Tiết kiệm điện - giải pháp cấp thiết trước áp lực phụ tải tăng cao
Sáng ngày 11/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị với chủ đề “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2025”.
Sự kiện nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động từ cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và các tổ chức trong việc sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm, chủ động ứng phó với thách thức cung ứng điện, đặc biệt trong mùa khô năm nay.
![]() |
Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và các đại biểu tham dự hội nghị. |
Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu, bao gồm lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương như Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Cục Điện lực, cùng đại diện các Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
Sự kiện còn có sự hiện diện của đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, các công ty điện lực khu vực, hiệp hội ngành nghề, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp sử dụng điện quy mô lớn, cùng các thành viên mạng lưới doanh nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VESN) và Cộng đồng giải pháp Tiết kiệm điện (ESS).
Trong bối cảnh hiện nay, hệ thống điện quốc gia đang đối mặt với nhiều áp lực do nhu cầu phụ tải tăng cao, thời tiết cực đoan và tác động rõ nét của biến đổi khí hậu. Các mùa cao điểm 2023-2024 đã cho thấy nhiều thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện, buộc ngành năng lượng phải triển khai các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Bước sang năm 2025, áp lực tiếp tục gia tăng khi sản lượng tiêu thụ điện quý I/2025 đã đạt 72,2 tỷ kWh - con số phản ánh rõ yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi sang mô hình quản lý phụ tải chủ động, hiệu quả và bền vững.
Cùng với các giải pháp kỹ thuật, hệ thống chính sách, pháp luật về năng lượng cũng đang được rà soát, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu lực thi hành. Luật Điện lực sửa đổi và Dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xây dựng theo hướng siết chặt quản lý, áp dụng cơ chế bắt buộc với giám sát chặt chẽ và có chế tài rõ ràng đối với các tổ chức, doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn. Đặc biệt, Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 03/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: tiết kiệm điện không còn là lựa chọn, mà là nhiệm vụ bắt buộc, gắn với trách nhiệm rõ ràng của từng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
![]() |
Ngành điện đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền sự dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong cộng đồng doanh nghiệp. |
Thực tế cho thấy, dư địa tiết kiệm điện tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VNEEP), tiềm năng kỹ thuật trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có thể đạt tới 30%. Với hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, chỉ cần mỗi đơn vị tiết kiệm 2% điện năng mỗi năm, toàn quốc có thể giảm trên 2 tỷ kWh - tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng tiền điện.
Dự kiến năm 2025, sản lượng điện thương phẩm toàn quốc tăng 12,5% so với năm 2024, lên hơn 340 tỷ kWh. Nếu tiết kiệm được 2% tổng điện năng, cả nước sẽ giảm gần 7 tỷ kWh, tương đương sản lượng một nhà máy điện hơn 1.000 MW. Trong bối cảnh nguồn cung điện giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt khoảng 56,7% so với kế hoạch và thời tiết diễn biến cực đoan do biến đổi khí hậu, tiết kiệm điện chính là giải pháp tự thân, bền vững để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Chuyển từ nhận thức sang hành động
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: “Hội nghị năm nay đặt trọng tâm vào chuyển đổi từ nhận thức sang hành động thực chất trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Các chính sách, giải pháp cần đi vào thực chất, thông qua mô hình thí điểm, ứng dụng công nghệ, các cam kết cụ thể và sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan”.
![]() |
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương). |
Theo ông Vũ, trọng tâm chương trình năm 2025 là đẩy mạnh các giải pháp công nghệ, tài chính và quản trị phù hợp với nhu cầu thực tiễn của từng nhóm khách hàng. Trong đó, nổi bật là các xu hướng mới như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) trong giám sát và tối ưu hóa hệ thống sử dụng năng lượng. Các nội dung này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả tiết kiệm điện mà còn hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải và thúc đẩy chuyển dịch xanh trong sản xuất – kinh doanh.
Một điểm nhấn đáng chú ý của hội nghị năm nay là việc ra mắt Trang web Kiểm toán năng lượng nhanh - công cụ hỗ trợ doanh nghiệp tự đánh giá hiệu quả sử dụng điện và đề xuất giải pháp cải tiến. Ngoài ra, hội nghị còn tổ chức các phiên thảo luận chuyên đề, mô phỏng tình huống thực tiễn, cùng lễ ký kết cam kết tiết kiệm điện giữa các bên tham gia - thể hiện tinh thần hành động cụ thể, thiết thực và có tính ứng dụng cao trong thực tế.
