Thứ bảy 23/11/2024 10:32

Vàng ế và bài toán nguồn cung cho thị trường vẫn chưa chốt lời giải

Câu chuyện đảm bảo nguồn cung cho thị trường vàng, đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới không thể giải quyết thấu đáo ngày một, ngày hai.

Phiên mở màn /chu-de/dau-thau-vang-mieng.topic sau 11 năm mới khởi động lại nhưng lượng cầu không như mong đợi khi chỉ có xấp xỉ 1/5 khối lượng vàng miếng chào thầu được mua. Câu chuyện đảm bảo nguồn cung cho thị trường vàng, đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới không thể giải quyết thấu đáo ngày một, ngày hai.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 24/4 đã phát đi thông tin sẽ tiếp tục mở phiên đấu thầu vàng vào ngày mai, 25/4. Theo đó, nhằm tiếp tục thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai ngay các giải pháp bình ổn thị trường vàng để xử lý tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC vào ngày 25/4. Tổng khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tiếp tục là 16.800 lượng. Tỷ lệ đặt cọc là 10%. Khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 1.400 lượng, khối lượng đấu thầu tối đa của một thành viên là 2.000 lượng. Không có giá tham chiếu đặt cọc như những thông báo của phiên đấu thầu trước.

3.400 là số lượng vàng miếng trúng thầu trong phiên đấu thầu vàng được tổ chức trở lại sau 11 năm, diễn ra ngày 23/4. Khi thị trường vàng trong nước lên cơn sốt giá, có những lúc chênh lệch quá cao so với giá thế giới, giới chuyên gia, dư luận đã lên tiếng cơ quan quản lý nhà nước phải tìm cách hạ nhiệt giá vàng và kéo chênh lệch giá trong nước và thế giới xuống. Thông điệp sẽ can thiệp thị trường lúc cần thiết, đảm bảo tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường của nhà điều hành ở thời điểm ngay sau đó đã có tác dụng. Vàng SJC bớt chênh giá sốc so với vàng nhẫn và giá vàng thế giới.

Giá vàng miếng SJC và các loại vàng khác đã dần được thu hẹp khoảng cách

Tuy nhiên, thông điệp là không đủ, thị trường kỳ vọng vào liều thuốc giảm sốt mạnh hơn là đấu thầu vàng. Nhưng thực tế mọi chuyện không đơn giản. Vàng đấu thầu bị ế vì giá mở thầu cao hơn giá chào thầu công bố trước đó. Hơn thế, sự "trồi sụt" bất định của giá vàng thế giới càng khiến doanh nghiệp, ngân hàng tham gia đấu thầu vàng thận trọng hơn bao giờ hết. Kết thúc phiên đấu thầu vàng đầu tiên, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, có cổ đông lớn của một tập đoàn kinh doanh vàng bạc có tiếng đã chia sẻ với báo chí rằng, ngân hàng không tham gia đấu thầu vàng lần này bởi biên lợi nhuận thấp.

Thực tế là biên lợi nhuận không chỉ thấp mà còn đầy rủi ro. Giới kinh doanh và đầu tư vàng lão luyện đủ tỉnh táo để "tính cửa" cho mình tránh thua lỗ, thay vì về hùa với đám đông luôn lên tiếng phải kéo giá vàng sát giá thế giới, phải đảm bảo nguồn cung cho thị trường… Ngay cả Ngân hàng Nhà nước, cơ quan đứng ra làm đầu mối trong việc đấu thầu, nhập vàng về để trả cho các đơn vị trúng thầu cũng đã rất thận trọng khi công bố giá sàn lúc mở thầu cao hơn mức giá tham chiếu đặt cọc đã thông báo trước đó, từ 80,7 triệu đồng/lượng lên 81,32 triệu đồng/lượng bởi diễn biến của thị trường vàng thế giới ở thời điểm mở thầu lại có xu hướng tăng giá. Hai đơn vị trúng thầu là Công ty Vàng bạc đá quý SJC và Ngân hàng ACB cũng trúng thầu với giá cao nhất chỉ chênh 10.000 đồng/lượng.

Rất rủi ro nếu giá trúng thầu cao khi vàng về tới kho của doanh nghiệp mà giá thế giới và trong nước giảm. Chênh lệch giá mua và bán không thể đủ bù đắp nếu biến động của giá vàng thế giới giảm sâu. Đó còn chưa kể đến việc đảm bảo nguồn ngoại tệ để nhập khẩu vàng không phải doanh nghiệp hay ngân hàng nào cũng có sẵn. Tính toán thiệt hơn về tỷ giá, về lãi suất khi nguồn tiền bỏ ra cho nhập khẩu vàng quá lớn mà chưa biết lợi nhuận ra sao đã khiến nhiều doanh nghiệp chùn bước trước phiên đấu giá vàng, và dự báo với phiên đấu giá ngày mai cũng không ngoại lệ.

Vàng không phải mặt hàng thiết yếu, càng không phải mặt hàng được khuyến khích tiêu dùng. Tại thị trường trong nước lâu nay vàng không chỉ là kênh đầu tư mà còn là kênh tích trữ tài sản, nằm im trong góc tủ của mỗi gia đình. Hội đồng Vàng thế giới đã từng công bố khảo sát cho thấy, tại Việt Nam, có tới 73% người được hỏi trả lời muốn mua vàng trong khi con số này ở các nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ hay các nước Ả-rập là chỉ 55%.

