọng trong năm 2024. Cụ thể, doanh thu từ kênh đào Suez – nguồn thu ngoại tệ trọng yếu của quốc gia này – đã sụt giảm mạnh do xung đột tại Trung Đông.
Cùng lúc, sản lượng khí đốt tự nhiên trong nước suy giảm – mặc dù Ai Cập từng là nước xuất khẩu – buộc nước này phải quay lại nhập khẩu, gia tăng áp lực lên nguồn ngoại tệ vốn đã rất hạn chế.
Trong khi đó, Ai Cập cần một lượng lớn USD để nhập khẩu khí đốt, xăng dầu và lúa mì, phục vụ chương trình trợ cấp lương thực cho hơn 62 triệu dân (hơn 50% dân số).
Tình trạng thiếu hụt ngoại tệ kéo dài từ đầu năm 2022 đến nay đã khiến hoạt động kinh doanh đình trệ, hàng hóa ùn ứ tại cảng và nhiều giao dịch nhập khẩu bị chậm thanh toán. Trước tình hình đó, Ai Cập đã đề nghị IMF cấp một gói vay mở rộng có thời hạn 46 tháng để ứng phó với khủng hoảng.
Đồng bảng Ai Cập đã mất hơn 2/3 giá trị so với USD trong vòng hơn hai năm qua do nhiều lần phá giá có kiểm soát. Tuy vậy, giá xăng dầu tại Ai Cập vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới – một phần do chính sách trợ cấp kéo dài nhiều năm.
Trong thông báo hồi tháng 3, IMF cho biết Ai Cập cam kết sẽ cắt giảm dần trợ cấp năng lượng để tiến tới cơ chế giá hoàn vốn vào cuối năm 2025 – một bước đi cần thiết nhằm giảm thâm hụt tài khoản vãng lai và cải thiện tình hình tài chính quốc gia. |