“Trong bối cảnh này, hội nghị hôm nay được tổ chức nhằm thúc đẩy sự chuyển biến ấy từ nhận thức sang hành động, để các chính sách, chỉ đạo và giải pháp không chỉ dừng lại trên văn bản, mà thực sự đi vào cuộc sống - thông qua mô hình thí điểm, giải pháp công nghệ, cam kết hành động và sự vào cuộc đồng bộ từ các bên liên quan. Đây chính là nền tảng để chúng ta giảm áp lực cho hệ thống điện, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và hướng tới một tương lai phát triển bền vững hơn”, Phó Cục trưởng Cục Điện lực nhấn mạnh.
![]() |
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam. |
Ở góc độ cung ứng điện, ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, EVNSPC đang thực hiện nhiệm vụ quản lý và cung cấp điện tại 21 tỉnh, thành phía Nam. Trong năm 2024, sản lượng điện thương phẩm của EVNSPC đạt trên 93 tỷ kWh. Dự kiến năm 2025, sản lượng này sẽ tăng hơn 10%, tương đương khoảng 3 tỷ kWh - một thách thức lớn trong bối cảnh nguồn cung điện đang chịu nhiều áp lực.
Trước thực trạng này, EVNSPC đã triển khai thực hiện tuyên truyền nhiều giải pháp tiết kiệm điện đến khách hàng, doanh nghiệp… góp phần đảm bảo cung ứng năng lượng bền vững.
Nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi xanh và số hóa, ông Bùi Quốc Hoan khẳng định tiết kiệm điện không chỉ nhằm đảm bảo cung ứng ổn định mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tuân thủ các cam kết quốc tế về phát thải.
Do đó, EVNSPC mong muốn cùng khách hàng và doanh nghiệp thông qua mạng lưới tiết kiệm năng lượng quốc gia, đồng hành triển khai các giải pháp giám sát, đo lường và tối ưu hệ thống tiêu thụ điện. Đây là bước đi tất yếu trong quá trình chuyển đổi xanh và số, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa Việt Nam và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
![]() |
Các khách hàng sử dụng điện trọng điểm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, tòa nhà cùng các đơn vị cung cấp công nghệ chia sẻ, thảo luận các giải pháp sử dụng tiết kiệm điện. |
Trong khuôn khổ hội nghị đại diện Cục Điện lực, các diễn giả đã trình bày và thông tin đến các sở ngành, các đơn vị điện lực, cộng đồng doanh nghiệp những nội dung chính về “Tổng quan hệ thống điện Việt Nam và chương trình điều chỉnh phụ tải điện”; kinh nghiệm quốc tế và hướng dẫn một số giải pháp tiết kiệm điện; giới thiệu Trang web Kiểm toán năng lượng nhanh đang triển khai tại Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế…
Điểm nhấn của hội nghị lần này, các khách hàng sử dụng điện trọng điểm trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, tòa nhà cùng các đơn vị cung cấp công nghệ, sản phẩm và giải pháp tiết kiệm điện đã có những thảo luận sôi nổi. Bên cạnh đó, sự tham gia của các cơ quan hoạch định chính sách và chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đã tạo nên diễn đàn đa chiều, thực tiễn.
Các bên đã chia sẻ những trải nghiệm, mô hình thành công trong sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Quan trọng hơn, hội nghị là nơi cùng nhau tìm lời giải cho những câu hỏi cụ thể, cấp thiết về tiết kiệm điện trong từng ngành nghề, lĩnh vực. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi thói quen sử dụng điện và hình thành các giải pháp đồng bộ, bền vững trong bối cảnh áp lực nguồn cung ngày càng gia tăng.
Hội nghị “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn nhu cầu phụ tải điện tăng cao năm 2025” là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp sử dụng điện bền vững. Với sự tham gia tích cực và cam kết hành động của các đại biểu, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, cộng đồng khách hàng sử dụng điện cùng với vai trò định hướng của Bộ Công Thương và EVN, hội nghị đã tạo nền tảng vững chắc cho việc xây dựng mô hình hợp tác hiệu quả, góp phần ổn định hệ thống điện quốc gia và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng thông minh, xanh và bền vững. |