"Cơn khát" vàng của thị trường trong nước dường như chưa bao giờ hạ nhiệt

Kết quả khảo sát trên phần nào cho thấy "cơn khát" vàng của thị trường trong nước dường như chưa bao giờ hạ nhiệt và thường bùng lên khi lãi suất tiết kiệm giảm và thị trường vàng thế giới tăng giá. Thậm chí thị trường vàng thế giới giảm nhưng trong nước giá vẫn tăng do không đủ nguồn cung. Lo ngại "vàng hóa nền kinh tế", Chính phủ và các cơ quan quản lý đã nhiều lần lên tiếng và cũng đưa ra nhiều giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng này. Đấu thầu vàng được xem là động thái tích cực, ít nhiều tác động tâm lý tới thị trường để kéo giá vàng trong nước đi xuống, tiệm cận gần hơn với giá thế giới.

Nhưng theo giới chuyên gia, với tổng giao dịch trên thị trường vàng Việt Nam vào khoảng 45-50 tấn mỗi năm, thì lượng vàng được đấu thầu là 16.800 lượng nếu có các đơn vị mua hết được số đó cũng cũng chỉ cung cấp ra thị trường tối đa được 1%. Muối bỏ biển!

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, bình quân giá vàng tháng 3/2024 tăng trên 80% so với cuối năm 2019, tăng 22,71% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng gần 9,5% so với cuối năm 2023. Con số này cho thấy số lãi khủng khi đầu tư vào vàng. Hay kể cả không mua đi bán lại kiếm lãi thì vàng vẫn luôn là "hầm trú ẩn" an toàn cho người dân khi bỏ vốn vào đây. Vì thế, để hạn chế vàng hóa nền kinh tế, giảm cơn sốt giá vàng, theo giới chuyên gia bên cạnh các giải pháp tình thế như tăng nguồn cung thì cũng cần tính đến những giải pháp cụ thể hơn như nghiên cứu tính thuế đầu tư vàng dựa trên hóa đơn điện tử trong giao dịch, mức thuế cần xem xét phù hợp, hài hòa.

Trong thời gian tới, giá vàng sẽ tiếp tục biến động phức tạp nhưng việc bùng nổ và tăng mấy chục phần trăm sẽ khó lặp lại. Nhìn chung, động lực tăng đột biến của giá vàng đã bị loại bỏ. Thị trường thế giới cũng đang chứng kiến giá vàng vào giai đoạn chững lại. Do đó, sẽ tiếp tục thu hẹp sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. "Chúng tôi cho rằng, giá vàng SJC sẽ giảm giá và các giá vàng khác sẽ tiếp cận với giá vàng thế giới", chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong nêu nhận định.

Vào lúc 16h hôm nay, 24/4, giá vàng thế giới ghi nhận giao dịch quanh mốc 2.317 USD/ounce. So với cùng thời điểm hôm qua là 2.293 USD/ounce, mức chênh là 24 USD/ounce. Sự "trồi sụt" này ít nhiều là nguyên nhân khiến Ngân hàng nhà nước trong công bố mở thầu đấu giá vàng ngày mai không có giá tham chiếu đặt cọc. Doanh nghiệp chỉ biết giá khi phiên đấu thầu diễn ra. Và vì thế, 16.800 lượng vàng được "rao bán" được dự báo sẽ khó đắt hàng.

Thuỳ Linh
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường vàng

Tin cùng chuyên mục

Từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư suy ngẫm về việc xử lý thành công các dự án tồn đọng

Tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh thực sự hay áp lực hình thức?

Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Đâu là lời giải cho "bài toán" thu hút đầu tư?

Giải ngân vốn đầu tư công bứt tốc cuối năm để về đích

Hành vi thiếu ý thức tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Cần làm gì để không tái diễn?

Cấm phân lô, bán nền có kiểm soát được thị trường bất động sản?

Khi doanh nghiệp vào cuộc cho những mục tiêu lớn của công nghệ cao và phát triển xanh

Đề xuất người bị sa thải không được trợ cấp thất nghiệp: Công nhân lớn tuổi thêm nỗi lo

Chống lãng phí: Thiếu vật liệu san lấp dự án giao thông sao không dùng tro xỉ?

Vụ GFDI vỡ nợ hơn 3.700 tỷ đồng: 'Bánh ngọt' liệu có dễ xơi?

Chi Dân, An Tây và loạt nghệ sĩ dính đến ma tuý: Nghĩ về trách nhiệm của người nổi tiếng

Có tiền nhàn rỗi, mua vàng cất giữ hay gửi tiết kiệm ngân hàng lúc này?

Chuyện giá vàng trong nước: Cầm vàng đừng để vàng 'rơi'

Phụ huynh học sinh cần làm gì để giảm thiểu tai nạn giao thông cho con em?

Hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam và câu chuyện ‘tiếp sức’ cho hàng hoá Việt

Ô tô điện ồ ạt ra mắt, gỡ nút thắt quy hoạch trạm sạc tại Việt Nam ra sao?

Xuất khẩu gạo Việt Nam 2024: Bứt phá ngoạn mục vẫn cần tỉnh táo

Bài học nhìn từ những dự án đội vốn, chậm tiến độ

Từ vụ 'cô đồng bát nước': Cần tỉnh táo trước chiêu trò mê tín dị đoan thời 4.0

Trốn thuế trên thương mại điện tử: Xử một người, cảnh tỉnh nhiều người