Chủ nhật 22/12/2024 14:56

Trước các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp phải tuân thủ luật chơi quốc tế

Hiện nay, doanh nghiệp, ngành hàng phải nhận thức rõ rằng hàng hoá Việt Nam đang trong tầm ngắm về phòng vệ thương mại của nhiều thị trường.

Trước các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ luật chơi của thị trường để từ đó có sự chủ động phòng, tránh các biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là chia sẻ của chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ với phóng viên Báo Công Thương.

Số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam đang tăng nhanh. Ảnh: TTXVN

Thưa ông, thời gian qua, các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam tăng nhanh, trong đó có các mặt hàng nông sản. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu Việt Nam gia tăng là điều không còn bất ngờ, bởi xu hướng hiện nay của nhiều quốc gia là tăng cường bảo hộ ngành sản xuất trong nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu với kinh tế thế giới, tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở rộng cơ hội để hàng hoá của nước ta xâm nhập vào nhiều thị trường khó tính. Vì vậy, khi năng lực sản xuất, xuất khẩu ngày càng lớn đồng nghĩa hàng hoá của nước ta sẽ đối diện nhiều hơn với các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Thực tế, trải qua nhiều vụ việc, một tín hiệu tích cực đó là khả năng ứng phó của cơ quan chức năng, cũng như doanh nghiệp đã có bước tiến ấn tượng. Trong đó, năng lực và kinh nghiệm của doanh nghiệp về phòng vệ thương mại đã dần được cải thiện, nhất là những nhóm ngành hàng thường xuyên là đối tượng điều tra phòng vệ thương mại như các mặt hàng: Thép, thủy sản, gỗ...

Đáng kể, đối với các ngành hàng này, nhiều hiệp hội đã thể hiện được vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, đại diện cho tiếng nói bảo vệ lợi ích chung của ngành. Các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Công Thương cũng đã thể hiện rõ nét vai trò, điểm tựa trong việc bảo vệ lợi ích cho hàng hoá, doanh nghiệp Việt Nam trên sân chơi kinh tế toàn cầu.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ

Trong giai đoạn tới, các ngành hàng cần phải làm gì để duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu?

Với đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, các ngành hàng sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ bị gia tăng điều tra phòng vệ thương mại trong thời gian tới, đặc biệt là điều tra chống lẩn tránh thuế, từ nhiều thị trường xuất khẩu khác nhau. Tính chất các vụ việc cũng sẽ ngày càng phức tạp và khó khăn hơn trong việc ứng phó, xử lý.

Trước tình hình đó, doanh nghiệp, ngành hàng phải nhận thức rõ rằng hàng hoá Việt Nam đang trong tầm ngắm về phòng vệ thương mại của nhiều thị trường. Từ đó, doanh nghiệp cần có những thay đổi kịp thời về hoạt động sản xuất, kinh doanh; tuân thủ chặt chẽ các quy định, yêu cầu của thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm... Mặt khác, cần xây dựng, bổ sung nguồn nhân sự nắm rõ về phòng vệ thương mại, tránh tình trạng phải bỏ nhiều chi phí thuê luật sư quốc tế khi theo đuổi các vụ điều tra do nước ngoài khởi xướng.

Bên cạnh đó, hiện hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với các mặt hàng tương tự từ các quốc gia trong khu vực. Do vậy, doanh nghiệp phải thúc đẩy chuyển giao công nghệ, sản xuất hàng hoá theo xu thế xanh, phát triển bền vững của thị trường; triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, minh bạch, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; sổ sách kế toán theo chuẩn quốc tế, lưu giữ đầy đủ hóa đơn, chứng từ để có thể chứng minh không bán phá giá khi bị điều tra.

Cần tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Về phía cơ quan chức năng, theo ông công tác cảnh báo sớm phải được đẩy mạnh như thế nào trước "làn sóng" điều tra phòng vệ thương mại?

Các cơ quan chức năng, bộ, ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cùng với các Thương vụ Việt Nam phải đưa ra các dự báo xu hướng tiêu dùng của thị trường, tăng cường cảnh báo sớm các nguy cơ về phòng vệ thương mại đối với các ngành hàng.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác.

Bộ Công Thương cũng cần đẩy mạnh phối hợp với các hiệp hội, địa phương để phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại đến cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp có thể nắm vững được các nguyên tắc cơ bản của việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; khả năng tác động của chúng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp. Đồng thời, các bộ, ngành cần xây dựng dữ liệu số về ngành hàng để doanh nghiệp làm chủ thị trường, tránh mất cơ hội giảm thuế từ các FTA.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (thực hiện)
Bài viết cùng chủ đề: Phòng vệ thương mại

Tin cùng chuyên mục

Phòng vệ thương mại triển khai đồng bộ, toàn diện: Tiền đề giúp khơi thông nguồn lực phát triển

Đà Nẵng: Ứng dụng thương mại điện tử, hướng đi mới cho tiểu thương chợ truyền thống

Để hàng Việt ‘bám rễ’ thị trường Hoa Kỳ

Thương mại điện tử: Đường dài không mấy dễ đi

Tính đến hết ngày 15/12, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 385,35 tỷ USD

Triển vọng xuất khẩu thủy sản năm 2025 sẽ rất khả quan

Xúc tiến quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Hà Nội tại Tiền Giang

Hàng loạt đề xuất giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo thế và lực đưa đất nước vươn mình

Xúc tiến xuất khẩu bài bản, hiệu quả, xuất nhập khẩu năm 2024 dự báo đạt kỷ lục

Gia Lai: Ngành Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với chuyển đổi số

Năm 2024, các thị trường đã đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm

Đà Nẵng: Tập huấn về Hệ thống quản trị thông tin và điều hành xúc tiến thương mại (Vietrade CRM)

Trung Đông nằm Top 2 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất

Dự kiến năm 2025, trái chanh leo Việt Nam sẽ được cấp phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ

Tiêu chuẩn xanh của thị trường EU: Động lực hay áp lực với hàng Việt?

Hàng trăm doanh nghiệp tìm cơ hội phát triển tại chuỗi triển lãm IGHE và IBTE 2024

TP. Hồ Chí Minh: Hơn 900 gian hàng tham dự Triển lãm quốc tế Vietbuild Home

Hoa Kỳ gia hạn xử lý hành chính điều tra áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp

Điểm danh những nhóm sản phẩm xuất khẩu chịu tác động của Thoả thuận Xanh châu Âu

Bức tranh sáng cho hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025