Từ đầu năm đến hết ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 343,65 tỷ USD
Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu kỳ 1 tháng 7/2023 (từ ngày 1 đến ngày 15/7 đạt 13,81 tỷ USD, giảm 12% (tương ứng giảm 1,88 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 6/2023
Các nhóm hàng giảm mạnh như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 621 triệu USD, tương ứng giảm 27,4%; sắt thép các loại giảm 189 triệu USD, tương ứng giảm 38,1%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 102 triệu USD, tương ứng giảm 3,9%...
Xuất khẩu da giày gặp khó khăn |
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/7, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 178,45 tỷ USD, giảm 11,4% tương ứng giảm 22,94 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, trong kỳ 1 tháng 7/2023 đạt 27,2 tỷ USD, giảm 4,1% (tương ứng giảm 1,16 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 6/2023.
Từ đầu năm đến hết ngày 15/7, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 343,65 tỷ USD, giảm 14,9%, tương ứng giảm 60,15 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ 1 tháng 7, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 427 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 13,25 tỷ USD.
Hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, trong đó, những ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm nhiều nhất.
Đơn cử, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2003, toàn ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu được 22,7 tỷ USD. Dù đã có dấu hiệu phục hồi hơn so với nửa đầu năm song con số này cũng đã giảm 14 % so với cùng kỳ năm trước.
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 7/2023 diễn ra chiều 31/7,Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đề nghị, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục đi sâu, nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường, đánh giá chính sách nước sở tại, từ đó kịp thời tham mưu cho Bộ về chiến lược phát triển thị trường, kết nối giao thương; đưa ra khuyến cáo giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp; tiếp nhận các ý kiến đề xuất của hiệp hội doanh nghiệp, địa phương để có kế hoạch hỗ trợ hiệp hội, địa phương trong công tác phát triển thị trường.
Ngoài ra, Thương vụ tăng cường phối hợp cùng Cục Xuất nhập khẩu chú trọng nghiên cứu, phân tích chính sách, kịp thời đề xuất, khuyến nghị các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng khóa xuất khẩu. Phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời hướng dẫn, định hướng thị trường, mặt hàng xuất, nhập khẩu, nhất là ở các thị trường trọng điểm, tạo điều kiện cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp; phối hợp với các cơ quan liên quan, có hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cục Xúc tiến thương mại tăng cường phối hợp với các vụ thị trường ngoài nước, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp thông tin và dự báo xu hướng thị trường; tổ chức có hiệu quả công tác tư vấn, xúc tiến thương mại cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.
Với các hiệp hội ngành hàng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị: Chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại phù hợp với nhu cầu và năng lực của mỗi đơn vị; chủ động chuyển đổi sản xuất kinh doanh phù hợp với xu hướng thị trường đặc biệt chuyển đổi xuất khẩu xanh, bền vững; tập trung cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, trao đổi kịp thời với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để phối hợp thực hiện có hiệu quả.